Tích cực đẩy lùi bệnh lao

GD&TĐ - Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng ¼ dân số nhiễm bệnh lao, ước tính vào khoảng 2 tỉ người. Đây là một con số đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe toàn cầu của người dân

Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong việc đẩy lùi bệnh lao trong cộng đồng
Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong việc đẩy lùi bệnh lao trong cộng đồng

Thêm cơ hội cho người bệnh lao

Trên toàn thế giới hiện có 30 nước có gánh nặng cao về bệnh lao, trong đó, Việt Nam xếp thứ 16 đối với tất cả các bệnh lao và xếp thứ 13 về lao kháng thuốc. Chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam đã có thêm 126 nghìn người mắc bệnh và đã có 13 nghìn người chết do căn bệnh này. Một thực trạng đáng để quan tâm là vấn đề kháng thuốc trong bệnh lao đang là gánh nặng lớn đối với cộng đồng và ngành y tế Việt Nam. Hiện có khoảng hơn 5.500 người mắc lao kháng thuốc/năm. Chỉ tính riêng năm 2017, có đến 5.827 người bệnh lao kháng thuốc được phát hiện.

Thực trạng này khiến cho không chỉ ngành y tế mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc mới có thể đẩy lùi căn bệnh lao. Đến nay hàng loạt các ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới đều được Việt Nam áp dụng. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chỉ tính riêng việc nghiên cứu điều trị lao tiềm ẩn Xpert trong cộng đồng mỗi năm 1 lần, thì sau 1 năm có thể giảm 20% và sau 3 năm có thể giảm 46% dịch tễ bệnh lao.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế phòng chống lao và bệnh phổi toàn quốc, gồm 50 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế, tạo nên mạng lưới phòng chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã ban hành Chiến lược chấm dứt bệnh lao với 3 thành tố cơ bản, đó là phổ cập phát hiện điều trị lao chuẩn cho toàn dân miễn phí, các chính sách hỗ trợ đảm bảo hậu cần tốt nhất cho phòng chống lao, nghiên cứu và đổi mới phòng chống lao.

Về mặt cơ chế chính sách, có thể nói, Việt Nam đã có gần đủ các điều kiện để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt bệnh lao, bao gồm: Quyết tâm chính trị (Nghị quyết TW), Chiến lược Quốc gia, Chương trình mục tiêu, Thông tư hỗ trợ, Hướng dẫn kỹ thuật, Tiến bộ công nghệ, Mạng lưới rộng khắp với cơ chế hoạt động hiệu quả, Ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế.

Tiên phong trong phòng chống lao

Mỗi năm, trung bình tại Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỉ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm trong khi đó, con số này trên toàn cầu mới dừng ở 61%. Xu hướng giảm bệnh lao khá rõ rệt, số bệnh nhân giảm khoảng 3.000 người từ năm 2016 - 2017.

Mặc dù phải đương đầu với các thế hệ lao kháng thuốc, nhưng khi bệnh nhân được điều trị tỉ lệ khỏi vẫn trên 75%, con số này trên toàn cầu là 52%. Trong công cuộc phòng chống lao, Việt Nam cũng đã dành được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đầu tiên, với con số bệnh nhân mắc bệnh được thu dung, điều trị ngày càng cao. Điều đó cho thấy, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh lao ngày càng được thu hẹp.

Giám đốc chương trình chống lao của Tổ chức Y tế Thế giới, TS Tereza Kassaeva, trong chuyến thăm mới đây ở Việt Nam đã cho rằng: Năm 2018 là năm lịch sử trong cuộc chiến chống lại bệnh lao, vì tất cả đang hướng đến cuộc họp cấp cao lần đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về vấn đề bệnh lao. Bà cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu của WHO về kết thúc bệnh lao và thông qua Tuyên bố Moscow để chấm dứt bệnh lao. Sự hiện diện của đoàn cấp Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã góp phần rất quan trọng cho sự thành công của Hội nghị, cũng như Tuyên bố về đẩy nhanh tiến độ Kết thúc bệnh lao toàn cầu.

“Chúng tôi cũng cảm ơn Việt Nam đã tổ chức rất thành công cuộc đối thoại chính sách APEC năm ngoái để đảm bảo các thông cáo chung để đưa phòng chống lao là một vấn đề ưu tiên; Việc chuyển biến từ cam kết đến hành động ở Việt Nam sẽ không chỉ làm giảm chết cũng như đau đớn vì bệnh lao trong nước mà còn mang lại lợi ích như một quốc gia đi đầu mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới” – TS Tereza Kassaeva chia sẻ.

Hành lang pháp lý khá đầy đủ cho việc chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam bao gồm: Nghị quyết của Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao; Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công tư phòng chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám chữa lao và Chương trình chống lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số 2015 - 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ