Một số chuyên gia dự đoán, đến năm 2050, mỗi người đều mang trong mình một số thiết bị, bộ phận công nghệ nào đó.
Nữ Tiến sĩ Dominika Kaczorowska-Spychalska ở ĐH Lodz (Ba Lan) nói về khả năng tiến hóa của người Homo sapiens thành người Homo cyber (người điều khiến học).
Nữ tiến sĩ Kaczorowska-Spychalska nghiên cứu về các công nghệ mới nhất. Bà làm công tác trợ giảng tại Khoa Quản trị – Marketing và là Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông minh thuộc ĐH Lodz.
Công nghệ gây ra bất bình đẳng?
- Chip của Công ty Neuralink có nhiệm vụ kết nối não bộ với máy tính. Đây là điểm báo trước về một tương lai tươi sáng, hay là sự lạc đường?
Đây là một câu hỏi khó, bởi vì sự phát triển của công nghệ phụ thuộc vào chúng ta – những con người. Chip do Neuralink, cùng với thời gian, có thể giúp chúng ta theo kịp trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, mặt khác, nhiều người hoài nghi công nghệ khẳng định rằng, với tư cách con người, chúng ta không có năng lực thích hợp để sử dụng công nghệ này cho phát triển nhân loại một cách có đạo đức. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải cân nhắc cách tiếp cận – không rơi vào điên khùng, nhưng cũng không quá vồ vập với công nghệ.
- Chúng ta hãy bắt đầu với lợi ích. Bà có nhắc đến sự đuổi theo công nghệ. Nhưng có lẽ đây là viễn cảnh của tương lai. Việc gắn chip vào não còn mang lại lợi ích gì cho nhân loại?
Có lẽ, sự chấp thuận lớn nhất về mặt xã hội liên quan đến lĩnh vực y tế và ở đây có thể xuất hiện các lợi ích có thể cảm nhận được rõ nhất – những lợi ích được thể hiện, chẳng hạn, qua việc trả lại khả năng điều khiển xe máy cho người sau tai nạn giao thông, hoặc thử điều trị các căn bệnh tâm thần khác nhau.
- Thế ngoài y tế ra thì sao?
Những giao diện não – máy tính như vậy có thể có những ứng dụng thương mại khác nhau. Chẳng hạn, nếu có thể chuyển phát âm nhạc trực tiếp vào não, thì cần gì tai nghe hoặc loa nữa?
Tương tự như vậy có thể bàn đến lĩnh vực điện ảnh hay mỹ thuật. Còn đối với thị trường game điện tử, có thể đặt câu hỏi liệu chúng ta có cần đến kính google cho thực tế ảo (VR) hay thực tế tăng cường (AR) nữa không.
Cũng có thể chúng ta sẽ không cần học tập và luyện tập mà vẫn có thể trở thành, chẳng hạn, nghệ sĩ dương cầm, với điều kiện là có chip gắn vào não. Hiện tại, những giải pháp như vậy, tất nhiên, vẫn là chuyện của tương lai; tuy nhiên có thể đây là tương lai gần.
- Trong bối cảnh như vậy, liệu có khả năng là những người có chip gắn vào não sẽ có ưu thế lớn hơn rất nhiều so với những người khác.
Khi mà những thiết bị như vậy có tương đối đắt, chỉ được cung cấp cho một nhóm xã hội nhỏ với địa vị cao hoặc tài sản lớn, thì kịch bản như vậy có thể xảy ra.
Tuy nhiên, công nghệ được sử dụng có thể gây ra sự bất bình đẳng sâu sắc hoặc thậm chí là xuất hiện hiện tượng loại trừ về mặt kỹ thuật số đối với những người không có đủ tiền mua chip.
Cảm nhận được thách thức
- Cũng có thể xuất hiện tình trạng ngược lại: Các thiết bị cấy ghép (implant) sẽ rẻ dần, đến mức hầu như tất cả mọi người đều có chip, ngoại trừ một số ít người từ chối gắn chip vì những lý do khác nhau, chẳng hạn như tôn giáo.
Vâng, đúng như vậy. Từ khá lâu, người ta đã nói về việc gắn chip, không nhất thiết phải là gắn chip vào não. Vì thế việc gắn chip có thể trở thành một cái gì đó rất tự nhiên.
Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng sau 15, 20 hay 30 năm nữa thế giới sẽ khác với bây giờ. Hiện giờ, thật khó để nói về diện mạo thế giới tương lai.
Chính vì thế, những giải pháp như trên chỉ mang tính suy diễn. Các giải pháp này không gắn với bối cảnh thế giới tương lai. Tuy nhiên, tôi cho rằng, kịch bản mà trong đó các loại chip khác nhau có thể là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giữa mọi người, không phải là thế giới mà chúng ta muốn sống.
- Bà còn nhận ra những mối đe dọa nào nữa?
Đầu tiên, cần chú ý đến khu vực sinh học. Bởi vì trong quá trình cấy chip, có thể xảy ra những sự cố tổn thương não khác nhau. Bên cạnh đó là những thách thức công nghệ. Nếu như chúng ta cấy con chip vào cơ thể, thì liệu nó có hoạt động như máy tạo nhịp tim, sau vài năm thì cần phải thay thế? Hay con chip sẽ giống như chiếc điện thoại di động; người ta có thể thay mới, chẳng hạn như sau 1 hoặc 2 năm để có phương tiện tốt hơn?
- Có thể xâm nhập trái phép vào điện thoại di động, còn đối với chip thì sao? Liệu có nguy cơ là ai đó điều khiển được ý nghĩ của chúng ta?
Nếu đưa những con chip như vậy vào sử dụng, thì cần phải có mật mã tiên tiến, sao cho người lạ không thể chiếm quyền điều khiển thiết bị. Có thể xuất hiện nguy cơ, chẳng hạn như liên quan đến ý định điều khiển cử tri trong một cuộc bỏ phiếu nào đó.
Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến DARPA của Mỹ tiến hành nghiên cứu về sử dụng loại chip này để khơi gợi một số cảm xúc nhất định ở người lính. Nếu như, chẳng hạn, trên chiến trường, người lính cảm thấy sợ hãi hay mệt mỏi, thì thông qua kích thích não một cách thích hợp, có thể làm giảm cảm giác sợ hãi hay mệt mỏi.
- Chắc chắn bà không phải là người duy nhất có những lo ngại như vậy. Còn tiến bộ công nghệ thì rất khó ngăn cản.
Vấn đề không phải là ngăn cản tiến bộ công nghệ, mà là nhận thức được những thách thức và thế tiến thoái lưỡng nan mà chúng ta phải hóa giải.
Kevin Warnick, người được xem là “người điều khiển học đầu tiên”, nói rằng đến năm 2050, mỗi người trong chúng ta đều có thiết bị hay bộ phận công nghệ nào đó. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có chấp nhận sự tiến hóa của Hommo sapiens theo hướng trở thành Homo cyborg hay không.
Chúng ta cần nhớ là về bản chất, công nghệ là trung lập. Chính chúng ta quyết định ứng dụng công nghệ để phát triển con người hay ngược lại. Chúng ta quyết định công nghệ có phải là phương tiện để làm gia tăng tiềm năng của chúng ta hay không.
Trong nhiều lĩnh vực, công nghệ trở thành chất xúc tác của những thay đổi, chẳng hạn như về kinh tế hay hay văn hóa - xã hội. Việc tiếp cận công nghệ một cách hợp lý giúp chúng ta chọn lựa được giải pháp đúng đắn mà không vượt qua các chuẩn mực.