Một số tỉnh sẽ công bố kết quả sớm
Tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bùi Văn Ga và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT với các Hội đồng thi tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội trong ngày 29 - 30/6, báo cáo với Thứ trưởng, ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, Chủ tịch Hội đồng thi - cho biết: Ngay sau khi thi xong, ngày 25/6, Hưng Yên đã bắt tay vào công tác làm phách bài thi tự luận. Sở đã huy động 80 cán bộ chấm bài thi tự luận, Ban chấm thi bắt tay vào chấm thi từ ngày 26/6. Dự kiến Sở sẽ chấm xong bài thi tự luận trước ngày 3/7. Với bài thi trắc nghiệm, tính đến sáng 29/6, Sở đã hoàn thành quét bài thi trắc nghiệm, gửi đĩa CD dữ liệu lần thứ nhất về Bộ GD&ĐT, sớm hơn so với tiến độ đề ra 2 ngày. Sở dự kiến hoàn thành chấm thi trắc nghiệm ngày 2/7, trước hạn 1 ngày.
Còn tại Hội đồng thi TP Hà Nội, báo cáo công tác chấm thi ông Chử Xuân Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - Trưởng Ban chấm thi, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Năm nay Sở huy động 400 cán bộ chấm thi và 20 cán bộ chấm kiểm tra môn tự luận. Hiện tiến độ công tác chấm thi tự luận đã chấm gần xong vòng 1, chuẩn bị chấm vòng 2 và khớp điểm chấm giữa hai vòng. Công tác chấm thi của Hà Nội đang diễn ra đúng kế hoạch và sẽ có kết quả thi trước 7/7.
Phát biểu tại các Hội đồng thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã yêu cầu các cán bộ của Ban chấm thi và các Hội đồng thi nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấm thi nghiêm túc, khách quan, đúng hướng dẫn chấm, kịp thời xử lý những vấn đề theo đúng quy chế, quy trình chấm thi. Năm nay tại tất cả các Hội đồng thi, Bộ đã cử thanh tra chấm thi của Bộ về giám sát công tác chấm, đề nghị Hội đồng thi các tỉnh phối hợp chặt chẽ với thanh tra chấm thi của Bộ trong khâu chấm thi để đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc của kỳ thi với hai mục đích xét, công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh.
Thứ trưởng nhấn mạnh, các tỉnh năm nay phải phấn đấu chấm thi đúng tiến độ đề ra nhưng phải đảm bảo đúng quy trình, không để xảy ra sai sót. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về hạ tầng công nghệ cho công tác công bố kết quả kỳ thi.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý Hội đồng thi TP Hà Nội phải tính toán các phương án phân tải, không để tình trạng nghẽn mạng, thí sinh không truy cập, xem kết quả thi được. Sở GD&ĐT Hà Nội có thể phối hợp với các trường ĐH lớn trên địa bàn để tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin cho việc công bố kết quả thi đảm bảo thông suốt.
Công bố phổ điểm và điểm sàn sớm hơn dự kiến
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm nay Bộ GD&ĐT có chủ trương những tỉnh, thành phố nào chấm thi xong trước thì sẽ công bố trước, không chờ tất cả xong mới công bố cùng một lần. Theo kế hoạch, nhiều tỉnh sẽ hoàn tất công tác chấm thi sớm và sẽ công bố sớm kết quả thi sau khi gửi dữ liệu điểm về Bộ để thực hiện việc đối chiếu.
“Ngày 7/7 là hạn cuối cùng để các Sở công bố kết quả thi. Bộ sẽ xử lý kết quả, phân tích dữ liệu, xây dựng phổ điểm trong vòng 3 - 4 ngày. Dự kiến hội đồng điểm sàn sẽ họp vào ngày 11 - 12/7 để quyết định mức điểm sàn năm nay” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng, dự kiến khoảng ngày 12 - 13/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phổ điểm thi THPT quốc gia cùng với điểm sàn để thí sinh có cơ sở phân tích kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh nguyện vọng. Trước đó, theo kế hoạch đã đặt ra, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn vào ngày 14/7. Từ ngày 15/7, thí sinh bắt đầu được quyền thay đổi nguyện vọng.
Theo Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2017, việc các Sở hoàn thành việc chấm thi sớm sẽ giúp cho Bộ có nhiều thời gian hơn để xử lý dữ liệu phục vụ việc phân tích điểm và xây dựng phổ điểm. Thứ trưởng cũng nêu rõ năm nay, phổ điểm thi được phụ huynh và thí sinh quan tâm vì đây sẽ là cơ sở để thí sinh phân tích kết quả của mình trong mối tương quan chung, để đưa ra quyết định điều chỉnh các nguyện vọng đã đăng ký.
Bộ GD&ĐT khuyến cáo thí sinh nên phân tích kỹ trên cơ sở phổ điểm Bộ sẽ công bố để tiến hành điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký. “Trong trường hợp kết quả thi không lệch nhiều với kết quả dự kiến, thí sinh không nên thay đổi nguyện vọng đã đăng ký” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Nhiều điểm cao ở câu hỏi về “thấu cảm” trong đề Ngữ văn
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, cô Lê Thị Vân Hường, Tổ trưởng tổ chấm thi tự luận, Ban chấm thi Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên cho biết, mỗi ngày, mỗi cán bộ chấm thi chấm 30 bài thi tự luận theo quy định 2 vòng độc lập. Việc chấm thi sẽ được thực hiện cuốn chiếu để đẩy nhanh tiến độ.
Theo nhận định của cô Hường, đã có những bài thí sinh đạt điểm cao, ở mức 8,75 điểm. Tuy nhiên, một số thí sinh đã bị điểm liệt (dưới 1). “Số điểm liệt thì không nhiều. Chủ yếu là do các em không viết được hoặc chỉ viết vài ba dòng” - cô Hường cho biết, đồng thời cũng nêu rõ thêm: “Câu số 2 phần đọc hiểu, trả lời định nghĩa về thấu cảm, hầu hết thí sinh đều làm được điểm tối đa”.
Trong khi đó, tại Hội đồng thi TP Hà Nội, cô Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng Ban chấm thi - Trưởng Ban chấm bộ môn Ngữ văn của Hà Nội cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, đã chấm được 50% số bài vòng 1 môn Ngữ văn. Chiều 30/6 bắt đầu chấm vòng 2 và khớp điểm.
Cho tới nay, giáo viên chưa gặp bất cứ khó khăn nào vì Bộ đã có hướng dẫn rất cụ thể từ barem điểm cho tới hướng dẫn chấm và phiếu điểm. Bên cạnh đó, tất cả giáo viên đã được hướng dẫn chấm cụ thể và mỗi tổ chấm thi chấm chung 30 bài thay vì 10 bài như quy định của Bộ trước khi giáo viên được giao bài thi để chấm riêng.
Đối với câu hỏi phần đọc hiểu có chứa từ “thấu cảm”, hầu như thí sinh không vướng mắc gì. Để đánh giá một cách công tâm phần đọc hiểu trong đề thi Ngữ văn các giáo viên khi chấm thi vẫn có những tranh luận nhất định trong bài làm của thí sinh. Bởi lý do là thí sinh của Hà Nội đông và cách thức làm bài, diễn đạt cũng rất đa dạng.
Về công tác chấm thi trắc nghiệm, cô Phạm Xuân Hương - Tổ trưởng chấm bài thi trắc nghiệm - cho biết: Tiến độ chấm thi bài thi trắc nghiệm rất ổn định. Năm nay có rất ít phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh máy không quét được. Lý do là năm nay các em đã được phổ biến rất kỹ kỹ năng làm bài trắc nghiệm, sử dụng đúng chủng loại bút và các kỹ năng khác trong khi làm bài trắc nghiệm. Đồng thời, cô Hương cũng cho rằng năm nay phần mềm thi trắc nghiệm được Bộ GD&ĐT thiết kế, xây dựng khoa học nên công tác chấm thi diễn ra thuận lợi.