Sở dĩ có chuyện đó là bởi quê tôi vốn nghèo, ngay cả gạo ăn hầu như năm nào cũng thiếu đói trong mấy tháng giáp hạt, vì vậy mà mọi chi tiêu mua sắm trong sinh hoạt gia đình hàng ngày đều luôn phải ở mức tằn tiện. Rau xanh trồng trong vườn được ưu tiên để mang bán kiếm thêm thu nhập, trong khi rau dại thì mọc tràn lan ngoài bờ ruộng, ven đê, với đủ các loại. Nào là rau dền cơm, rau sam, rau dệu..., cho tới rau mảnh cộng, bìm bìm, vòi voi.
Tất cả các loại rau hỗn độn được hái chung vào, mang về nấu canh. Người dân quê tôi vẫn gọi đó là món canh rau tập tàng. Canh rau tập tàng, nếu gặp mùa trồng cây khoai lang, khoai tây, hay đậu đỗ..., thì còn được “bổ sung” thêm vài thứ lá rau nữa, khi người ta có thể hái thêm nắm rau lang, ngọn lá khoai tây, chút lá đậu đỗ non, rồi cho vào nấu chung, khiến cho nồi canh có đến cả gần chục loại rau nấu cùng.
Ngày ấy làm gì có mì chính (bột ngọt), chỉ nhà nào được gọi là khá giả mới mua được một ít để dành ăn trong các dịp cỗ bàn, Tết nhất, chứ nhà nghèo như gia đình tôi chỉ nấu canh suông, nghĩa là không mì chính, không dầu mỡ, chỉ có rau tập tàng và nêm chút muối mà thôi. Ấy vậy mà món canh rau tập tàng sao mà vẫn ngon ngọt như thường, khi cả nhà chỉ cần có tô canh, bát cà pháo muối chua là ai cũng ăn qua bữa cơm vô cùng ngon miệng.
Món canh rau tập tàng đã theo tôi đi qua suốt những năm tháng tuổi thơ, đến mức giờ cứ mỗi lần nhớ về bữa cơm gia đình là nghĩ ngay đến nó. Bây giờ ở phố, tôi cũng bắt gặp người ta bán các loại rau hỗn độn là: dền cơm, rau sam, rau dệu..., tôi cũng vài lần mua về, nhưng sau không thấy ngon ngọt bằng khi xưa.
Đã xa rồi tuổi thơ từ lâu lắm, tạm biệt một thời nghèo khó, thiếu đói, nhưng đúng là trong tôi không bao giờ có thể quên được biết bao những kỷ niệm tuổi thơ đã hằn sâu vào trong ký ức, trong đó có những buổi chiều chạng vạng dưới ánh hoàng hôn cùng lũ trẻ trong xóm chạy quanh các bờ ruộng hái rau dại về để mẹ chế biến món canh rau tập tàng. Món canh rau mộc mạc, giản dị nhưng đã nuôi sống và dìu dắt tôi cũng như biết bao người dân thôn quê vượt qua khó khăn thiếu đói để tiến tới sự đủ đầy, khấm khá hơn của ngày hôm nay...