Mỹ rút quân khỏi Libya trong bối cảnh bạo lực gia tăng

GD&TĐ - Quân đội Mỹ đã rút quân khỏi Libya trong bối cảnh bạo lực gia tăng ở thủ đô Tripoli. Các lực lượng Mỹ hỗ trợ quân sự cho các cơ quan ngoại giao, các hoạt động chống khủng bố và cải thiện an ninh khu vực, đã được di dời tạm thời để đáp ứng với “tình trạng bất ổn gia tăng”.

Tướng Khalifa Haftar trong một cuộc diễu hành quân sự ở Benghazi vào ngày 7/5/2018
Tướng Khalifa Haftar trong một cuộc diễu hành quân sự ở Benghazi vào ngày 7/5/2018

Tình trạng bất ổn khó tiên đoán

“Thực tế, an ninh ở Libya đang ngày càng phức tạp và không thể đoán trước được” - Tướng Thomas Waldhauser, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, cho biết - “Ngay cả khi có sự điều chỉnh lực lượng, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự nhanh nhẹn để hỗ trợ cho chiến lược hiện tại của Mỹ”.

Đại tá Chris Karns, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh châu Phi, cũng nhắc lại rằng sự di chuyển của quân đội sẽ không ảnh hưởng đến khả năng phản ứng trước các mối đe dọa cũng như mục tiêu của lực lượng này. “Vì lý do an ninh, tôi sẽ không xác định chính xác nơi các lực lượng này sẽ di chuyển đến” - Đại tá Karns nói - “Điều quan trọng là các nhóm khủng bố như ISIS sẽ không có bản đồ chính xác về nơi đóng quân của chúng tôi. Chúng tôi sử dụng các nguồn lực hữu hạn của mình ở đây để điều chỉnh nhanh chóng, đạt hiệu quả tối đa”.

Tình trạng hỗn loạn tại đất nước bị chiến tranh tàn phá trong nhiều năm này đã đạt đến đỉnh cao trong những ngày gần đây, khi tướng Khalifa Haftar đẩy mạnh để giành quyền kiểm soát thủ đô. Vào ngày 7/4, cái gọi là Quân đội quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar cho biết, họ đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào các lực lượng chính phủ được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở miền Nam Tripoli (GNA).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố kêu gọi Haftar ngăn chặn cuộc tấn công. “Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi phản đối cuộc tấn công quân sự của lực lượng Khalifa Haftar và kêu gọi ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự này tại thủ đô Libya”, ông nói trong một tuyên bố cuối tuần qua.

Ông Pompeo cũng nhận định rằng “không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Libya” và kêu gọi các nhà lãnh đạo Libya và các đối tác quốc tế khác quay trở lại các cuộc đàm phán qua trung gian của Liên Hợp Quốc. Phái đoàn Liên Hợp Quốc tại Libya (UNSMIL) kêu gọi các lực lượng đối địch “đình chiến nhân đạo” từ 4 giờ chiều đến 6 giờ chiều giờ địa phương ở phía Nam thành phố để xe cứu thương có thể giải cứu dân thường bị thương trong các cuộc đụng độ.

Hôm 4/4, các lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của tướng Haftar đã bất ngờ nổ súng tại hàng loạt vị trí chiến lược ở Tripoli, nơi có trụ sở của chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận. GNA đã tuyên bố tổ chức phản công để bảo vệ Tripoli khỏi các tay súng LNA.

Rối ren chồng chất rối ren

Theo tờ Libya Al-Ahrar có trụ sở tại Tripoli, hôm 7/4, phát ngôn viên của các lực lượng vũ trang GNA, ông Mohammed Qanouno, đã báo trước sự ra mắt của một hoạt động quân sự có tên là “Núi lửa giận dữ”, nhằm mục đích “quét sạch những kẻ ngoài vòng pháp luật khỏi tất cả các thành phố của Libya”.

Trong suốt 8 năm kể từ khi nhà lãnh đạo Moammar Gadhaffi bị phế truất (sau đó bị sát hại) trong cuộc xung đột năm 2011, ông Haftar là một trong số ít những lãnh đạo lực lượng vũ trang đã lợi dụng sự sụp đổ của chính quyền quốc gia để củng cố vị thế cho mình. Có trụ sở tại thành phố Benghazi, LNA kiểm soát phần lớn miền Đông Libya và đặt mục tiêu chiếm được thủ đô Tripoli do GNA quản lý.

Những tay súng thỉnh thoảng lại tranh giành quyền kiểm soát thủ đô, ngăn cản chính phủ của ông Fayez al-Sarraj (nhà lãnh đạo của LNA) nắm bắt hoàn toàn quyền lực. Tình hình càng rối ren khi nhiều thế lực cạnh tranh để kiểm soát các mỏ dầu lớn, cũng như các nhóm vũ trang khác, bao gồm IS, nằm rải rác trên khắp nước.

Bất an cho người tị nạn

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến và bảo vệ người dân ở thủ đô như chúng tôi đã hứa với họ”, tướng Haftar nói trong một bản ghi âm được đăng trên tài khoản Facebook, đồng thời thêm rằng “sự an toàn của khách nước ngoài và các tổ chức của chúng tôi cần được đảm bảo”.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, đã có mặt tại Benghazi vào tuần trước, để đàm phán với tướng Haftar nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình quốc tế, nhưng không thành công. Sau cuộc gặp, ông Guterres nói rằng ông rời Libya “với một trái tim nặng nề và sự quan ngại sâu sắc. Tôi vẫn hy vọng có thể tránh được một cuộc đối đầu đẫm máu trong và xung quanh Tripoli”.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã đưa ra quan ngại rằng, các cuộc đụng độ đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến người tị nạn và người di cư, vốn bị mắc kẹt tại các trung tâm giam giữ trong khu vực.

“Sự an toàn của người tị nạn đặc biệt liên quan đến tình trạng leo thang trong hành động quân sự” - Tổng Giám đốc IOM, ông AntónioVitorino cho biết - “Số phận của tất cả thường dân Libya và sự an toàn của những người tham gia các chiến dịch nhân đạo cũng là một mối quan ngại lớn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ