Tị nạn trên quê hương

GD&TĐ - Nếu không có các cơ sở quân sự rải rác trên mỗi ngọn núi, những vòng dây thép gai dài đến vô tận, hay những người lính vũ trang xuất hiện ở mọi góc, thì thị trấn biên giới nhỏ ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, với bầu không khí mát mẻ và những đỉnh núi tuyết trắng xóa trong ánh mặt trời đầu xuân, có thể bị nhầm lẫn với một thiên đường vùng cao bình yên.

Những đứa con của Babur Ali trong ngôi nhà tạm ở gần Srinagar
Những đứa con của Babur Ali trong ngôi nhà tạm ở gần Srinagar

Căng thẳng triền miên

Giọng nói của Mohammad Riyad vẫn còn run rẩy khi hồi tưởng lại những gì đã xảy ra vào giữa đêm cuối tháng 2 vừa qua. Riyad sống trong một ngôi làng nhỏ nằm ngay bên ngoài thị trấn Uri, gần Đường kiểm soát (LoC) - biên giới thực tế phân chia khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Đây là một trong những biên giới bị quân sự hóa nhất thế giới, nơi diễn ra những cuộc đụng độ vũ trang thường xuyên giữa hai đối thủ hạt nhân cùng tuyên bố sở hữu toàn bộ Kashmir.

Những trận pháo kích diễn ra thường xuyên ở khu vực biên giới này. Theo số liệu từ Quốc hội Ấn Độ, các vụ nổ súng xuyên biên giới dọc theo Đường kiểm soát đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ 152 vụ năm 2015 lên 860 vụ vào năm 2017. Người dân địa phương cho biết tình hình càng xấu đi trong những tuần gần đây. “Tôi đang ngủ thì một quả pháo rơi xuống ngay bên ngoài cửa sổ”, anh Riyad kể, rồi vén áo lên, để lộ ra vết thương còn rất mới trên bụng. Rất may, vợ con anh ngủ cách xa cửa sổ nên không sao, nhưng sự bất an thì cao độ. Họ thực sự lo sợ về các cuộc tấn công tiếp theo.

Căng thẳng trên toàn khu vực tăng vọt sau vụ đánh bom xe ngày 14/2 nhằm vào lực lượng Ấn Độ ở phía nam Kashmir, khiến 40 lính đặc nhiệm Ấn Độ thiệt mạng. Đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất từ trước đến nay nhằm vào các lực lượng Ấn Độ đóng tại đây. Cho rằng Pakistan đứng sau vụ đánh bom, Ấn Độ đã đáp trả bằng cách triển khai máy bay chiến đấu trên khắp không phận LoC, không chỉ phô trương sức mạnh không quân mà còn khai hỏa tấn công vào lãnh thổ của Pakistan lần đầu tiên sau 5 thập kỷ. Ấn Độ cho biết họ nhằm vào một trại huấn luyện của nhóm khủng bố đứng sau vụ tấn công. Phía Islamabad thì cáo buộc Ấn Độ gây hấn, đồng thời phủ nhận mọi vai trò trong vụ đánh bom.

Tiếp đến là một cuộc giao tranh trên không giữa hai bên, trước khi Pakistan bắt giữ một phi công Ấn Độ nhảy dù sau khi máy bay bị bắn hạ. Việc viên phi công được nhanh chóng phóng thích đã giúp giảm bớt thù địch, kéo hai nước khỏi vòng xoáy bạo lực mà nhiều nhà quan sát lo ngại có thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện, thậm chí, trong kịch bản cực đoan nhất, có thể làm nảy sinh xung đột hạt nhân.

Khi biên giới thành vũ đài chính trị

Dù cao trào xung đột đã qua, nhưng người dân địa phương cho biết, hai bên vẫn tiếp tục bắn đạn pháo trên khắp khu vực dọc theo Đường kiểm soát và đổ lỗi qua lại về bạo lực.

Trong khi đó, vào thời điểm Ấn Độ chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia bắt đầu vào ngày 11/4, cuộc xung đột đã trở thành một vấn đề lớn đối với Thủ tướng Narendra Modi.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Nhật báo Kinh tế địa phương, ông Amit Shah, Chủ tịch Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi, và cũng là trợ lý chính trị gần nhất của đương kim thủ tướng, cho biết: “Cho đến nay, chỉ có hai quốc gia trả thù cho sự tử vì đạo của những người lính của họ là Mỹ và Israel. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đang là nước thứ ba làm như vậy”.

Về phần mình, Thủ tướng Modi cũng đã đề cập đến căng thẳng biên giới trong một sự kiện: “Đủ rồi, chúng ta không thể tiếp tục đau khổ đến muôn đời”.

Sống trong khu vực đã trở thành vũ đài của các chính trị gia, nỗi sợ hãi luôn rình rập người dân Kashmir. Cậu bé Mohammad Ansar, 16 tuổi, ở một ngôi làng gần biên giới, đang ăn trưa với mẹ và hai anh em thì nghe thấy tiếng pháo kích bên ngoài. “Cả nhà chạy ra để nghe ngóng thì một quả đạn rơi xuống đúng chỗ cháu đứng”, cậu kể lại. Ansar gục xuống và bị thương ở đầu. Hai đứa em của cậu, đều 10 tuổi, cùng mẹ cậu, cũng bị thương ở nhiều chỗ. “Cả nhà đều rất sợ hãi”, Ansar chia sẻ. “Mỗi khi nghe thấy tiếng động lớn, chúng cháu lại hoảng loạn”.

Gia đình Babur Ali cũng đang trải qua tâm trạng hoang mang và hoảng loạn như vậy. Gia đình Ali vốn sống gần biên giới, nhưng những đợt pháo kích gia tăng sau hậu quả của những cuộc giao tranh trên không hồi tháng 2 đã buộc họ phải rời đi. Trong ngôi nhà tạm gần Srinagar, một trong những nơi lạnh lẽo nhất vùng Kashmir anh nói rằng những đứa trẻ đang rất sợ hãi nếu phải trở về ngôi làng bị pháo kích. “Chúng tôi phải rời khỏi nhà, bỏ lại tài sản... chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, Ail nói.

Căng thẳng leo thang ở Kashmir; họ đang trở thành những người tị nạn trên chính mảnh đất của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ