Singapore: Đề xuất phương pháp giảm thiểu tình trạng bắt nạt học đường

GD&TĐ - Bắt nạt học đường là vấn đề nóng tại Singapore trong những tháng gần đây. Trong đó, một học sinh 14 tuổi đã cố gắng tự tử sau khi bị bạn cùng trường bắt nạt.

Sự hỗ trợ từ bè bạn giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.
Sự hỗ trợ từ bè bạn giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.

Em này đã viết đơn kêu gọi Thủ tướng Lý Hiển Long giải quyết vấn đề bắt nạt học đường.

Bộ Giáo dục Singapore cùng các trường khẳng định không khoan nhượng trước những hành vi bắt nạt học đường. Nhà trường cam kết bảo đảm an toàn gồm tuyên truyền về hậu quả của bắt nạt học đường, răn đe người vi phạm, hỗ trợ nạn nhân.

Bộ Giáo dục cũng xây dựng Chương trình giáo dục Nhân cách và Đạo đức (CCE) bằng cách giáo dục học sinh xây dựng môi trường học tập tử tế, hòa nhập.

Mới đây, PGS Cheung Hoi Shan, làm việc tại Trường Cao đẳng liên kết Yale - NUS và PGS Lee Jungup, làm việc tại Trường ĐH Quốc gia Singapore đã công bố nghiên cứu đề xuất phương pháp giảm thiểu tình trạng bắt nạt học đường.

Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn hơn 500 trẻ tiểu học từ 10 - 12 tuổi. Hầu hết, các em cho rằng, sự gắn bó với gia đình hoặc bè bạn giúp giảm thiểu tỷ lệ bị bắt nạt.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, được vun đắp thông qua việc quan tâm, đáp ứng nhu cầu của trẻ, tạo không gian an toàn để các em chia sẻ rắc rối ở trường.

Qua đó, phụ huynh có thể gợi ý các phương pháp đối phó với nạn bắt nạt học đường, liên tục hỗ trợ tinh thần và bảo đảm an toàn cho con cái. Khi gặp khó khăn, trẻ sẽ lập tức tìm đến cha mẹ hoặc chia sẻ về tình trạng bắt nạt trước khi vấn đề trở nên trầm trọng.

Tương tự, bạn bè tại trường học có thể hỗ trợ lẫn nhau, tạo môi trường học tập bình đẳng, tích cực, nơi trẻ em có thể kết bạn dễ dàng, không cần chèn ép lẫn nhau. Điều này đặc biệt hữu ích với những trẻ sợ bị tẩy chay rồi chuyển hóa thành hành vi bắt nạt.

Khi học sinh đến tuổi trưởng thành, cha mẹ có thể không còn nhiều ảnh hưởng như bạn bè đồng trang lứa. Nghiên cứu khảo sát hơn 800 sinh viên đại học trong độ tuổi 21 - 24 cho thấy các em gắn bó với bạn bè chặt chẽ hơn cha mẹ.

Tầm quan trọng của bạn bè đồng trang lứa nhấn mạnh cần thiết phải xây dựng mạng lưới hỗ trợ có hệ thống giữa học sinh với nhau.

PGS Cheung Hoi Shan nhận xét, đây là phương pháp giáo dục đặc biệt, khác với các biện pháp thông thường chỉ tập trung vào kỷ luật kẻ bắt nạt hoặc tư vấn cho nạn nhân.

Đối tượng của phương pháp này là toàn bộ học sinh trường, có vị thế ngang hàng nhằm hỗ trợ bạn bè của các em. Ngoài giáo dục trẻ biết giúp đỡ bạn bè, khả năng đồng cảm cũng là liều thuốc giảm thiểu tác động và tỷ lệ bắt nạt.

Ông Jungup gợi ý các trường có thể dạy trẻ biết giúp đỡ bạn bè, xây dựng khả năng đồng cảm qua nhiều khóa học nhỏ. Sau khi đi từ khái niệm về sự đa dạng, hòa nhập, các em có thể chuyển sang thực hành bày tỏ đồng cảm với bạn bè, mọi người xung quanh.

Các khóa học này có thể lồng ghép vào chương trình CCE hoặc chương trình Giáo dục Cảm xúc Xã hội có sẵn trong các trường phổ thông tại Singapore.

Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu nhấn mạnh trách nhiệm giáo dục không chỉ đặt nặng trên vai nhà trường mà cần có sự vào cuộc của gia đình học sinh. Cha mẹ và gia đình có vai trò quan trọng trong việc làm gương tốt để con cái phát triển hành vi xã hội tích cực.

Bắt nạt học đường là vấn đề quẩn quanh, dai dẳng. Nhưng nhờ các nghiên cứu khoa học mới và hiểu biết về bắt nạt học đường, nhà trường và gia đình có thể tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất để đẩy lùi vấn nạn này.

Theo Straits Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.