Chắt chiu lo cho con ăn học
Đi qua những ngôi nhà cao tầng san sát nhau để vào ngõ nhỏ trong làng Trang Liệt - nay đã là phố, hỏi về từ đường của dòng họ Phan Đình ai nấy đều nhiệt tình chỉ dẫn. Đón và dẫn chúng tôi trước cổng làng, ông Phan Đình Phi, Trưởng ban khuyến học dòng họ Phan Đình, giới thiệu: Trang Liệt vốn là một làng cổ của xã Trang Hạ và đất Kinh Bắc nói chung.
“Qua thời gian từ xã lên phường và giờ thuộc thành phố Từ Sơn nhưng Trang Liệt vẫn giữ được nét cổ kính từ ngõ nhỏ lát gạch nghiêng, những căn nhà gạch đã có rêu phong phủ kín bởi thời gian. Con người nơi đây cũng vậy vẫn giữ nét truyền thống xưa trong đó có tinh thần hiếu học từ dòng họ…”, ông Phi bày tỏ.
Thắp nén hương báo cáo tiên tổ, ông Phi tự hào cho biết, truyền thống hiếu học là đức tính tốt đẹp, lâu đời của dòng họ. Tấm gương sáng có thể kể đến là cụ Phan Đình Dương đỗ Tam Giáp, Đồng tiến sĩ làm đến chức Đốc học ở Hà Nội.
Dòng họ Phan Đình cũng là một trong bốn dòng họ lớn nhất của phường Trang Hạ gồm Ngô Hiến, Vũ Công và Nguyễn Văn. “Riêng dòng họ Phan Đình trong gia phả ông cha ghi lại thời hậu Lê (1740 – 1786) có 3 người đỗ khóa thi Hương gồm: Phan Đình Duệ, Phan Đình Ánh, Phan Đình Huyền. Đến triều Nguyễn (1802 - 1819) có 7 người đỗ cao thì đến 4 người đỗ Tú tài, một cử nhân, một Tam giáp và một Đồng tiến sĩ. Trong đó, có một cụ được khắc văn bia tại Quốc Tử Giám…” - ông Phi cho hay.
Ghi chép của dòng họ Phan Đình cũng cho thấy, từ đường được ông cha xây dựng và tôn tạo hàng trăm năm trước với thiết kế những gian gỗ lim, lợp ngói kiến trúc đẹp khoa học “nội công - ngoại quốc”.
Dòng họ Phan Đình thường mở lớp học tại gia đình và từ đường để mời thầy về dạy chữ Nho, sau là chữ Quốc ngữ. Đồng thời, các cụ trong dòng họ cũng động viên nhau chăm chỉ lao động để chắt chiu lo tiền trả thầy đồ và cấp giấy bút cho các cháu nhà nghèo mà hiếu học. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhà thờ họ Phan Đình cũng là nơi giúp đỡ, che chở nhiều đơn vị bộ đội, cơ quan trước bom đạn của kẻ thù.
Tiếp câu chuyện của ông Phi, cụ Phan Đình Đối (89 tuổi) cho biết: “Năm Thiệu Trị thứ 2 (Nhâm Dần, 1842), cụ Phan Đình Dương đỗ Tam giáp, Đồng tiến sĩ làm đến chức Đốc học ở Hà Nội rồi sau đó ở Hải Dương, Bắc Ninh. Cụ được phong là Hàm Nghi giảng học sĩ và sau này được dựng văn bia ở Quốc Tử Giám ngày nay…” - cụ Đối kể lại.
Vừa lau chùi sơ đồ phả hệ dòng tộc, cụ Đối chia sẻ, bản thân cụ cũng là một nhà giáo, dạy học ở Trường cấp 3 Đình Bảng (nay là Trường THPT Lý Thái Tổ, thành phố Từ Sơn - Bắc Ninh).
Hai người con gái của cụ Đối cũng theo nghiệp cha là cô Phan Thị Hiền, hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên - Bắc Giang) và Phan Bích Thuận, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại ngữ của Học viện Kỹ thuật Mật mã. “Đến cháu ngoại tôi cũng theo nghiệp nhà giáo…”, cụ Đối tự hào.
Ông Phan Đình Phi, Trưởng ban khuyến học dòng họ Phan Đình ghi chép danh sách học sinh giỏi, tiêu biểu để khen thưởng vào tháng 9/2022 tới đây. |
“Tiếp lửa” cho thế hệ trẻ
Để tiếp nối truyền thống hiếu học của dòng tộc từ năm 1996, dòng họ Phan Đình thành lập Ban khuyến học. “Khi đó dòng họ bầu cụ Phan Đình Ninh làm Trưởng ban khuyến học của dòng họ, với ý tưởng động viên các con, các cháu trong dòng họ vươn lên, đạt thành tích cao trong học tập. Xứng danh với các tiên tổ đi trước…”, ông Phan Đình Phi cho biết.
Vì quỹ Ban khuyến học không nhiều, phần lớn là sự chung tay từ sự tự nguyện của từng thành viên. Thế nên, phần quà dành cho các cháu mới chỉ dừng lại ở mức động viên. Các cháu đỗ đại học, cao đẳng sẽ có một món quà lớn hơn một chút. Cháu nào đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc đều nhận được phần thưởng của dòng họ…
Điều đặc biệt mà chúng tôi được biết ở dòng họ hiếu học này là hình thức khuyến học. “Gia đình nào có tất cả các con đỗ cao đẳng, đại học trở lên sẽ được dòng họ vinh danh bằng việc ghi bảng vàng của dòng họ.
Đây là hình thức để tạo nên nguồn động lực để mỗi thành viên trong gia đình, trong dòng họ đều phấn đấu để đạt thành tích tốt trong học tập. Gần 30 năm dù phần quà ít nhưng sự quan tâm, động viên về tinh thần cho các cháu thì rất lớn. Nhiều cháu phấn đấu học chỉ để được ra từ đường báo cáo tiên tổ…”, ông Phi tiết lộ.
Cũng theo ông Phi, Ban khuyến học của họ cũng đang xây dựng thêm kế hoạch để trợ giúp, giúp đỡ những gia đình, con cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, học tập. Được biết, từ nguồn động viên kịp thời này mà Phan Đình Kiên, bố mất sớm đã nỗ lực vươn lên đỗ Trường Đại học TDTT Bắc Ninh.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phan Đình Dũng, nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Từ Sơn, thành viên Ban khuyến học của họ Phan Đình, cho biết, hàng năm dòng họ khen thưởng học sinh đạt thành tích cao vào tháng 9. Trong ngày trao thưởng, nhà thờ họ được bài trí như ngày giỗ tổ, cùng dự có các ông bà cao niên, thầy, cô giáo cũng như lãnh đạo Hội Khuyến học xã, thôn và hiệu trưởng các trường trong xã.
Em Phan Bảo Ngân - lớp 5A2 Trường Tiểu học Trang Hạ chăm chỉ học giỏi để được khen thưởng tại từ đường dòng họ. |
Dòng họ Phan Đình đến nay có 85 cử nhân, trong đó 32 cán bộ có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ và nhiều người đang công tác ở các cơ quan quản lý Nhà nước tại thành phố Từ Sơn. Đặc biệt, nhiều gia đình trong dòng họ Phan Đình có khoảng 50 người đã và đang công tác trong ngành giáo dục. Tiêu biểu có GS.TSKH.NGND Phan Tống Sơn - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm ông 41 tuổi), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hóa học Việt Nam…
Phấn đấu 5 năm là học sinh giỏi, Phan Bảo Ngân - lớp 5A2 Trường Tiểu học Trang Hạ - cho biết, việc học giỏi không chỉ được khen thưởng, mà mỗi dịp được vào nhà thờ họ để báo cáo thành tích với tiên tổ.
Cũng theo ông Phan Đình Dũng, với các gia đình sinh sống ở các tỉnh chỉ cần báo danh sách học sinh có thành tích là được khen thưởng chứ không riêng gì những gia đình đang sinh sống ở phường Trang Liệt.
“Năm 2021, cháu Phan Trường Minh, lớp 11 đoạt giải Ba môn Hóa học của tỉnh Thái Nguyên hay năm 2018, cháu Phan Việt Văn đoạt giải Nhì môn Toán tỉnh Bắc Ninh. Ban khuyến học cũng đều tổ chức những phần quà để động viên thành tích cũng như vinh danh để các cháu khác noi gương học tập…”, ông Dũng chia sẻ.
Từ phong trào khuyến học mà trình độ dân trí của dòng họ ngày càng được nâng cao. Tình cảm họ hàng thêm gần gũi, thân thiết, kinh tế phát triển mạnh. Hiện, khoảng 2/3 số hộ có kinh tế khá giả, không còn hộ nghèo.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Từ Sơn - cho biết, hàng năm Từ Sơn có tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng khá cao, có nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Theo ông Dũng, Ban khuyến học dòng họ Phan Đình được thành lập từ rất sớm và hoạt động hiệu quả.
“Qua nhiều năm hoạt động, Ban khuyến học của dòng họ đã có nhiều nội dung hoạt động phong phú như tổ chức trao cờ về gia đình học tập cho các gia đình có thành tích tốt trong học tập. Đồng thời, tổ chức thăm và động viên các cháu trước các kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT và đại học… những cháu học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm Ban khuyến học của dòng họ Phan Đình được chính quyền địa phương khen thưởng…”, ông Dũng thông tin.