Rau tập tàng có nguồn gốc dân gian, thông qua kinh nghiệm con người lựa chọn thức ăn. Và có lẽ từ sự trải nghiệm đó mà giá trị thực phẩm của đĩa rau tập tàng trong bữa ăn khá lớn. Tuỳ theo mỗi vùng miền, tên gọi từng loại rau có khác nhau.
Nhưng chung lại rau tập tàng gồm các loại cây thân thảo như mè đất, đầu riều, ngắt ngo, bồ hôi, dền, thài lài, rau sam... và đọt non cây thân mộc cỡ nhỏ như sọng, càng cua, hay thân dây như cây sưng... Mỗi loại cây có mùi vị riêng, nhưng khi luộc chung qua nước sôi đến độ chín, rồi chấm với mắm cái, mắm nêm, mắm nước giã gừng tươi, ớt, tỏi hay xì dầu và trứng luộc sẽ thành món ăn ngon, hương vị đậm đà đặc biệt.
Về tính dược, rau bồ hôi chữa đau đầu viêm xoang; rau sam chữa lị và giun sán; mè đất, thài lài, tầm sọng, dền giải độc, kháng viêm; đầu riều, ngắt ngo, sưng, gừng bình ổn tì vị, chữa ngộ độc thức ăn do cá, cua... Thế mới thấy giá trị dinh dưỡng của món rau tập tàng phổ biến nơi làng quê Việt Nam, một bài thuốc tồn tại qua bao năm tháng.
Rau tập tàng ngon nhất vào mùa mưa, bởi nó gồm những loài cây mọc hoang, không ai chăm bón, tưới tiêu; khi trời khô hạn cây thiếu nước, đọt và lá cây vị đắng, rau không ngon. Mùa nắng, bí, mướp, rau muống, cà... được chăm bón tha hồ phát triển, cung cấp đầy đủ thực phẩm xanh cho bữa ăn mọi gia đình.
Nhưng rồi mùa đông kéo đến, lũ lụt tràn về, các loại rau mùa khô trở nên khan hiếm. Lúc này rau tập tàng lặng lẽ nảy chồi non cung ứng cho dân quê dưỡng chất chống chọi qua những ngày gió rét.
Bởi thế rau tập tàng chẳng những ngon từ hương vị tự nhiên, mà còn ngon tự đáy lòng những ai từng ăn và hiểu nó như hiểu nỗi niềm quê hương xứ sở.
Do rau mọc hoang khắp nơi, nên muốn có đĩa rau ngon thì mẹ già hay chị gái phải lặn lội trong vườn, ngoài gò, tìm trên bụi cao hay bên bờ đất thấp để hái.
Nhớ chiều đông rét mướt, trong gian nhà tranh đơn sơ, thân thuộc, gia đình quây quần bên bếp lửa hồng cháy đỏ bập bùng, bữa ăn đạm bạc rau tập tàng với cơm độn sắn khoai từng nâng đỡ cuộc sống đồng quê những khi cơ hàn nhất.