Thượng Phúc danh hương, khoa bảng lẫy lừng

GD&TĐ - Không chỉ là đất danh hương, Thượng Phúc xưa còn nổi tiếng là vùng đất học, đất khoa bảng.

Văn Từ Thượng Phúc mới được xây dựng lại từ năm 2019.
Văn Từ Thượng Phúc mới được xây dựng lại từ năm 2019.

Không chỉ là đất danh hương, Thượng Phúc xưa còn nổi tiếng là vùng đất học, đất khoa bảng như câu ca truyền lại: Đất linh sinh tuấn kiệt/ Văn hiến phát hiền tài/ Văn Từ uy linh một cõi/ Gương sáng tồn tại muôn đời.

Thượng Phúc xưa, nay là huyện Thường Tín nổi tiếng là vùng đất được ghi nhận có nhiều nhà khoa bảng nhất Hà Nội, với những bậc đại khoa, tiếng thơm lừng lẫy như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Dương Trực, Nguyễn Trác, Ngô Hoan, Trịnh Quý…

Đất phát đại khoa

Theo các tài liệu địa chí, Thường Tín nguyên là tên của một phủ thuộc trấn Sơn Nam từ thời Lê đến thời nhà Nguyễn. Thời đó phủ Thường Tín thuộc tỉnh Hà Nội, sau thuộc tỉnh Hà Đông. Phủ Thường Tín bấy giờ bao gồm các huyện: Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên.

Trải qua thời gian và những biến thiên thời cuộc cùng những lần tách – nhập địa danh hành chính, huyện Thượng Phúc được ưu ái lấy tên của phủ Thường Tín làm thành tên mới. Là một huyện có nhiều làng cổ, là đất bách nghệ, lại gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử nên những dấu vết xưa như lớp men làm nên bề dày văn hóa mà hình thành vùng đất danh hương.

Trong các ghi chép danh tính những người đỗ đại khoa qua các triều đại phong kiến, Thượng Phúc là huyện đứng đầu về số người đăng khoa của phủ Thường Tín cũng như trấn Sơn Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ, Thượng Phúc xưa có 128 người đỗ đại khoa, trong đó, 2 người đỗ Trạng nguyên, 3 người đỗ Bảng nhãn, 2 người đỗ Thám hoa.

Nhiều dòng họ, nhiều gia đình nối đời đỗ đạt, như họ Vũ làng Ba Lăng, xã Dũng Tiến; họ Ngô làng Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên; họ Từ làng Khê Hồi, xã Hà Hồi...

Và tất cả tinh hoa khoa bảng, có lẽ hiếm huyện nào có được, đều đúc kết để tôn vinh trong văn bia của Văn Từ hàng huyện, ấy là Văn Từ Thượng Phúc do Tiến sĩ Dương Công Độ dựng tại tổng Tín Yên (nay thuộc xã Tô Hiệu) vào năm Chính Hòa thứ 16 (1695).

Cùng với việc dựng Văn Từ, Tiến sĩ Dương Công Độ còn soạn văn bia bốn mặt khắc tên tuổi các nhà khoa bảng huyện Thượng Phúc. Thời gian sau, Tri huyện Đinh Bá Thường thừa mệnh bản huyện cùng các quan kính sửa tòa nội đường từ vũ, tiền đường, khắc thêm phần bia kí.

Văn Từ Thượng Phúc lúc này có người trông coi và là nơi duy nhất trong hệ thống văn chỉ Thường Tín có mái che và cũng là trường học của huyện.

Năm 1755 Văn Từ bị xuống cấp, Tri huyện Phúc Xuyên là Nguyễn Quân đã tu sửa lại. Sau đó, Giáo thụ phủ Lý Nhân lại cho xây dựng tòa tiền đường. Tiếp đến, Tri huyện Hoài An cũng về tu sửa cho Văn Từ Thượng Phúc thêm phần uy nghi.

Năm Tân Mùi niên hiệu Tự Đức, bức tường của Văn Từ bị nước cuốn trôi. Năm 1812, Hội tư văn của Văn Từ Thượng Phúc đã bàn tính rồi chuyển văn bia, đồ thờ… sang thôn Văn Hội, xã Văn Bình. Sau đó, Văn Từ lại được các vị quan lại và văn thân hàng huyện cho phục dựng.

Văn Từ Thượng Phúc hiện còn lưu giữ văn bia khắc tên 68 nhà khoa bảng lớn của huyện Thượng Phúc xưa, như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên, Trần Trọng Liêu, Ngô Hoan, Nguyễn Ý, Dương Công Độ, Ứng Ngạn Lượng, Vũ Đức Chinh, Nguyễn Trác, Doãn Hoành Tuấn, Dương Hạng, Doãn Mậu Khôi…

Mô phỏng việc dạy học ở Thượng Phúc xưa.

Mô phỏng việc dạy học ở Thượng Phúc xưa.

Văn Từ Thượng Phúc trở thành địa điểm tưởng nhớ về truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân xưa.

Văn Từ Thượng Phúc trở thành địa điểm tưởng nhớ về truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân xưa.

Tái hiện sự học ở Thượng Phúc

Sự học và khoa bảng đất danh hương Thượng Phúc, dù đã trải qua mấy trăm năm dâu bể nhưng những dòng chữ hiển hiện trên văn bia vẫn luôn sáng rõ, bật tỏ lẫy lừng của một thời văn hiến. Hậu cung Văn Từ thờ 5 bậc khoa bảng bậc nhất Thượng Phúc, là: Nguyễn Trãi, Dương Chính, Trần Trọng Liêu, Dương Trực Nguyên, Nguyễn Ý.

Ở khu tả vu là không gian mô phỏng, tái hiện việc dạy học - thi cử thời xưa. Thầy đồ Nguyễn Phi Khanh ngồi dạy học, tay cầm thước tre, phía dưới là bàn của học trò. Cạnh đó, cụ Lý Tử Tấn ngồi từ trên cao đang ngồi trông thi, phía dưới là sĩ tử với bút lông, nghiên mực đang chăm chỉ làm bài. Trong không gian ấy, Tiến sĩ Ngô Hoan thảnh thơi đang ngồi uống trà bình thơ.

Hình ảnh cha con Nguyễn Trãi ở Văn Từ Thượng Phúc cũng khiến nhiều người ngờ ngờ về quê quán, hay là các cụ xưa “thấy sang bắt quàng làm họ”. Và ở đâu đó, trong một số tư liệu chép gốc gác ông là ở làng Chi Nhạn, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Thực ra, phải lần giở lịch sử về thăng trầm của những nhân vật như Nguyễn Trãi mới thấy rằng, năm 1390 sau khi ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán qua đời, Nguyễn Trãi về làng Ngọc Ổi (nay là thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) ở và học tập cùng cha. Thế nên, có nguồn sử chính thống đều công nhận Nguyễn Trãi là người Nhị Khê.

Trước Nguyễn Trãi, ở Thượng Phúc còn một danh nho khá nổi tiếng, ấy là Dương Chính. Thời còn trẻ ông đã nuôi chí hướng dùi mài kinh sử, được cha mẹ cho theo học các thầy đồ trong làng, để rồi lớn lên về kinh ứng thí. Trải qua các kì thi, ông đã đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh đời vua Lý Huệ Tông.

Sau khi thi đỗ, ông được bổ chức quan và được người đời nhận xét là thông minh chính trực, văn võ song toàn, có nhiều đóng góp xây dựng và củng cố triều đình, bảo vệ đất nước, lấy hai chữ “trung hiếu” làm đầu, coi trọng đạo quân thần vua – tôi, hiếu kính với cha mẹ.

Khi lui chốn quan trường về quê ở ẩn, ông dạy trẻ con trong vùng học các sách thánh hiền, giáo dục đạo đức, rèn luyện sĩ tử. Dương Chính còn được coi là người “khai khoa truyền thế” của huyện Thượng Phúc. Chính vì thế tại văn bia Văn Từ Thượng Phúc, tên tuổi của Dương Chính cũng được xếp hàng đầu.

Nhà khoa bảng họ Dương nổi tiếng không kém Dương Chính là Dương Trực Nguyên (1468 - 1509) đỗ Tiến sĩ rồi được phong chức Hiệu lý Viện Hàn lâm khi mới 23 tuổi.

Cuộc đời làm quan của ông trải qua gần 20 chức vụ khác nhau, cao nhất là Ngự sử đài và tham gia Hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập năm 1495. Ông là một trong số ít người từng làm quan ở cả 6 bộ Binh, Hình, Công, Lễ, Hộ, Lại. Ông cũng là một trong những người tham gia biên soạn Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng.

Tượng thờ Tiến sĩ Nguyễn Ý - vị Tiến sĩ đầu tiên được khắc tên trên bia đá Văn miếu Huế.

Tượng thờ Tiến sĩ Nguyễn Ý - vị Tiến sĩ đầu tiên được khắc tên trên bia đá Văn miếu Huế.

Hoàn dân thành thầy đồ

Thời Lê trung hưng, huyện Thượng Phúc cũng xuất hiện một nhà khoa bảng đa tài được người đương thời vô cùng kính trọng, đó là Trần Trọng Liêu (1696 - 1746).

Ngay từ thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng học giỏi, thi Hương đỗ tứ trường, sau được làm Huấn đạo phủ Phụng Thiên, giảng bài trong cung vua. Năm Quý Sửu niên hiệu Long Đức 2 (1733) đời vua Lê Thuần Tông, ông dự thi Đình đỗ Đệ nhị danh ở tuổi 39, được công nhận đỗ đầu Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Trần Trọng Liêu trải qua nhiều chức vụ quan trọng, nhưng công trạng nổi bật của ông được chú ý hơn cả ở việc binh khi cầm quân dẹp loạn, kinh qua 14 trận lớn nhỏ. Ông từng bị bọn phản loạn vây bắt nhưng không chịu đầu hàng. Về sau ông được ban chức Đông các học sĩ. Lại được giao quyền tới vùng Sơn Nam đôn đốc, điều hành việc tuyển chọn quân binh tái ngũ.

Nhà khoa bảng thứ 5 được thờ ở hậu cung Văn Từ Thượng Phúc là Nguyễn Ý (sinh năm 1796, chưa rõ năm mất). Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), ông thi đỗ Cử nhân trong kỳ thi Hương. Năm sau, ông lại đỗ khoa thi Hội rồi đỗ đầu khoa thi Đình do nhà vua trực tiếp ra đề và chấm thi tại điện Cần Chính. Ông được ban Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân.

Kỳ thi Đình của nhà Nguyễn không chia thứ bậc, chỉ xếp theo thứ tự, ai đỗ cao hơn được xếp trên. Trên tấm bia đầu tiên thuộc hàng đầu trong Văn miếu Huế có khắc tên 7 vị Tiến sĩ đỗ kỳ thi Đình năm 1822, tên của Tiến sĩ Nguyễn Ý được khắc ở trên cùng. Vì thế, Nguyễn Ý cũng là vị Tiến sĩ đầu tiên được khắc tên trên bia đá Văn miếu Huế.

Bia đá ghi danh các nhà khoa bảng Thượng Phúc.

Bia đá ghi danh các nhà khoa bảng Thượng Phúc.

Tiến sĩ Nguyễn Ý được lịch sử đánh giá là một nhà khoa bảng tài năng, là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học. Đồng thời, ông cũng là một nhà sư phạm có quan điểm tiến bộ, tư tưởng vượt thời gian về công tác giáo dục - đào tạo và trọng dụng nhân tài.

Đọc văn bia Văn Từ Thượng Phúc, khảo lược sự nghiệp của các nhà khoa bảng nơi đây mới thấy một điều thật đặc biệt, là hầu hết các vị đại khoa của đất này – ngoài gánh nặng trọng trách đương mang, họ đều rất chú tâm tới việc giáo dục.

Sau giờ làm việc, lúc nhàn rỗi hay khi đã về trí sĩ, họ lại trở thành thầy đồ đem tri thức của mình truyền lại cho con cháu, cho người làng và các sĩ tử gần xa kéo đến. Bởi vậy, người xưa mới có câu “hết quan, hoàn dân thành thầy đồ”.

Có lẽ bởi coi trọng sự học, khiến cho việc học trở thành một nghề, một truyền thống danh giá mà Thượng Phúc thành đất danh hương. Gần 70 nhà khoa bảng Thượng Phúc không chỉ để tên mình tạo thành 2 văn bia khắc đá, mà chính bởi sự học và truyền dạy của họ đã tạo nên một Thượng Phúc lẫy lừng trong quá khứ, sáng tỏ ở hiện tại và phát triển ở tương lai.

Trong bài thi văn sách năm 1822, Tiến sĩ Nguyễn Ý bàn về việc đào tạo hiền tài rằng:…Ngày dầm tháng thấm, phả vào mắt, rót vào tai, có thể đạt hiệu quả 'sau một đời sẽ có nhân'. Cho rằng, trị nước không gì quan trọng bằng nhân tài, mừng thánh triều để thực sự được người, nhưng mong chia mưu cùng lo, làm sáng tỏ công việc, ắt giữ chức đều là quân tử... Hiền tài như châu ở biển, ngọc trong núi tìm rất khó, bồi dưỡng hết mức mới thu vét được. Vì thế cổ nhân mới có nỗi lo thiếu nhân tài vậy. Vâng điều thánh thu vét hiền tài, chọn lựa thu khắp, không để sót cỏ chỉ ở khi, hoa lan trong núi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.