Đấy là những dòng thư ông Đàm Quang Minh – người “sắp trò” của nhóm Đông Kinh cổ nhạc biên lại cho tôi. Cuộc trò chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ triển lãm sắp đặt “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đến hết tháng 10, như thế.
Sự thận trọng khác biệt
- Ông và nhóm Đông Kinh cổ nhạc bắt đầu cộng tác cùng triển lãm sắp đặt “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” như thế nào?
Chúng tôi thực hiện theo lời đề nghị của chị Dương Thị Thủy – Phụ trách nghệ thuật thị giác và nghệ thuật biểu diễn Viện Pháp tại Việt Nam. Chị Thủy đề nghị chúng tôi làm nhạc nền cho triển lãm tư liệu xưa về hàng rong ở Hà Nội.
Khi biết triển lãm sẽ sắp đặt những hình ảnh trong cuốn “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” – một cuốn sách có giá trị về mặt học thuật (do Viện Viễn Đông Bác Cổ xuất bản) và có giá trị về mỹ thuật (hình minh họa của các bậc thầy danh họa Việt như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ…), tôi ý thức ngay rằng, việc làm âm thanh cho triển lãm này cần có những sự thận trọng khác biệt.
- Ông có thể chia sẻ những sự thận trọng, khác biệt được Đông Kinh cổ nhạc thực hiện trong dự án hợp tác?
Sự thận trọng được bắt đầu khi chúng tôi hiểu rằng, đây là cuộc gặp gỡ của hai loại hình di sản: Vật thể (như tranh, ảnh tư liệu được Viện Viễn Đông Bác Cổ lưu giữ từ gần một thế kỷ qua) và phi vật thể (như tiếng rao xưa…).
Trong quá trình thực hiện, tôi và các nghệ sĩ đều làm việc với ý thức về tính di sản của các tác phẩm và bức họa trưng bày, muốn gợi lại cái hồn của chúng bằng cái thật của chất giọng qua ký ức nhiều thế hệ: NSND Mạnh Phóng (80 tuổi), NSND Thanh Hoài (70 tuổi), NSƯT Thúy Ngần (55 tuổi) và nghệ sĩ Hiền Thảo (40 tuổi).
Và, khi các nghệ sĩ cùng tìm tòi để nhớ lại những câu rao mà mọi người đã nghe thời trước và thể hiện lại theo ngữ điệu lưu lại trong ký ức của họ thì tôi chọn lựa những tư liệu âm thanh có được từ một người bạn Pháp Patrick Kessaler – nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học thu âm vào năm 1996 của các nhạc công Đỗ Tùng, Minh Nhương, Công Hùng để làm nhạc nền.
Thêm nữa, điểm khác biệt lớn nhất trong những tiếng rao trên đường phố Hà Nội là các câu rao được ký âm trong sách bằng những nốt nhạc phương Tây, việc này khẳng định nhạc tính trong giọng rao Việt xưa.
Như những con chim đua hót…
- Những tiếng rao trên đường phố Hà Nội đều có nhạc tính, thưa ông?
Đúng vậy. Sự thú vị này hiển hiện ngay trên những bức tranh của 15 họa sĩ Đông Dương khi kể chuyện về gánh hàng rong.
Các họa sĩ đã không chép lại tiếng rao một cách đơn thuần mà dùng nốt nhạc để ký âm. Và chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để kể một nét văn hóa rất Hà Nội. Đấy là sự hiện diện của những người nông dân ở các làng ngoại ô mang sản phẩm nơi họ sinh sống ra bán trong thành phố.
Từ vai họ mang những thúng hàng hóa, từ miệng họ vang những tiếng rao… Giữa phố phường ồn ào, họ vẫn cuốn hút mọi người bằng những tiếng rao chứa đựng sự phong phú của các âm điệu.
Tiếng rao trên phố phường Hà Nội vẫn còn cho đến ngày nay. Tuy nhiên, tiếng rao bằng loa điện thời nay khác với tiếng rao bằng giọng thật của thế kỷ 20 – đấy là những tiếng rao giống như những tiếng gọi đò trong bài thơ “Sông lấp” của nhà thơ Trần Tế Xương.
Mỗi tiếng rao đều có thổ âm vùng miền, ví dụ như tiếng rao người ở làng Phùng hay làng Bưởi thường không có dấu huyền và dấu nặng.
Thêm nữa, ngữ điệu và âm sắc của những tiếng rao trong không gian thật trước đây khiến cho người cất tiếng rao như những con chim đua hót và phải lựa theo tiếng động của không gian để giọng rao của mình được nghe thấy.
Vì vậy, tiếng rao bằng giọng thật luôn có những quãng lên bổng, xuống trầm rất âm nhạc. Những tiếng rao qua loa bây giờ chỉ có thể to hoặc nhỏ chứ không bao giờ có được tính nhạc ngẫu hứng này.
- Ông có thể chia sẻ thêm những cấu thanh chất liệu chính trong tiếng rao được nhóm Đông Kinh cổ nhạc thể hiện là gì?
Hà Nội là đất kinh kỳ - kẻ chợ tiếp đón hàng hóa tứ xứ nên tiếng rao phong phú về âm điệu và đa thanh ngữ hơn nhiều nơi khác. Chúng tôi đang kể một câu chuyện âm thanh được gợi mở cảm hứng từ những hình ảnh của gánh hàng rong Hà Nội khi xưa bằng tiếng có 3 cấu thanh chất liệu chính.
Trước hết là tiếng động của thiên nhiên bốn mùa Hà Nội cùng hòa quyện trong tiếng rao mùa nào thức đấy (rươi mùa thu; tào phớ, cháo đậu xanh mùa hè…), tiếng rao theo thời khắc của ngày đêm được ngân dài, ngân nga khác nhau (sáng vui, trưa ngắn gọn và tối thiết tha…).
Điều thú vị, chỉ cần nghe những tiếng rao này, chúng ta có thể biết các mùa trong năm và thời gian ngày hay đêm, sáng hay tối.
Tiếp đó, tiếng nhạc làm nền cho không gian gồm những điệu nhạc của đồng bằng Bắc Bộ và của người dân (nhạc chèo, tiếng trống chầu, đàn dây…) để gợi mở cho không gian, gợi mở về những nét xưa trong âm thanh và gợi trí tưởng tượng về tình cảm của không gian Việt.
Cuối cùng, sau khi xem những hình trong sách, các nghệ sĩ tìm lại trong mình những câu rao cũ mà họ còn lưu giữ trong ký ức âm thanh.
Các nghệ sĩ Đông Kinh cổ nhạc không thể nhại lại những nốt nhạc vì như thế sẽ không tự nhiên. Họ đã phải dùng tiếng của họ để tái hiện lại ký ức của những câu rao xưa. Đây cũng là một đối thoại của nghệ sĩ với chính quá khứ của mình và cũng là chút hương trong mắt - vị trong tai mà các nghệ sĩ muốn mang đến cho công chúng.
* Xin cảm ơn ông!