Tiến sĩ trẻ hóa giải bài toán phụ thuộc số liệu thuỷ văn Trung Quốc

GD&TĐ - Công nghệ của TS Toàn giúp dự báo sớm lũ trên các lưu vực sông Hồng, Thái Bình, Mekong để chủ động cảnh báo khi có nguy hiểm.

Tiến sĩ trẻ hóa giải bài toán phụ thuộc số liệu thuỷ văn Trung Quốc

Tiến sĩ Trịnh Quang Toàn (31 tuổi), Trưởng phòng nghiên cứu khí tượng thủy văn, Đại học UC Davis (Mỹ) một tuần nay có mặt ở quê nhà để tham dự chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt cùng 100 tài năng người khác từ khắp thế giới.

Lịch sự kiện dày đặc, nhưng Toàn vẫn tranh thủ thời gian thảo luận với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ban quản lý dự án FIRST về ứng dụng công nghệ tính lượng mưa, khí tượng thủy văn và nước ngầm để dự báo thiên tai theo thời gian thực ở Việt Nam.

Dự án đã được Toàn kết nối với các cơ quan trong nước cách đây hơn một năm với mong muốn tận dụng kiến thức học được ở nước ngoài giúp Việt Nam chủ động dữ liệu, từ đó tính toán dự báo thiên tai, khí tượng thủy văn. 

Công nghệ dự báo này kết hợp cả trí tuệ nhân tạo, ảnh vệ tinh và ra-đa với mô hình tính toán để khôi phục các dữ liệu về dòng chảy, mực nước... Trước mắt công nghệ được sử dụng để Việt Nam tự chủ số liệu lưu vực sông Hồng, Thái Bình và Mekong, vốn trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Bước tiếp theo sẽ đưa ra đánh giá ảnh hưởng từ các hồ chứa của Trung Quốc tới Việt Nam. 

Công nghệ này cũng cho phép quan trắc toàn bộ mực nước hồ của Trung Quốc trên thượng nguồn thông qua ảnh vệ tinh theo ngày và dần tiến tới theo giờ. Khi kiểm soát được dữ liệu có thể dự báo theo thời gian thực tình trạng thủy văn trước 12 giờ, 36 giờ, 48 giờ. Nhìn vào số liệu, cơ quan chuyên môn sẽ tính toán để đưa ra cảnh báo mở cửa xả hồ chứa, đảm bảo an toàn đập, di dân để tránh thiệt hại về người và của. Trước đây việc quan trắc được thực hiện 15 ngày/lần. 

Nghiên cứu thực tế Việt Nam, TS Toàn thấy rõ điểm yếu là hệ thống quan trắc có nhưng chưa đủ và vị trí không cần thiết vì quá gần Hà Nội. Đáng ra thiết bị quan trắc phải đặt ở những vị trí trên thượng nguồn khu vực sông Hồng, Thái Bình và gần biên giới để biết trước những nguy cơ có thể xảy ra với hạ nguồn. Điểm yếu nữa là có số liệu cũng thiếu chuyên gia phân tích để đưa ra cảnh báo sớm.

"Những bài toán này sẽ được giải bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ AI đọc số liệu chính xác nên phải ứng dụng sớm vào Việt Nam", Toàn nói.

Tiến sĩ Trịnh Quang Toàn. Ảnh: BN.

Tiến sĩ Trịnh Quang Toàn.

Là người phát triển hệ thống mô hình kết hợp, đang điều hành phòng nghiên cứu  mạnh về khí tượng thủy văn và siêu bão, Toàn tự tin trong việc chuyển giao công nghệ về Việt Nam. Hiện công nghệ này đang ứng dụng ở Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Anh cũng đang tham gia tính toán dự báo thiên tai theo thời gian thực cho Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Trung Đông và nhiều nước khác.

TS Toàn cho rằng không phải cứ thấy công nghệ mới đưa về ứng dụng ngay mà phải hướng đến tính bền vững. Cũng là khí hậu nhưng ở Mỹ giải quyết khác với Nhật Bản. Vì vậy phải dùng công nghệ để giải bài toán của từng quốc gia. Hiện thiên tai, khí hậu là nhu cầu bức thiết ở Việt Nam, muốn làm được phải xuất phát từ nội lực, thấy được điểm mạnh, yếu thì mới có thể giải quyết.

Chọn nơi làm việc để đóng góp nhiều nhất

Sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi Toàn được đặc cách sang học tiến sĩ tại Mỹ vì có thành tích trong học tập và nghiên cứu. Hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ trong 3 năm ở Đại học UC Davis, năm 2017 Toàn được giao làm trưởng phòng nghiên cứu khi mới 30 tuổi.

Nói về mong muốn đóng góp, điều tiến sĩ trẻ này e ngại nhất vẫn là khâu thủ tục hành chính. "Những thủ tục rườm rà khiến những người như tôi thấy nản khi muốn đưa công nghệ mới vào Việt Nam", Toàn nói. Anh đánh giá hiện cơ chế chính sách tốt nhưng khi thực hiện có vấn đề vì quy trình quá chính xác, nguyên tắc, đôi khi khó với người không ở Việt Nam, khó trực tiếp giải quyết được những vướng mắc về hồ sơ giấy tờ.

Khi nhà khoa học muốn giải quyết bài toán nào đó sẽ phải viết đề xuất, giải trình rõ số tiền đầu tư làm vào công việc gì. Với khoa học có thể vài tháng hoặc vài năm mới cho ra sản phẩm nhưng phải nêu ngay kết quả ở phần thuyết minh là một khó khăn. Công việc này mất quá nhiều thời gian và công sức.

"Nhiều bạn trẻ ở Mỹ rất bận, họ không thể dành toàn bộ thời gian cho các dự án cụ thể ở Việt Nam. Vì vậy có nhiều người đã buông khi gặp những thủ tục khó khăn", Toàn nói cá nhân anh cũng từng nghĩ đến chuyện từ bỏ dự án cách đây hai tháng vì mất gần một năm để theo các thủ tục. Nhưng hiện dự án đã được thống nhất triển khai.

Năm 2019 nhà khoa học trẻ này sẽ về Việt Nam hợp tác giảng dạy các chương trình tiên tiến ở một số trường đại học. Nói về dự định quay về, Toàn cho biết ở Mỹ làm việc hay trở về không quá quan trọng bằng việc làm sao để giúp cho đất nước tốt nhất, nhiều nhất trong khả năng của mình.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ