Thường xuyên kiểm tra, thi thử trước thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Các nhà trường cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, thi thử dưới nhiều hình thức khác nhau để nắm diễn biến tình hình chất lượng nhằm điều chỉnh bồ sung biện pháp kịp thời, phù hợp, qua đó giúp học sinh được thử sức thường xuyên.

Thường xuyên kiểm tra, thi thử trước thi THPT quốc gia

Đó là yêu cầu của Sở GD&ĐT Bình Dương đến các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Tổ chức các lớp phụ đạo riêng cho các học sinh yếu

Ông Lê Nhật Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương - cho biết: Để tổ chức tốt việc ôn tập chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia, đảm bảo kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016, Sở GD&ĐT yêu cầu Ban giám hiệu, Giám đốc Trung tâm GDTX xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cụ thể, căn cứ vào chương trình khung của Bộ GD&ĐT, tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng, sách giáo khoa, loại trừ những phần giảm tải.

Nội dung ôn tập thuộc chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12; tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi gắn với thực tiễn và các câu hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ tới khó theo hướng đánh giá năng lực học sinh; đảm bảo độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

 Các trường cần phân công Ban giám hiệu, Giám đốc thường xuyên kiểm tra, dự giờ, họp giáo viên chủ nhiệm và tổ trưởng chuyên môn để có đủ thông tin cần thiết, nắm tình hình dạy và học, ôn tập cho học sinh, từ đó có sự chỉ đạo nhằm điều chỉnh kịp thời các vấn đề phát sinh.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Lê Nhật Nam, các nhà trường có thể tự biên soạn tài liệu ôn tập hoặc sử dụng các tài liệu do Sở gửi qua email (bộ đề ôn tập thi thử; đề cương ôn thi) để biên tập lại thành tài liệu phù hợp cho đơn vị mình.

Các tài liệu cần có phần in đậm gạch dưới những kiến thức trọng tâm cần chú ý để định hướng giúp cho học sinh (đặc biệt học sinh yếu) cần xem lại trong thời điểm gần ngày thi.

Việc xếp lớp ôn tập, phụ đạo theo hướng phân hóa năng lực học sinh, theo các môn thi tự chọn; nhà trường cử giáo viên có đạo đức tốt, có kinh nghiệm, có tâm huyết hướng dẫn ôn tập để có điều kiện nâng cao chất lượng đảm bảo học sinh đủ điểm xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ.

Đặc biệt, trong giờ học chéo buổi, cần tổ chức các lớp phụ đạo riêng cho các học sinh yếu. Chỉ đạo các giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, có thêm biện pháp truy bài; vận động học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình. Tránh tạo nhiều áp lực học tập và quá tải với đối tượng học sinh này.

Đối với học sinh khá, giỏi cần có thời gian ôn tập linh hoạt, tăng cường tự học có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn; hỗ trợ cho việc học sinh tự học như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ và giải đáp thắc mắc cho học sinh.

Bên cạnh tổ chức ôn tập, các nhà trường có thể tổ chức luyện thi cho các môn xét tuyển ĐH, CĐ; tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định; đặc biệt đảm bảo tính tự nguyện và tính hiệu quả của nội dung dạy học.

Lịch học các môn được sắp xếp đảm bảo không trùng nhau để thuận lợi cho học sinh được học đầy đủ các môn tự chọn của mình. Khuyến khích học sinh tổ chức học nhóm tại trường và tạo điều kiện về csvc tốt nhất để các em học và nghỉ trưa tại trường.

Huy động hiệu quả các lực lượng trong nhà trường

Không chỉ Ban giám hiệu, Sở GD&ĐT Bình Dương còn giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các giáo viên chủ nhiệm, giám thị, công đoàn và đoàn thanh niên trong việc phối hợp, thực hiện hiệu quả nhất công tác ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia.

Lãnh đạo nhà trường không chỉ có nhiệm vụ tổ chức tốt công tác tư vấn tuyển sinh cho học sinh, phụ huynh, giúp các em chọn trường, chọn ngành, chọn khối thi phù hợp, vừa sức mà còn phải chăm lo đời sống vật chất tinh thần, sức khỏe, chế độ chính sách, tuyên dương, khen thưởng giáo viên.

Đối với giáo viên chủ nhiệm, phải theo dõi sâu sát nề nếp, tình hình học tập của học sinh để liên hệ phụ huynh một cách kịp thời; làm tốt công tác tư tưởng đối với học sinh. Đồng thời, phối họp tốt với các lực lượng trong nhà trường và phụ huynh học sinh, tạo điều kiện giúp đỡ những học có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có học lực yếu.

Trong khi đó, các giám thị được giao quản lý tốt nề nếp, phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, báo cáo kịp thời cho lãnh đạo nhà trường tình hình nề nếp học sinh.

Công đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống vật chất tinh thần, sức khỏe, chế độ chính sách, tuyên dương, khen thưởng,... để kịp thời, phối hợp với Ban Giám hiệu, Giám đốc Trung tâm GDTX giải quyết những khó khăn thắc mắc trong giáo viên.

Đoàn thanh niên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, hoàn cảnh học sinh khó khăn để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ