Đam mê nghiên cứu
Nghiên cứu sinh học là ước mơ và niềm đam mê của TS Liên Thương. Ngày còn nhỏ, chị luôn “làm phiền” người thân bằng hàng loạt câu hỏi về thế giới tự nhiên quanh mình. Vì sao hạt cây chanh lại mọc lên cây chanh, vì sao máu cá có màu xanh?
Nghĩ rằng chỉ có học sâu về sinh học mới có thể tự mình trả lời cho câu hỏi muốn biết, tốt nghiệp trung học chị chọn học ở Khoa Vi sinh - Sinh học phân tử, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM (ĐHQG TPHCM).
Nơi đây trở thành cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cô gái quê Bình Dương, để chị từng bước phấn đấu trưởng thành trên con đường học vấn và nghiên cứu.
Năm 2012, hoàn thành luận án Tiến sĩ công nghệ sinh học (học bổng toàn phần của chính phủ Hàn Quốc), chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Trường ĐH Ulsan, TS Nguyễn Thị Liên Thương trở về công tác, giảng dạy tại Trường ĐH Thủ Dầu Một.
Những ngày đầu, chị gặp không ít khó khăn do hạn chế và yêu cầu khác nhau về khoa học công nghệ trong nước. Để vượt qua thử thách, chị phải bỏ nhiều công sức để tìm hiểu và tiếp xúc với doanh nghiệp để định hướng lại nghiên cứu ứng dụng của mình.
May mắn “trên hành trình nghiên cứu khoa học, dù có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy đơn độc vì luôn nhận được sự tin tưởng từ lãnh đạo trường, đồng nghiệp, gia đình”, TS Liên Thương chia sẻ.
Không ngừng nỗ lực trong giảng dạy và nghiên cứu, giảng viên Liên Thương dần được nhà trường giao trọng trách như Phó Trưởng khoa Tài nguyên - Môi trường; Phó Trưởng khoa Công nghệ sinh học, rồi làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm.
Đặc biệt, trên cương vị Giám đốc Viện Phát triển ứng dụng, TS Nguyễn Thị Liên Thương luôn chủ động phối hợp với nhà trường trong việc nâng cấp phòng nuôi đông trùng hạ thảo, đề xuất xây dựng và sản xuất nấm linh chi; xây dựng nhà lưới trồng rau hữu cơ điều khiển tự động qua phần mềm.
Chị còn phối hợp với giảng viên Khoa Công nghệ sinh học trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm như xà bông, son môi hữu cơ, tinh dầu, chế phẩm vi sinh ủ phân và phòng bệnh cây trồng, chế phẩm tiêu hữu cơ, cà phê chồn, tỏi đen, mẫu tiêu bản thực vật…
Tính trung bình, mỗi năm có 10 - 15 hợp đồng chuyển giao công nghệ, và 5 - 7 phát minh sáng chế, sở hữu trí tuệ được đăng ký từ Viện Phát triển ứng dụng do chị quản lý.
Nhiều sáng kiến vì nhà nông
Trước yêu cầu đặt ra về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cộng đồng, trong đó nhà trường đóng vai trò cung cấp giải pháp công nghệ trong liên kết 3 nhà (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp), trong quá trình công tác, TS Nguyễn Thị Liên Thương cùng cộng sự đưa các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao đến với nông dân và các nhà sản xuất, đem lại công nghệ sạch, tăng giá trị chuỗi nông sản.
Đặc biệt quan tâm đến mảng hỗ trợ công nghệ chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, chị và nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Thủ Dầu Một đã triển khai quy trình nuôi nấm dược liệu sạch; công nghệ chiết xuất tinh chất từ nấm dược liệu và các công thức về sản phẩm chăm sóc sức khỏe; chuyển giao công nghệ đến với người nông dân, các nhà máy sản xuất và doanh nghiệp dược.
Trong đó, đông trùng hạ thảo và linh chi là hai loại nấm được chị và nhóm nghiên cứu ưu tiên hướng dẫn, tư vấn và chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân. Do có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thu mua lớn từ các công ty dược và thực phẩm để tạo ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, công nghệ về nấm do nhóm chuyển giao mang lại nguồn lợi lớn, giúp ổn định thu nhập của người nông dân.
Ngoài công nghệ về nấm, TS Nguyễn Thị Liên Thương còn nghiên cứu các quy trình chế biến sản phẩm nông nghiệp như trà, tinh dầu, xà bông, rượu bưởi...; ứng dụng công nghệ sấy lạnh hoa cúc, trà hòa tan…
Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, Viện Phát triển ứng dụng của Trường ĐH Thủ Dầu Một do chị quản lý đã ký kết được nhiều hợp đồng chuyển giao có ý nghĩa như sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo, cao đông trùng hạ thảo Cordy X chuyển giao cho Công ty Dược MHD Innocare, sản phẩm tinh chất từ nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên tại Việt Nam… Sản phẩm chính thức được bán trong chuỗi siêu thị của Tập đoàn Kohnan (Nhật Bản) tại Việt Nam.
TS Liên Thương cho biết: Nhóm của chị chuẩn bị công bố các thành tựu mới về ứng dụng công nghệ cao trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Việc áp dụng các công nghệ mới vào sản phẩm sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh trong và ngoài nước.
Nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu phát triển các quy trình nuôi trồng và chiết xuất nấm dược liệu công nghệ cao mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân, góp phần thực hiện liên kết mô hình 4 nhà: Trường đại học - Doanh nghiệp - Nhà nước - Nhà nông, năm 2019, TS Nguyễn Thị Liên Thương đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông”.
Mới đây, chị vinh dự là điển hình tiên tiến xuất sắc dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII - năm 2020 và nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.