Thương nhớ canh rau tập tàng

Thương nhớ canh rau tập tàng

Mẹ cặm cụi gánh từng xô nước, tỉ mẩn dùng gáo dừa múc nước tưới từng gốc rau. Nụ cười của mẹ làm lòng tôi xốn xang. "Ngày mai mẹ sẽ nấu canh rau tập tàng".

Đám rau tập tàng ngậm nước mẹ tưới, hôm sau lá xanh non trở lại, mẹ cắp cái rổ be bé ra vườn hái rau. Những cụm rau tập tàng mới thật thân thương và dễ thương làm sao. Chúng nằm gọn lỏn trong rổ chờ bàn tay gầy guộc của mẹ rửa sạch và thái nhỏ cho vào nồi nước sôi. 

Thật kì lạ, khi ở quê, nhìn những đám rau tập tàng nhưng tôi lại có cảm giác nhớ quê đến da diết. Chắc cũng bởi vì đám rau tập tàng này.

Rau tập tàng, cái tên gọi quá dân dã, mộc mạc, bất kể người con của miền quê nào cũng đều nhung nhớ mỗi khi nhắc về. 

Rau tập tàng là tên gọi chung cho các loại rau dại có tên hoặc không chưa rõ tên ở quê tôi. Như rau tầm bóp, rau núi, rau tàu bay, rau nhót, rau mắt mèo… Thật bình yên và hạnh phúc biết nhường nào khi từ phố thị hối hả lại được về với quê nhà, trong không khí gia đình thân thuộc ấm cúng, cả nhà quây quần bên bữa cơm đạm bạc. 

Ngồi bên mâm cơm, hương bát canh rau tập tàng bốc tỏa lan tỏa thơm thơm bùi bùi quyện lẫn với vị cà pháo chua chua giòn giòn đánh thức mọi giác quan ngọt ngào. 

Mẹ nghẹn ngào kể lại chuyện ngày xưa thật là xưa. Cái thời còn gian khó ngày nào cả gia đình cũng ăn cơm với canh rau tập tàng, nhìn đám con nheo nhóc mỗi bữa ăn mẹ lại không cầm được nước mắt.

Những hôm khá khẩm hơn, ba từ đồng về mang theo chút tép đồng, mẹ rửa sạch cho vào nồi canh rau tập tàng. Vị ngọt của tép khiến đám con như bị thôi miên, cứ múc ăn mãi thôi. 

Bát canh rau tập tàng theo suốt những người con quê nghèo từ thuở bé thơ cho đến khi rời lũy tre làng lên phố. Giữa mùa hè trời nóng như rang lửa, có bát canh rau tập tàng ăn mát thấu tận tâm can. 

Mẹ vẫn nói đùa rằng canh rau tập tàng là canh rau của nhà nghèo. Mà cũng đúng quá, hồi xưa ở quê nhà giàu chẳng mấy ai ăn canh rau tập tàng. Thứ canh rau nhà nghèo ấy bây giờ ở phố hay bất cứ nơi đâu lại được coi là đặc sản. Khi cuộc sống quá sung túc, thịt thà ngập tràn con người lại tìm về với thiên nhiên, với những bữa cơm với canh rau tập tàng thanh khiết.

Nỗi nhớ về canh rau tập tàng khiến bên góc trái ngực của tôi lại nhói đau. Tôi nhớ có lần vì quá chán canh rau tập tàng tôi đã từng ước giá như mình không phải là đứa con của ba mẹ tôi, không phải sống trong gia đình nghèo khổ mà bữa cơm nào cũng phải ăn canh rau tập tàng. Tuy tôi không nói và thể hiện ra cho ba mẹ nhưng ít nhiều ba mẹ tôi đều hiểu được. 

Thoáng trong khuôn mặt chằng chịt đầy vết chân chim đó là nỗi buồn của mẹ. Nỗi buồn mà mãi cho đến về sau này khi tôi khôn lớn và và nhận ra tôi đã thấy bản thân mình thật có lỗi biết nhường nào. Nhưng rồi thời gian cũng trôi qua, xóa nhòa tất cả, bát canh rau tập tàng vẫn hiện diện trong mâm cơm của nỗi nhớ như một món ăn không thể tách rời.

Tôi dẫn đám bạn ở phố về quê chơi, chúng thích thú khi trong mâm cơm có bát canh rau tập tàng xanh mát mắt. Đám bạn vừa ăn vừa xuýt xoa rằng canh rau tập tàng như một món ăn đặc sản ăn không bao giờ biết chán. 

Ở phố bây giờ cũng chẳng thiếu thứ gì, rau tập tàng cũng không ngoại lệ, muốn ăn một bước ra chợ là có ngay mớ rau tập tàng, nhưng rau sạch hay không tôi cũng chẳng rõ, cảm giác khi ăn cứ nơm nớp lo ngại về an toàn thực phẩm. Người ta vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp các thủ đoạn để có được hàng hóa bán kể cả dùng thuốc bảo quan, kích thích rau, cho dù một mớ rau tập tàng chưa đến mười nghìn đồng.

Trưa nay ngồi ăn cơm bên gia đình với bát canh rau tập tàng lòng tôi lại rưng rưng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ