Thông thường, các bạn du học sinh sẽ nghĩ đến nghề phục vụ, phụ bếp, làm “nail” hay làm “farm”... Tuy nhiên thu nhập từ những công việc này thường không cao, vất vả và thời gian không ổn định. Trong khi đó, Barista cũng là một trong những công việc làm thêm được du học sinh yêu thích lựa chọn.
Có lẽ, nhiều bạn còn xa lạ với cụm từ “Barista”, nhưng thật ra nó rất gần gũi, đó chính là những thợ pha chế cà phê. Mỗi thức uống do Barista phục vụ được ví như một tác phẩm kỳ công cần nhiều sự khéo léo. Điển hình như Cappuccino và Latte dù cùng có một lượng Espresso dưới đáy ly nhưng cách thêm sữa vào lại hoàn toàn khác nhau.
Barista – công việc kích thích sáng tạo
Barista ngoài mức lương cao, còn rất dễ xin vào môi trường làm
việc của người bản xứ, từ đó bạn có thể trau dồi ngoại ngữ, dễ dàng hòa nhập văn hóa. Hiểu rõ hơn về cách sinh hoạt, giao tiếp cũng như cách làm việc của họ.
Nếu may mắn, gặp khách hàng quen thuộc là chủ doanh nghiệp hoặc nhà tuyển dụng, sẽ giúp bạn có cơ hội việc làm cao hơn, sau khi tốt nghiệp.
Trong quá trình học tập, bạn sẽ được lĩnh hội rất nhiều kiến thức liên quan đến cà phê mà không phải ai cũng có cơ hội được biết. Cùng với đó, nghệ thuật pha chế, cách tạo nên một ly cà phê bắt mắt cũng đang chờ bạn khám phá. Còn khi bắt đầu với công việc, mỗi ngày, bạn sẽ được tự tay tạo ra những cốc Cappuccino, Machiato hay Espresso Conpanna ngon miệng và những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt trên những ly thức uống này.
Ngoài ra, Barista là nghề thiên về tính nghệ thuật. Do vậy, nếu theo đuổi, sự sáng tạo của bạn sẽ được phát triển không ngừng. Học hỏi, tìm tòi rồi tạo nên những công thức pha chế mang thương hiệu cá nhân cũng là một sự thu hút lớn từ nghề Barista đối với những người có mong muốn theo đuổi.
Bên cạnh việc sáng tạo ra được ly cà phê ngon và đẹp mắt, bạn còn được gặp những người khách mới mỗi ngày. Thay vì ngồi văn phòng làm với những con số và công việc giống nhau thì công việc này mỗi ngày mỗi khác, được trò chuyện với nhiều người có cùng sở thích về cà phê.
Đặc biệt, kĩ năng giao tiếp và ngoại ngữ của bạn cũng sẽ được gia tăng đáng kể. Một du học sinh chia sẻ: “Tuy cũng có những áp lực như khách quá đông, có lúc mình phải phục vụ tới 100 khách, với nhiều yêu cầu khác nhau, người thì skim milk, người thì full cream, rồi soy milk, extra hot. Rồi đôi lúc cũng bị phỏng tay vì nước nóng. Nhưng tất cả những cái đó chỉ là chuyện nhỏ nếu so với niềm vui được làm việc trong nghề này”.
Dẫu vậy, đối với nghề Barista, không phải du học sinh nào cũng dễ dàng được lựa chọn bởi vì họ phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn kỹ năng và khả năng pha chế thực tế. Công việc này phù hợp với những ai muốn tăng cường xã giao, mở rộng thêm các mối quan hệ.
Nghề Barista ăn nên làm ra tại Úc
So sánh với các công việc làm thêm khác, Barista được xem là công việc tương đối nhẹ nhàng, với mức thu nhập tốt để trang trải cuộc sống, đặc biệt là tại Úc. Cụ thể, Barista đem đến mức thu nhập khoảng 2.000AUD một tháng (khoảng 35 triệu VND) cho công việc bán thời gian (part time) và khoảng 4.000AUD -5.000AUD (khoảng 70 triệu - 80 triệu VND) cho những bạn làm toàn thời gian trong các kỳ nghỉ hè (full time).
Khi làn sóng nhập cư từ Ý và Hi Lạp cập đến nước Úc và mang theo tình yêu cafe đến nơi đây, văn hóa uống cafe đã trở thành một nét đặc trưng và chịu ảnh hưởng lớn đến từ cafe Ý. Nhưng giờ đây, Úc đã có cách thưởng thức cafe theo nét riêng của mình.
Nếu trở thành một Barista và khi bạn có nhu cầu tìm việc làm tại Úc, bạn có thể thấy những tiệm cà phê ở Úc mọc lên ở tất cả các con đường hay các ngóc ngách. Bạn có thể dễ dàng xin việc nhưng đừng quên rằng khẩu vị người Úc cũng khắt khe hơn, người Úc thích thưởng thức cà phê ở các tiệm cà phê địa phương, với người Barista quen thuộc pha chế cho họ một ly cà phê với hương vị quen thuộc.
Người Úc uống cà phê cả ngày chứ không chỉ uống vào buổi sáng. Chính vì có nhiều quán cà phê nên sự cạnh tranh khá mạnh mẽ. Bởi vậy, để không làm mất khách, một người Barista làm việc tại Úc phải có kĩ thuật để làm ra những ly cafe có chất lượng ổn định.
Một ly cà phê ngon đối với những vị khách thưởng thức không chỉ làm họ thỏa mãn về vị giác, mà còn phải tạo được sự ấn tượng về thị giác khi bạn đem ly cà phê đến cho họ. Latte Art – vẽ hình trên ly cà phê cũng là một cách để xác định được kinh nghiệm và đẳng cấp của một Barista.
Bí quyết ở đây, theo Barista chia sẻ, là do lượng sữa và lượng bọt trên tách cà phê, nếu lượng bọt quá nhiều thì sẽ khó thực hiện Latte Art, do đó để có được lượng bọt hợp lý cần một số kỹ thuật trong lúc hâm sữa (steam milk) như nhiệt độ, cách cầm ly sữa để đưa không khí vào...
Có những quán cà phê sẽ tuyển dụng bạn mà không yêu cầu bằng cấp hay ngành nghề gì, họ sẽ đào tạo bạn cách để làm ra 1 ly cà phê ngon khi bạn được nhận vào. Nếu bạn là người mới bắt đầu, hãy chọn các tiệm café nhỏ để học thêm kinh nghiệm. Sau đó, bạn còn có thể làm trong quầy cà phê của nhà hàng, khách sạn với mức lương cao hơn. Bạn có thể nghĩ đến mở một tiệm cà phê cho riêng mình, đó cũng là ước muốn và kế hoạch của nhiều du học sinh khi trở về Việt Nam.
Không chỉ ở nước ngoài, hiện nay, thị trường cà phê Việt Nam đang ngày càng mở rộng. Bên cạnh những quán cà phê trong nước, hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng từ nước ngoài đã đến đầu tư và xem thị trường Việt Nam như một “miếng bánh béo bở” để phát triển.
Đi cùng với đó, xu hướng cà phê take-away từ các nước phát triển du nhập vào Việt Nam đã tạo nên trào lưu thưởng thức cà phê mới lạ, tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng Barista đang ngày càng tăng, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho những bạn theo đuổi nghề này.