Ra đi để trở về
TS Trần Hữu Lộc (sinh năm 1984) đang là GV Khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, đồng thời là giám đốc một công ty dịch vụ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.
Ngay từ thời sinh viên, Trần Hữu Lộc đã say mê nghiên cứu về bệnh học trên cá nên sau khi hoàn thành chương trình ĐH, anh đã xin được học bổng toàn phần thạc sĩ tại ĐH Ghent chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản và sau đó là học bổng toàn phần TS tại ĐH tổng hợp Arizona (Mỹ) chuyên ngành Khoa học môi trường.
Năm 2010, chàng giảng viên trẻ nhận được cùng lúc 3 suất học bổng TS toàn phần của Mỹ. Cũng năm đó, một loại bệnh lạ trên tôm xuất hiện khiến hàng nghìn ha tôm mất trắng, người dân nuôi tôm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Trăn trở với những khó khăn mà người dân đang đối diện, Trần Hữu Lộc đã lấy căn bệnh lạ của tôm ở Việt Nam làm đề tài nghiên cứu ở ĐH Arizona. “Lúc đó nhiều người cho rằng tôi mạo hiểm, vì căn bệnh này mới xuất hiện, cũng đã có nhiều người nghiên cứu nhưng không tìm ra nguyên nhân. Nếu không bảo vệ được luận án TS thì coi như công cốc, nhưng khi nhìn người dân trắng tay vì tôm tôi quyết định đứng về phía họ”, TS Lộc kể lại.
Căn bệnh lạ của tôm cũng xuất hiện ở nhiều nước và chưa được ghi nhận trong lịch sử khoa học bệnh tôm của thế giới. Đề tài của anh được các chuyên gia đánh giá sẽ rất khó khăn khi thực hiện.
Nghiên cứu sinh trẻ tuổi này đã mất không ít thời gian và công sức để thực hiện đề tài. “Tôi phải tự bỏ kinh phí đi khắp các vùng nuôi tôm ở Việt Nam và nhiều nước để lấy mẫu thí nghiệm.
Nhiều đêm thức trắng, nhiều bữa quên ăn tôi mới hoàn thành luận án TS”, anh Lộc chia sẻ. Sau 3 năm ròng rã nghiên cứu anh đã xác định được tên bệnh là EMS/AHPNS, bệnh “Hội chứng tôm chết sớm - hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi”, do một loài vi khuẩn rất phổ biến trong môi trường nước lợ/mặn có tên Vibrio parahaemolyticus gây ra.
Nghiên cứu này sau đó được đăng trên nhiều tạp chí khoa học hàng đầu thế giới và được cộng đồng khoa học thế giới công nhận. Nó cũng được ĐH Arizona chọn là một trong 20 sự kiện của trường năm 2013. Nhờ đó TS Lộc đã cùng các nhà khoa học đưa ra được cách phòng chữa bệnh cho tôm.
Cuối năm 2013, Trần Hữu Lộc về nước và tiếp tục thực hiện các dự án nghiên cứu về bệnh tôm. Song song đó, anh cũng tham gia giảng dạy và truyền đạt những đam mê của mình cho sinh viên và các học viên cao học với quan niệm “mình phải giỏi, phải có đam mê thì mới truyền lửa được”.
Hiện TS Lộc làm cố vấn quốc tế của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Nuôi trồng thủy sản châu Á (NACA), Liên minh Nuôi thủy sản thế giới (GAA), là chuyên gia tham vấn cho bộ nông nghiệp các nước Philippines, Mexico, Panama, Malaysia, Thái Lan…
Từ mô hình phòng “lab” đến “bệnh viện” trị bệnh cho tôm...
Theo TS Lộc quan sát, Việt Nam nuôi tôm nhiều nhưng chưa ai nghiên cứu bài bản, chuyên sâu nên mỗi lần tôm bị dịch bệnh, lại phải cầu cạnh đến chuyên gia nước ngoài.
“Trước tình trạng đó, tôi muốn Việt Nam phải đứng trên đôi chân của mình và tôi đã nghĩ ra ý tưởng xây dựng “bệnh viện” chữa bệnh cho tôm. Tôi đem ý tưởng đó gặp một số nhà đầu tư, nhưng không dễ thuyết phục họ. Tôi phải gặp 20 doanh nghiệp, trong vòng 2 tháng mới thuyết phục thành công một người đầu tư mở phòng nghiên cứu”, anh cho biết.
Có được nền tảng ban đầu, Lộc tiếp tục kết nối, nhờ thế giới hỗ trợ thông qua mạng lưới chuyên gia đã có được trong quá trình học tập ở Mỹ.
Bên cạnh đó, Lộc cũng nhận được sự tin tưởng từ các công ty thủy sản nên đã có nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Rồi anh đứng ra thành lập và điều hành phòng Nghiên cứu bệnh học thủy sản Shrimpvet tại Đại học Nông - Lâm TPHCM.
Hiện tại, sau khoảng hơn 3 năm vận hành, Shrimpvet Lab của Lộc có 30 nhân sự, 2 phòng nghiên cứu Shrimpvet (Bình Dương, Ninh Thuận) và làm việc với khoảng 30 nước trên thế giới. Mới đây, Lộc đã mở thêm một chi nhánh nghiên cứu ở Bạc Liêu, với tổng chi phí đầu tư cho 3 phòng nghiên cứu là 2 triệu USD.
Anh tự hào nói: Số tiền đó không đến từ Nhà nước, mà từ nước ngoài và những công ty cần dịch vụ của chúng tôi. Tôi cho rằng, nếu chúng ta có mô hình đúng, thì sẽ tạo ra nguồn lực.
Shrimpvet Lab, trong ý hướng của Lộc, sẽ là trung tâm nghiên cứu – xét nghiệm hàng đầu trong khu vực châu Á về phân tích, chẩn đoán bệnh trên tôm, cá và các đối tượng thủy sản…, đồng thời hỗ trợ người nuôi lựa chọn con giống tốt với các chỉ tiêu: tăng trưởng nhanh, sạch bệnh và chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường.
Shrimpvet Lab phối hợp đào tạo và liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản; xây dựng các quy trình nuôi, quy trình chẩn đoán sức khỏe động vật thủy sản mang tính ứng dụng rộng rãi.
...đến quy trình sản xuất tôm giống kháng bệnh
Liệu có tự chủ được con giống cho bà con nông dân? Câu hỏi đã và vẫn luôn thường trực trong đầu chàng tiến sĩ trẻ từ ngày trở về nước.
Bởi dù sản lượng tôm cung cấp ra thị trường và xuất khẩu của Việt Nam hằng năm không nhỏ, nhưng con giống bố mẹ hoàn toàn nhập từ nước ngoài, vì “điều kiện để tạo ra được con giống bố mẹ đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư lớn”.
“Nước xa không cứu được lửa gần” đã trở thành động lực và quyết tâm để Lộc “thuê” lại chính mảnh đất của nhà mình, dùng cho việc xây dựng phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu về tôm ở Bình Dương.
Đây là nơi giúp anh, đồng nghiệp nghiên cứu tìm ra nhiều chứng bệnh, giúp bà con nuôi tôm phòng ngừa hữu hiệu để đạt năng suất cao hơn, là nơi khởi đầu cho giấc mơ về một hành trình xa hơn: sản xuất con tôm giống kháng bệnh để cung ứng ra thị trường.
Tất cả để đi đến giấc mơ, như anh từng nói: “Khát vọng lớn nhất của tôi khi bước chân vào ngành thủy sản là nhìn thấy Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu tôm số một thế giới”.