Có một món canh quê, rất quê mà người quê hoặc gốc quê luôn luôn nhớ, luôn luôn thích - cả người quê xưa và người quê nay. Món gì? Xin thưa: Canh “tập tàng”!
Vậy, canh tập tàng là gì? Đơn giản, bạn cứ hình dung đó là một món canh rau… thập cẩm, nhiều loại rau bỏ vào nấu chung cùng cá, thịt - hoặc đơn giản chỉ cần nêm mắm, muối, bột ngọt cũng xong…
Gọi “thập cẩm” nhưng thực ra chủng loại rau dùng nấu canh tập tàng cũng đòi hỏi “luật chơi” tương đối nếu muốn nấu ra một xoong canh ngon. Một, không được dùng các loại rau nêm như hành, hẹ, rau mùi, rau răm. Hai, phải nấu bằng phần lớn các loại rau có vị ngọt, tính mát, ăn vào giải nhiệt.
Rau gì thì rau, khi nấu canh tập tàng, bao giờ người quê đất Phú Yên cũng phải cố tìm cho đủ 4 loại “cơ bản” – mà nếu thiếu 1, canh sẽ kém ngon ngay: Mồng tơi, rau bát, bồ ngót và măng vòi (loại “măng cành”, nứt từ thân chính của tre).
Để làm phong phú thêm hương vị “tập tàng”, có thể cho thêm nắm lá (hoặc trái) khổ qua! Ngoài ra, khi chủng loại rau cơ bản bị thiếu hoặc… hơi ít, người ta có thể cho thêm cà dĩa, mướp hoặc cả… lá ớt non!
Rau bồ ngót. |
Rau bát. |
Nấu canh tập tàng ư? Cũng đơn giản lắm, cứ cho thịt, cá (ít thôi, rau nấu canh đều đã có vị ngọt, nếu lạm dụng canh sẽ… quá ngọt, ăn lợ) vào xoong, đổ nước, đun sôi; sau đó cho hỗn hợp rau - quả “tập tàng” đã rửa sạch, thái nhỏ vào.
Đun to lửa cho canh sôi bùng; nêm nếm cho vừa là bắc ngay xuống, để sôi lâu rau sẽ bấy, mất màu xanh khiến canh trông kém hấp dẫn và ăn cũng kém ngon.
Canh tập tàng ăn vào mùa Hè thì mát lắm; mát đến… hai lần mát! Hãy khoan tính đến dược tính của các loại rau tập tàng, nội cái ngụm canh húp vào mang nguyên hương vị của vườn tược, làng mạc, ruộng đồng đã thấy mát tận vào tim gan, vào… tâm tưởng! Cái mát ấy còn được nhân đôi, nhân ba nơi những đứa con nặng lòng quê kiểng, đi suốt một đời chưa rửa sạch cái chân quê…