“Theo bước chân người lính Tây Tiến” học văn cực thú vị

GD&TĐ - Tái hiện lại hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, các em học sinh trường THPT Quỳnh Lưu I (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) còn hóa thân thành những chàng trai, cô gái vùng Tây Bắc...

Học sinh thuyết trình về hình ảnh người lính trong bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng.
Học sinh thuyết trình về hình ảnh người lính trong bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng.

Phương pháp học văn thú vị

Đó là chương trình ngoại khóa trải nghiệm sáng tạo giờ học văn của cô trò lớp 12D1, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 “không áp lực điểm số mà vẫn để lại ấn tượng hết sức đặc biệt”.

Nói về lý do chọn bài thơ Tây Tiến làm chủ đề ngoại khóa, cô Đặng Thị Thu Hiền, giáo viên Ngữ văn và là chủ nhiệm của lớp cho biết: Đây là tác phẩm điển hình của văn học cách mạng với giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

Bài thơ giàu hình ảnh, giàu chất nhạc, chất họa… là nguồn nguyên liệu rất phong phú để học sinh có thể dựng lên một không gian văn hóa Tây Bắc.

Năm 2018 cũng là dịp kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.

Từ gợi ý của cô giáo, các học sinh rất hào hứng tham gia, chia thành các nhóm chuẩn bị gồm: Nhóm vẽ, hát, thời trang, ẩm thực… Khối lượng công việc lớn nhưng được học sinh chuẩn bị chỉ trong thời gian 1 tuần.

Các tiết mục văn nghệ, vẽ tranh về chủ đề Tây Bắc
Các tiết mục văn nghệ, vẽ tranh về chủ đề Tây Bắc

Trước mỗi phần biểu diễn, nhóm trưởng sẽ thuyết trình nội dung còn các thành viên lần lượt diễn phần việc do mình đảm nhiệm.

Chương trình ngoại khóa đã đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với sự biểu diễn tự tin, mạnh dạn của các diễn viên không chuyên.

Có sự xúc động khi nhắc về hình ảnh người lính trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp; Có sự vui tươi, sinh động về cuộc sống, cảnh quan thiên nhiên Tây Bắc. Và có cả sự hài hước, sáng tạo tuyệt vời với các bộ thời trang các dân tộc Thái, Tày, Mường, Mông... và trang phục truyền thống của các cô gái Lào và hoàn toàn bằng vật liệu tái chế.

Phần cuối của chương trình là giao lưu múa hát, nhảy sạp,  thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng cao Tây Bắc do chính các học sinh tìm hiểu, chế biến như cơm lam, thịt nướng…

Các bạn còn tìm hiểu và nấu các món ăn của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc
 Các bạn còn tìm hiểu và nấu các món ăn của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc

Phương Thảo (HS lớp 12D1) hào hứng: Qua các hoạt động của buổi ngoại khóa, không chỉ cả lớp đều thuộc, nhớ kiến thức bài thơ Tây Tiến mà còn học thêm được rất nhiều điều, khám phá thêm văn hóa, con người Tây Bắc trong quá khứ và hiện tại. Một cách học bài thoải mái, không áp lực, không lo lắng về điểm số.

Đặc biệt nhất là cả lớp cùng đoàn kết với nhau, tìm kiếm và phát hiện được năng khiếu của nhau. Đây là kỷ niệm rất vui mà chắc chắn chúng em sẽ nhớ mãi. Em cũng mong mình sẽ được học văn theo cách này nhiều hơn nữa.

Thành quả bất ngờ

Nói về chương trình ngoại khóa này, cô Đặng Thị Thu Hiền chia sẻ: Dù là người đưa ra ý tưởng cho học sinh, nhưng sự thể hiện của học sinh khiến cô vô cùng bất ngờ.

Bản thân cô cũng được trải nghiệm những điều bổ ích từ chính học sinh của mình, từ những tình huống khác xa với hoạt động dạy – học bình thường trên lớp.

Trang phục các dân tộc miền núi phía Bắc từ vật liệu tái chế
 Trang phục các dân tộc miền núi phía Bắc từ vật liệu tái chế

Qua đó, giáo viên thêm một góc độ để nhìn nhận, đánh giá học sinh đúng đắn hơn, chính xác hơn, và quan trọng là tích cực hơn. Mối quan hệ giáo viên - học sinh trở nên thân thiện hơn bởi sự thấu hiểu và tôn trọng,

Chương trình này sẽ như một sự mở đường để tiếp theo cô trò cùng thực hiện thêm nhiều hoạt động nữa. Vì trong chương trình Ngữ văn có rất nhiều tác phẩm có thể khai thác thành các chủ đề cho học sinh trải nghiệm, cảm nhận, sáng tạo.

Cô Nguyễn Thị Xuân Bằng – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu I (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đánh giá: Chương trình ngoại khóa "Theo chân người lính Tây tiến" là hoạt động ngoại khóa nối tiếp cho nhiều hoạt động trước đó như tìm hiểu văn học dân gian, văn học địa phương... Qua đó, giúp các em học sinh trải nghiệm, tiếp cận bài học một cách mới mẻ.

Nhà trường luôn ghi nhận, ủng hộ, khuyến khích các tổ bộ môn, tập thể sáng tạo trong dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.