Thương vụ tỷ đô của cựu nữ sinh trường chuyên

Thương vụ tỷ đô của cựu nữ sinh trường chuyên

PGS. TS Lê Nguyệt Minh là đồng sáng lập công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học “Carmine Therapeutics và Takeda” trị giá thỏa thuận 1,2 tỷ SGD, phát triển liệu pháp gien.

Vốn là học sinh chuyên Sinh Trường Hà Nội - Amsterdam, Nguyệt Minh dành cho Báo GD&TĐ những chia sẻ về giáo dục chuyên từ góc nhìn người trong cuộc.

- Từng là HS chuyên, theo chị môi trường chuyên đó quan trọng thế nào?

Tôi không có nhiều thời gian để theo dõi về nội dung tranh luận ở trong nước nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ việc nuôi dưỡng nhân tài qua các trường chuyên. 

Với tôi, 3 năm học chuyên Sinh Trường Hà Nội - Amsterdam (Ams) là một bước phát triển quan trọng trong cuộc đời, từ xác định niềm đam mê đến việc học hiểu sâu về chuyên ngành Sinh học. 

Hơn nữa, những người bạn từ trường Ams đã thôi thúc và giúp đỡ tôi phấn đấu suốt những năm qua. Vì rất nhiều bạn ở trường Ams có tài năng và có chí hướng hơn người. 

Trường Ams đặc biệt có trào lưu đi du học. Tôi sang được Singapore cũng là nhờ một cô bạn thân ở trường Ams giới thiệu giúp. Khi tôi sang ĐH Harvard (Mỹ), thấy khoảng một nửa người Việt Nam ở đây là Amsers (cựu học sinh THPT Hà Nội - Amsterdam). 

Tất cả các Amsers ở Harvard mà mình biết đều rất giỏi và thành công. Với tôi, việc đi du học thay đổi cả cuộc đời, biến ước mơ nhỏ (theo bước chân công chức của bố mẹ ở nhà) đến ước mơ lớn (theo các giáo sư thành công ở MIT và Harvard). 

Cuộc sống ở nước ngoài có phát huy được khả năng phụ thuộc rất nhiều vào bạn bè xung quanh, gồm có những người bạn nước ngoài tốt bụng và cả những người bạn đồng hương từ Trường Ams.

- Theo quan sát và đánh giá của chị, khi thực hành nghiên cứu tại Hồng Kông, Mỹ, Singapore, Nhà nước có nên đầu tư ngân sách cho hệ thống trường chuyên không?

Trường chuyên phải lựa chọn HS qua học lực, chứ không từ quen biết và thu nhập cao. Nếu chỉ lựa chọn qua học lực và không yêu cầu đóng học phí (kể cả mức rất thấp), thì tất nhiên, Nhà nước phải đầu tư ngân sách để đào tạo các nhân tài đã được chọn lọc này. 

Việc đầu tư cho nhân tài ở các nước như Singapore và Mỹ là cực kỳ quan trọng. Nếu không có đầu tư của chính phủ thì giáo dục sẽ trở thành thuần thương mại và nhân tài không thể vượt khó mà học giỏi được. 

Như tôi đề cập ở trên, bản thân học qua bao nhiêu trường lớp hầu như đều do học bổng và trợ cấp của các chính phủ. Nếu Nhà nước không đầu tư cho Trường Ams nữa thì các bạn nghèo như tôi không thể được đào tạo một cách quy củ và không có đủ cơ hội tiến lên trong xã hội. 

Tiền học bổng và tiền thưởng không chỉ giúp tôi nuôi bản thân mà còn giúp đỡ cả gia đình, trong đó có thuốc thang cho mẹ (mẹ tôi ốm liệt giường 15 năm nay). Các trường chuyên cần được trang bị phòng thí nghiệm hiện đại để HS thực tập và tiếp cận với công nghệ tiên tiến. 

Trường chuyên cũng nên gửi HS đến các công ty và các trường ĐH, Viện nghiên cứu để thực tập. Khi học ở Mỹ, tôi thường xuyên gặp các bạn HS phổ thông đến nghe giảng và tham gia nghiên cứu.

Thương vụ tỷ đô của cựu nữ sinh trường chuyên ảnh 1
PGS.TS Lê Nguyệt Minh (người ngồi bên trái) cùng GS Harvey trong buổi ra mắt sách Sinh học phân tử của tế bào tại Việt Nam.

- Chị có dự định góp phần chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để nâng cao chất lượng dạy và học của Trường Ams nói riêng cũng như khối các trường chuyên nói chung?

Từ năm 2006, tôi có tổ chức dự án dịch sách Sinh học phân tử của tế bào, một cuốn sách rất tốt và nổi tiếng trên thế giới. Việc dịch sách này cũng bắt nguồn từ kinh nghiệm học sách trắng đen cổ điển khi tôi ở Việt Nam và mong ước đóng góp cho giáo dục của nước nhà. 

Qua hơn 10 năm vật lộn với dự án, tôi và các bạn trong nhóm đã hoàn thiện thành công bản dịch rất công phu với tinh thần 100% tình nguyện. 5 tập sách màu đã được Nhà Xuất bản Trẻ tái bản nhiều lần và được các bạn trẻ mọi miền Tổ quốc yêu thích. 

Tôi xin được một công ty tài trợ 500 cuốn sách này gửi đến thư viện các trường ĐH. Trường phổ thông đầu tiên tôi đề nghị gửi sách tặng là Trường Ams, vì cuốn sách này chuyên sâu và cung cấp rất nhiều kiến thức cho nghiên cứu sinh học, rất phù hợp cho HS và GV chuyên Sinh. 

Từ đó, tôi muốn nhấn mạnh, tài liệu giảng dạy cập nhật là rất quan trọng. Việc liên hệ kiến thức với thực tiễn và thực tập càng quan trọng hơn nữa. Tôi từng tham gia dạy trường hè khoa học Việt Nam với một chương trình rất hay về kĩ năng và cảm hứng khoa học cho cả sinh viên ĐH và học sinh THPT. 

Mong là mô hình trường hè có thể mở rộng hơn nếu được các tổ chức, cá nhân quan tâm, hỗ trợ, tài trợ hơn nữa. Trong thời gian tới, tôi sẵn sàng tham gia các hoạt động để nâng cao chất lượng dạy và học môn Sinh học mà mình theo đuổi, tại Trường Hà Nội - Amsterdam và các trường chuyên trên cả nước.

The Strait Times - Tờ nhật báo hàng đầu của Singapore - đưa tin thoả thuận 1,2 tỷ SGD giữa một công ty khởi nghiệp về Công nghệ Sinh học - Công ty Carmine Therapeutics và Công ty Takeda để phát triển liệu pháp gen cho 2 bệnh hiếm dựa vào túi xuất bào (extracellular vesicles) của hồng cầu. 

Dự án này sẽ do Công ty Carmine thực hiện theo các bước do Takeda hướng dẫn và tài trợ. Đằng sau start-up này là PGS.TS Lê Nguyệt Minh, GS Lodish (MIT), GS Shi Jiahai (CityU Hồng Kông) và Công ty ESCO (Singapore) thành lập vào tháng 1/2019. Công nghệ về túi xuất bào của hồng cầu là một công nghệ đưa gen vào tế bào rất mới, do PGS.TS Lê Nguyệt Minh và học trò sáng chế.

Nhóm nghiên cứu, gồm hơn 10 người do Nguyệt Minh hướng dẫn, đang tiếp tục phát triển công nghệ này tại ĐHQG Singapore và tiếp tục chuyển giao cho Carmine. Đồng thời, Nguyệt Minh cũng cố vấn trực tiếp cho Carmine trong các nghiên cứu của công ty ở Singapore và Boston (Mỹ).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ