Từ trăn trở về chất thải thực phẩm
Nói về đề tài vừa được USPTO cấp bằng sáng chế, TS Đỗ Hoàng Thịnh - Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) cho hay, ý tưởng này đến với anh như một mối duyên.
Năm 2016, khi bắt đầu làm việc tại Viện Khoa học tính toán, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), một mình ở TPHCM nên mọi sinh hoạt đều tự túc. E ngại rau và thực phẩm mua từ chợ không bảo đảm, hàng tuần người nhà ở Bình Phước lại “viện trợ” cho anh rau và thực phẩm từ quê lên. Sau đó, anh tìm cách tự trồng rau sạch trên sân thượng.
“Khi tự làm nội trợ, tôi thấy có nhiều thứ bỏ phí như vỏ chuối, vỏ khoai, gốc cọng rau, hoặc rau củ quả đã bị hỏng. Những thứ này thường bị vứt đi nhưng chúng vẫn có giá trị dinh dưỡng làm thức ăn cho giun đất và giun đất ăn vào lại cho ra chất dinh dưỡng rất tốt cho cây. Có kiến thức về công nghệ, tôi chế tạo mô hình thật, điều khiển và giám sát được các thông số môi trường đất như nhiệt độ, độ ẩm… qua smartphone” - TS Đỗ Hoàng Thịnh chia sẻ.
Anh đặt tên mô hình là GreenTower. GreenTower có thể tự động bật tắt bơ tưới nước khi độ ẩm trong đất dưới ngưỡng cài đặt. Buổi tối, GreenTower tự động bật sáng đèn Logo TDTU. Đặc biệt, GreenTower dùng điện năng lượng Mặt trời độc lập, không cần kết nối với điện lưới.
Để có được bằng sáng chế của Mỹ là điều không dễ dàng và hiếm ở Việt Nam. TS Đỗ Hoàng Thịnh cho biết, thử thách lớn nhất là thời gian nộp và chờ được cấp. “Từ lúc hoàn tất hồ sơ nộp đến nay gần 5 năm và phản biện rất nhiều lần. Mình có 2 hồ sơ sáng chế đã nộp, chờ xét duyệt và vài hồ sơ chuẩn bị nộp…”, TS Thịnh chia sẻ.
15 công trình uy tín
Tiến sĩ Đỗ Hoàng Thịnh, sinh năm 1985 tại Bình Phước. Anh tốt nghiệp ngành Cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TPHCM, sau đó đi làm công ty một thời gian, rồi đi du học tại Hàn Quốc và tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2016. Từ năm 2016 đến nay, anh làm việc tại Viện Khoa học tính toán. Trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát, anh tham gia nhóm Robotics của TDTU, nghiên cứu chế tạo robot khử khuẩn, tài trợ cho khu cách ly tập trung ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM, góp phần đẩy lùi dịch.
Sở hữu 15 công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, trong đó có 1 bài ISI có chỉ số Impact factor >7.0, liên quan đến hệ thống biến đổi năng lượng gió, TS Thịnh còn có 3 bằng sáng chế được cấp tại Hàn Quốc và gần đây là được cấp thêm 1 bằng sáng chế của Mỹ.
Nói về lý do chọn nghề trong lĩnh vực cơ khí, anh chia sẻ: Hồi nhỏ, gia đình có xưởng nhỏ chuyên xay lúa, bột mì, cà phê và các loại nông sản nên được tiếp xúc nhiều với máy móc và hình thành đam mê từ đó. Khi lớn lên, anh theo học ngành cơ khí tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM - đây là cái nôi hình thành con đường NCKH sau này.
Cơ duyên khiến anh chọn theo nghề sư phạm là khi học đại học được truyền lửa bởi 3 người thầy lớn. “Một người truyền cho mình đam mê cơ khí. Người thứ hai là người thầy mẫu mực, như một thần tượng mà mình tôn kính và phấn đấu noi theo. Người thầy thứ ba truyền lửa đam mê NCKH, tạo động lực cho mình dấn thân vào con đường NCKH cho đến tận hôm nay… Tôi luôn mang ơn 3 thầy này” - TS Thịnh chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Hàn Quốc, anh về Việt Nam năm 2016 và đến với Trường ĐH Tôn Đức Thắng. “Tôi đi tham quan một số trường đại học, trong đó có TDTU. Ấn tượng đầu tiên, tôi bị thu hút bởi khuôn viên một trường ĐH ở Việt Nam mà rất hiện đại, quy củ và sạch sẽ không thua kém các trường bên Hàn mình từng đến. Ấn tượng thứ hai, các anh bảo vệ rất lịch sự và nhiệt tình. Ấn tượng thứ ba, các bạn sinh viên rất lễ phép. Lúc đó tôi nghĩ, có lẽ ngôi trường này có những người lãnh đạo tuyệt vời, khiến mình tự tin nộp hồ sơ tuyển dụng, để được làm việc và yêu thương ngôi trường này nhiều hơn”, TS Thịnh bày tỏ.
Nói về vấn đề NCKH trong thời gian qua, TS Thịnh cho rằng làm NCKH ở môi trường ĐH tại Việt Nam có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, mỗi trường đại học sẽ có quy định về hỗ trợ NCKH khác nhau. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có cơ chế hỗ trợ NCKH rõ ràng và phù hợp để nhà nghiên cứu có thể yên tâm theo đuổi con đường khoa học.