Thụy Sĩ: Tuyên chiến với bạo lực học đường

GD&TĐ - Bạo lực học đường, trong đó vấn đề bắt nạt đang gây nhức nhối trong trường học tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Thụy Sĩ.

Nhiệm vụ của giáo viên là ngăn chặn bắt nạt học đường.
Nhiệm vụ của giáo viên là ngăn chặn bắt nạt học đường.

Trong những năm qua, các trường phổ thông tại quốc gia này đã áp dụng nhiều phương pháp cứng rắn, quyết liệt nhằm đẩy lùi vấn nạn này.

Phương pháp nhập vai

Vấn nạn bắt nạt học đường đã gia tăng trong những năm gần đây. Theo khảo sát mới nhất do Chương trình Đánh giá Học sinh quốc tế (PISA) thực hiện vào tháng 12/2018, tỷ lệ bắt nạt học đường đã tăng ít nhất 2% kể từ năm 2015.

Cụ thể, khoảng 13% trẻ 15 tuổi cho biết thường xuyên bị chế giễu, 11% người được hỏi từng là đối tượng bị nói xấu, 7% bị gây hấn. Đặc biệt, Thụy Sĩ có tỷ lệ bắt nạt học đường cao hơn các quốc gia láng giềng.

Nghiên cứu cho thấy, cứ 10 trẻ ở Thụy Sĩ, có một em là nạn nhân của bắt nạt học đường. Những trải nghiệm khó khăn thời đi học khiến nhiều học sinh mắc bệnh trầm cảm, thậm chí là tự tử. Với trăn trở làm thế nào để giải quyết vấn đề trên, Trường Trung học quốc tế Institut de Lancy, Geneva, Thụy Sĩ, đã đưa vào giảng dạy khóa học đẩy lùi bắt nạt học đường do Phần Lan thiết kế.

Từ tháng 8/2020, khoảng 1.400 học sinh nhà trường đã tham gia khóa học về bắt nạt học đường KiVa. Trong tiếng Phần Lan, KiVa là viết tắt của từ Kiusaamista Vastaan, có nghĩa là đẩy lùi bắt nạt.

Phương pháp này được xây dựng bởi Trường Đại học Turku, Phần Lan, vào cuối những năm 1990 với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan. Từ năm 2017, chương trình này được đưa vào giảng dạy tại hầu hết các trường học ở Phần Lan và 18 quốc gia khác.

Cấu trúc của chương trình dựa trên mục tiêu phòng ngừa và xóa bỏ ý tưởng về bắt nạt trong suy nghĩ của học sinh. Chương trình đưa ra nhiều tài liệu, cách sáng tạo hoạt động học nhập vai và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi.

Cô Ingrid Defretin, giáo viên tiếng Pháp tại Trường Institut de Lancy, cho biết: Trong một tiết học KiVa, học sinh sẽ lần lượt đóng vai là nạn nhân của trò bắt nạt. Các em đứng trước lớp, nghe cô giáo liệt kê một số hành động về bắt nạt hoặc xem video tư liệu.

Những bạn ngồi ngoài có thể đứng lên bảo vệ bạn đóng vai nhưng hầu hết các em khá sợ sệt, lúng túng nên không đủ can đảm lên tiếng. Kết thúc bài tập, các em sẽ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình với cô giáo. Thầy và trò cùng thảo luận để tìm ra những giải pháp ngăn chặn hành vi bắt nạt.

“Trong buổi học đóng vai, một số học sinh nhận ra một vài bạn bè từng bị bắt nạt nhưng thời điểm đó, các em không nhận ra hoặc không biết làm thế nào để giúp đỡ. Khi cùng bàn luận về những điều này, học sinh nhận thức rõ hơn tác hại của bắt nạt học đường và tìm cách giải quyết chúng” - cô Ingrid Defretin cho biết.

Ông Francisco Benavente, người quản lý dự án KiVa tại trường, bày tỏ: Chúng tôi không trừng phạt học sinh bắt nạt bạn cùng lớp. Thay vào đó, chúng tôi tìm kiếm giải pháp bằng cách đối thoại với các em để khuyến khích học sinh lên tiếng. Học sinh sẽ cảm thấy thoải mái, cởi mở hơn khi nói chuyện với giáo viên mà không sợ bị trừng phạt. Từ đó, tình trạng bắt nạt học đường cũng sẽ được kiểm soát.

Bắt nạt học đường rất được truyền thông Thụy Sĩ quan tâm và đưa tin trong thời gian qua. Đây là tín hiệu tốt, song không ít người lớn còn nhầm lẫn giữa bắt nạt và xung đột giữa trẻ em.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cách tiếp cận không đổ lỗi

Trong môi trường học đường, học sinh thường xuyên đối mặt với những lời chế nhạo, lăng mạ, đe dọa hay bạo lực thể chất. Những hành vi tiêu cực này có thể khiến một số em chọn kết thúc cuộc đời khi còn rất trẻ.

Năm 2013, cái chết của cậu bé 13 tuổi người Pháp đã gây chấn động châu Âu. Do không chịu được những tấn công ác ý của bạn bè xung quanh về mái tóc đỏ, em đã treo cổ trong phòng ngủ. Sự việc đau lòng trên hoàn toàn có thể lặp lại ở bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ trường học nào trên thế giới nếu tình trạng bắt nạt học đường không được đẩy lùi.

Ông Basile Perret, giảng viên tại Trường Khoa học Y tế và Công tác Xã hội, thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, phân tích: Bài học nhập vai là một phần của chương trình KiVa. Phương pháp này còn khuyến khích các trường xây dựng hộp thư ảo để học sinh gửi thư ẩn danh tố cáo hành vi bắt nạt. Giáo viên phải ủng hộ nạn nhân, cảm hóa nhân chứng để học sinh kịp thời lên tiếng khi có các trường hợp xấu xảy ra.

Ngoài KiVa, các trường học tại Thụy Sĩ cũng đang áp dụng nhiều phương pháp chống bắt nạt học đường. Tại bang Vaud, các trường phổ thông sử dụng phương pháp “chia sẻ mối quan tâm”.

Đặt hành vi bắt nạt là mối quan tâm chung của toàn trường, học sinh phải lên tiếng về các hành vi được phát hiện trong trường trong khi giáo viên không phớt lờ, thường xuyên đem chủ đề này ra thảo luận trong lớp học. Từ sự chung tay của cộng đồng, hành vi này sẽ không còn lẩn khuất trong bóng tối.

Ông Perret đánh giá các trường phổ thông trên đất nước đang “tuyên chiến” ngày một mạnh mẽ với nạn bắt nạt học đường. Dù sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, điều quan trọng là tiếp cận không đổ lỗi để trẻ bắt nạt không bị tẩy chay và trẻ bị bắt nạt không cảm thấy xấu hổ.

Giáo viên, nhân viên nhà trường không được khoan nhượng hoặc thờ ơ trước các hành vi bắt nạt. “Điều tồi tệ nhất là nhắm mắt làm ngơ. Khi một tình huống vượt quá tầm kiểm soát, nhà trường cần có đội ngũ chuyên nghiệp chuyên tháo gỡ những vấn đề trên và làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương. Cuộc chiến chống bắt nạt học đường còn rất dai dẳng, đòi hỏi các trường phải cứng rắn, mạnh mẽ và cẩn trọng hơn”, ông Perret bày tỏ.

Cãi vã là một phần trong các mối quan hệ. Nhưng bắt nạt là hành vi lặp đi lặp lại trong thời gian dài và có chủ ý. Nhiều phụ huynh tưởng lầm con chỉ trêu đùa cùng các bạn mà bỏ qua các hành vi sai lầm của con. Vì thế, giáo dục học sinh cũng là cơ hội để tuyên truyền đến phụ huynh, khuyến khích gia đình phối hợp cùng nhà trường đẩy lùi vấn nạn này. Ông FRANCISCO BENAVENTE
Theo Swiss Info

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ