Chế áp bệnh lao: Chặng đường còn gian nan

GD&TĐ - Hàng năm, Việt Nam đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi trên 90% trường hợp mắc mới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 3 nước có kế hoạch nghiên cứu được đánh giá cao. 

Chế áp bệnh lao: Chặng đường còn gian nan

Đặc biệt, Việt Nam đã có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu với một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi rộng khắp và chia sẻ những định hướng nghiên cứu quan trọng. Dẫu vậy, chặng đường vẫn còn lắm gian nan.

Cần phát hiện kịp thời

TS.BS Hoàng Văn Huấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội - cho hay, triệu chứng bệnh lao phổi không khó nhận biết, tuy nhiên rất nhiều người bệnh không chú ý phát hiện và điều trị sớm, đến khi bệnh diễn biến nặng mới đi khám.

Do đó, người dân cần nắm rõ các biểu hiện sau để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị và tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Ho ra máu cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhưng có thể gặp ở 60% những người lao phổi thể hiện có tổn thương, chảy máu trong đường hô hấp nên có triệu chứng ho ra máu.

Chính vì vậy, khi có những dấu hiệu như: Ho trên 3 tuần, đã dùng thuốc kháng sinh nhưng không thuyên giảm, sốt về chiều, sụt cân, đau ngực, khó thở… bệnh nhân cần đến bệnh viện có chuyên khoa lao phổi khám để được điều trị kịp thời.

Còn theo BS Phạm Hữu Thường - Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, số thống kê được hàng năm có đến 5.000 người dân Hà Nội phải đưa vào diện quản lý điều trị và điều trị dự phòng lao các thể, trong đó ước tính có khoảng 80 – 120 người mắc lao kháng đa thuốc, chương trình phòng chống lao thành phố đòi hỏi phải có sự thay đổi để tất cả người dân đều được tiếp xúc với các biện pháp phòng chống lao tiên tiến nhất, giảm nguy cơ mắc.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật cao mới và đột phát trong điều trị bệnh lao như kỹ thuật GeneXpert để chẩn đoán lao, lao kháng thuốc.

Đây là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, chỉ trong 2 giờ có thể cho kết quả về vi khuẩn lao, độ kháng với thuốc với độ đặc hiệu chẩn đoán bệnh trên 95%.

Đặc biệt, bệnh viện triển khai chiến lược FAST đã góp phần phát hiện nhiều ca bệnh lao kháng đa thuốc và lao phổi được chẩn đoán với bằng chứng vi khuẩn học và rút ngắn thời gian từ lấy mẫu tới điều trị các ca bệnh xuống còn 3 - 5 ngày…

Lao kháng thuốc gây tốn kém

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho rằng, chương trình phòng chống lao tại Việt Nam vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức.

Đó là tình trạng bỏ điều trị, hiện đang ở mức báo động và có xu hướng gia tăng và gây khó khăn lớn cho công tác điều trị và phòng chống bệnh lao tại cộng đồng.

Tình trạng lao đa kháng thuốc chủ yếu được xác định là do người bệnh điều trị không đúng, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sỹ; thầy thuốc không đủ thời gian để tư vấn cho bệnh nhân và chưa hỗ trợ tích cực cho người bệnh.

Bên cạnh đó, sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống lao còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh.

Đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

PGS Nhung thừa nhận, kinh phí cho hoạt động của chương trình phòng chống lao còn hạn chế. Đội ngũ phòng chống lao tuyến huyện, thị xã, thành phố trình độ chuyên môn không đồng đều. Đồng thời, sự phối hợp giữa bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chưa tốt, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu.

Để phòng chống bệnh lao, BS Hoàng Văn Huấn khuyến cáo, biện pháp hữu hiệu nhất là cho trẻ sơ sinh đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng chống lao.

Đồng thời, thực hiện lối sống lành mạnh như ăn uống hợp lý, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá...

Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết để phòng bệnh lao. Đối với người đã nhiễm lao cần thực hiện các biện pháp tránh lây cho người xung quanh như nghỉ làm hoặc nghỉ học và ngủ riêng trong vài tuần đầu điều trị, che miệng, đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Trẻ dưới 5 tuổi có tiếp xúc nguồn lây cần uống thuốc dự phòng lao. Đặc biệt, người bệnh phải tuân thủ nghiêm quá trình trị liệu để tránh tình trạng lao kháng thuốc.

Theo nhận định của Bộ Y tế, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 14/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên thế giới, và đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Mỗi năm có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, đáng lo ngại là có gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Số người mắc lao phổi chiếm hơn 1/2. Tuy nhiên, theo báo cáo WHO, chỉ có 79% số người mắc được phát hiện, tư vấn, điều trị và quản lý. 21% còn lại vẫn tồn tại trong cộng đồng mà không được điều trị, khống chế nguồn lây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ