Hoài niệm Hà Nội xưa qua gánh hàng rong và những tiếng rao

GD&TĐ - Trung tâm văn hóa Pháp-L’Espace và Viện Viễn Đông Bác Cổ phối hợp tổ chức triển lãm - sắp đặt “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội”. 

Gánh hàng rong với những món quà vặt nơi góc phố
Gánh hàng rong với những món quà vặt nơi góc phố

Công chúng sẽ được thưởng lãm vẻ đẹp sống động của những gánh hàng rong Hà Nội xưa trong bộ phác thảo đầu đời của những danh họa như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân…

Đồng hiện quá khứ

Triển lãm trưng bày những phác thảo, tranh vẽ và màu nước do 15 sinh viên Trường mỹ thuật Đông Dương và thầy giáo của họ - ông Ferdinand de Fénis thực hiện trong 4 năm, từ 1925 - 1929.

Các nghệ sỹ đã khắc họa một cách tài tình thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong đang rảo bước khắp các con phố thủ đô, dưới tia nắng đầu tiên trong ngày cùng các gánh hàng rau quả, kẹo bánh và đồ ăn vặt đa dạng…

Một bức phác thảo gánh hàng rong.
 Một bức phác thảo gánh hàng rong. 

Sự độc đáo của những bức vẽ ẩn trong sự miêu tả đầy hấp dẫn về những món quà vặt được bày bán khắp các góc phố và sự tinh tế khi nắm bắt nhạc tính trong tiếng rao mời gọi khách hàng.

Bộ sưu tập các bức tranh này từng được giới thiệu tới công chúng Pháp từ năm 2018, qua cuốn sách của Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris có tên được tạm dịch: Người bán hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội.

Tại triển lãm này, những tác phẩm nhiếp ảnh cùng thời kỳ thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng được tôn vinh qua một sắp đặt đầy tính tương tác. Công chúng sẽ có cơ hội sống lại bầu không khí của những ngày xưa cũ khi băng qua chiếc cầu thời gian, được kết thành từ 27 bức ảnh đen trắng, sẽ tự động thắp sáng khi khán giả bước qua…

Với bàn tay dàn dựng khéo léo của họa sĩ Duy Phương và các đồng sự, khung cảnh cuộc sống thường nhật của người Hà Nội xưa sẽ hiện ra qua các sắp đặt, hộp đèn hay những bức tranh được trình chiếu. N

ghệ sĩ Đàm Quang Minh và các nghệ sỹ “Đông Kinh cổ nhạc” đã có sự đầu tư tâm huyết để âm thanh từ những tiếng rao nhịp nhàng của những người bán hàng dạo cũng góp phần đánh thức ký ức về những hương vị thuở xưa.

Hình ảnh những gánh hàng rong gắn liền với mỗi ngõ phố, cung đường. Những tiếng rao, lời mời, rồi ánh mắt, nụ cười thân thiện, dịu ngọt đi vào lòng người. Tiếng rao của họ vang lên như một điệp khúc thân quen và thường nhật "ai bánh mì nào", "bánh bao nóng đây", "ai bánh khúc nóng"...

Không chỉ có những tiếng rao của người bán hàng rong, còn có những người chuyên thu mua, trao đổi các đồ vật đã qua sử dụng hay phế liệu các loại. Do đó, khách tham quan còn có thể nghe thấy những tiếng rao như: “Ai lông gà, lông vịt, đồng nát bán đi…“Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán na...à...ào!!!

Bức ký họa gánh hàng rong quá sống động với chữ ký Tô Ngọc Vân.
 Bức ký họa gánh hàng rong quá sống động với chữ ký Tô Ngọc Vân.

Tính nhân văn sâu sắc toát ra từ những bức tranh cũng được thể hiện qua sự sống động của các khung cảnh đường phố, đôi khi chỉ với một vài đường nét phác thảo, dù đó là chuyển động đung đưa đầy tao nhã để giữ gánh hàng thăng bằng hay dáng nghiêng nghiêng của người bán hàng khi lấy kem cho hai đứa trẻ đang nóng lòng chờ đợi…

Tận dụng lợi thế của loại hình nghệ thuật sắp đặt, “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” đã tạo nên một sự kết hợp tinh tế giữa ảnh chụp, hiệu ứng âm thanh và các ký họa duyên dáng, làm phảng phất mùi hương của sự luyến nhớ, hoài niệm.

Với sắp đặt giàu tính tương tác này, khán giả sẽ được xem ảnh không phải ngang tầm mắt hoặc ngước lên trên tường mà nhìn từ trên xuống, thậm chí có thể ngồi xuống để xem ảnh thật gần dưới chân mình. Triển lãm còn trưng bày một chiếc xe đạp của một người mua đồng nát, đồ điện tử cũ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ đã tình cờ mua được.

Hoài niệm cùng thời gian

Hàng rong như một nét văn hóa mang đặc trưng của người Việt. Hiếm có ở một thủ đô nào trên thế giới, người ta bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đảm đang gánh gánh gồng gồng bán hàng trên đường phố. Dẫu nắng gắt hay mưa dầm, bước chân tảo tần vẫn bền bỉ ghi đấu trên mỗi một con đường, góc phố của Hà Nội.

Ký ức Hà Nội đẹp và thanh bình gắn liền với những gánh hàng rong, với những tiếng rao trầm ấm vọng trong từng góc phố, thoảng trong gió hương hoa sữa nồng nàn. Với phương tiện chỉ đơn thuần là đôi quang gánh, chiếc xe đạp, xe đẩy, đôi khi chỉ là cái mẹt, cái thúng nhưng hàng hóa của họ lại rất đa dạng: Lương thực, thực phẩm, rau, hoa, quả, quần áo, đồ dùng bằng nhựa, hàng quà...

Gánh hàng rong trong khung cảnh sống động của đường phố Hà Nội qua cây cọ của họa sĩ Lê Phổ.
 Gánh hàng rong trong khung cảnh sống động của đường phố Hà Nội qua cây cọ của họa sĩ Lê Phổ.

Còn đó Hà Nội xưa, những ngày cận Tết, mỗi độ Thu sang, mỗi mùa hoa về, các mẹ, các chị từ các làng phụ cận Hà Nội lại nhộn nhịp gánh cốm, gánh các loài hoa, các loại sản vật rong ruổi phố phường, mang không khí Tết hương mùa Thu về mọi nẻo.

Bên cạnh những người bán hàng rong, còn có những người chuyên thu mua, trao đổi các đồ vật đã qua sử dụng hay phế liệu các loại. Do đó, chúng ta có thể nghe thấy những tiếng rao như:

Ai lông gà, lông vịt, đồng nát bán đi …

Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán na...à...ào!!!

Ngày nay, phương thức di chuyển và các mặt hàng của những người bán bán hàng rong đã thay đổi. Xe đạp, xe máy và những chợ cóc dần thay thế phương thức đi bộ bán hàng và đòn gánh. Kỹ thuật rao cũng đã được hiện đại hóa và thích ứng với môi trường đô thị vô cùng náo nhiệt: để chào mời khách mua hàng. Người bán hàng sử dụng loa kết nối với máy ghi âm chạy bằng bình ắc quy nhỏ bắt vít vào xe để phát ra những tiếng rao đã được ghi âm sẵn.

Vật đổi sao dời, cuộc sống xã hội thời công nghệ bùng nổ đã văn minh, tiến bộ gấp bội nhưng những gánh hàng rong vẫn mãi là một hình ảnh thật đẹp của Hà Nội khắc sâu trong ký ức nhiều người. Đó không chỉ là sự nhẫn nại, lặng lẽ, mưu sinh mà còn chở những khát khao, ước mơ về một ngày mai tươi sáng.

Triển lãm diễn ra từ 13/9 – 31/10 tại Sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp- 24 Tràng Tiền – Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.