Thung lũng Cuyahoga: Thiên đường trở lại

GD&TĐ - Trưa ngày 22/6/1969, dòng sông Cuyahoga ở Ohio (Mỹ) bốc cháy. Đây là lần thứ 13, con sông này phát hỏa, tàn phá sự sống dưới nước và ven bờ.

Một góc đầm lầy theo mùa trong thung lũng Cuyahoga ngày nay.
Một góc đầm lầy theo mùa trong thung lũng Cuyahoga ngày nay.

Thập niên 1970, Cuyahoga tử vong sinh thái, kéo theo cái chết của thung lũng cùng tên. 

Thảm họa cháy sông

Cuyahoga dài 136,6 km, uốn lượn quanh co Đông Bắc Ohio, chia đôi thành phố Cleveland và đổ vào hồ Erie. Từ thế kỷ XIX, Cleveland phát triển công nghiệp nặng, biến Cuyahoga thành “dòng sông hóa chất” vì xả thải. Dọc hai bờ Cuyahoga, hầm chứa chất thải công nghiệp độc hại đua nhau mọc ra.

Năm 1868, Cuyahoga bốc cháy lần đầu tiên. Thế kỷ XX, nó liên tiếp phát hỏa. Năm 1912, thảm họa cháy sông Cuyahoga giết chết 5 công nhân bến tàu. Năm 1952, cháy sông Cuyahoga gây thiệt hại 1,3 triệu USD.

Ngày 22/6/1969, một tia lửa đã rơi khỏi đường ray trên cây cầu bắc ngang sông Cuyahoga, đáp trúng hầm chứa chất thải công nghiệp bên dưới. Ngọn lửa bùng lên cao ngang tòa nhà 5 tầng, đốt cháy cả mặt nước lẫn cây cầu.

Thuyền cứu hỏa có mặt ngay lập tức, nhưng phải mất 20 – 30 phút mới dập được đám cháy. Kết thúc, 2 cây cầu đường sắt thiệt hại nặng, ước tính tổn thất 50 nghìn USD.

“Sông Cuyahoga đã chết. Nó không chỉ vắng tôm cá mà thật sự không có một loài nào sống được”, nhà sinh thái thực vật học Chris Davis (Mỹ) nhớ lại. Ngay cả thung lũng Cuyahoga, vùng đất tự nhiên bám theo 2 bờ cũng nhiễm độc nghiêm trọng.

Ngoài ngấm độc từ nước sông bị ô nhiễm, thung lũng Cuyahoga còn từng chứa bãi rác Krejci. Đó là khu đất rộng 45 mẫu Anh, bị quy hoạch làm bãi phế liệu suốt từ năm 1948 – 1980. Trên toàn diện tích của nó, phế liệu phương tiện và hàng nghìn thùng hóa chất độc hại chất thành đống. 

Trước năm 1970, sông Cuyahoga đã 13 lần bốc cháy.

Trước năm 1970, sông Cuyahoga đã 13 lần bốc cháy.

Nỗ lực khử độc

Cũng trong năm 1969 tại Mỹ, xảy ra sự cố tràn dầu ngoài khơi Santa Barbara, California. Khoảng 3 triệu gallon dầu đã đổ, gây vết loang dài 35 dặm, giết chết hàng nghìn con chim và động vật biển có vú.

Cộng với thảm họa cháy sông Cuyahoga, các nhà bảo vệ môi trường gây áp lực lên Quốc hội, đòi thông qua Đạo luật Nước sạch. Năm 1974, Tổng thống Gerald Ford (1913 – 2006) ký dự luật thành lập Khu giải trí Quốc gia Thung lũng Cuyahoga. Trên 30 nghìn mẫu Anh diện tích thung lũng Cuyahoga và 1/4 chiều dài sông Cuyahoga được đưa vào diện phục hồi.

Cơ quan Công viên Quốc gia (The National Park Service – TNPS) phụ trách xây dựng Khu giải trí Quốc gia Thung lũng Cuyahoga. Năm 1985, TNPS mua lại bãi rác Krejci.

Kiểm tra đất cho thấy, Krejci nhiễm 4 hóa chất siêu độc hại: PCB, benzen, cadmium và chì. Năm 1987, TNPS tiến hành đợt dọn dẹp đầu tiên, loại bỏ 371 nghìn tấn đất và vật liệu nhiễm độc.

Năm 1997, Chính phủ Mỹ tiếp nhận đơn kiện các tổ chức, cá nhân từng gây ô nhiễm lên Cuyahoga, xử phạt hành chính. Chỉ riêng đối với bãi rác Krejci, có 6 công ty bị quy trách nhiệm và tổng tiền phạt lên tới 60 triệu USD.

Toàn bộ số tiền phạt này được đem tài trợ công việc dọn dẹp và khử độc Krejci. Năm 2002, thêm 375 tấn đất ô nhiễm bị loại bỏ. Bình quân, Krejci bị đào sâu và loại bỏ 7,6m đất bề mặt.

Năm 2012, TNPS phân loại khu vực và trồng thử nghiệm 3,5 mẫu cỏ, hoa dại, cói bản địa. Những năm tiếp theo, họ tiếp tục khử độc đất và trồng cây. Cùng với đó, nước sông Cuyahoga cũng được xử lý. 

Khoảng 7,6m đất bãi thải Krejci đã bị đào lên và đổ bỏ vì nhiễm độc hóa chất quá trầm trọng.

Khoảng 7,6m đất bãi thải Krejci đã bị đào lên và đổ bỏ vì nhiễm độc hóa chất quá trầm trọng.

Thiên đường trở lại

Năm 2008, khảo sát sự sống lòng sông Cuyahoga cho thấy, có 44 loại cá đã trở lại. Tháng 3/2019, Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (U.S. Environmental Protection Agency) tuyên bố, các loại cá trên sông Cuyahoga như cá chép, cá da trơn… đã an toàn để ăn.

Hiện, có khoảng 70 loài cá phát triển mạnh trong dòng Cuyahoga. “Mọi người có thể nhìn thấy cá nhảy lên khỏi mặt nước”, Jane Goodman (Mỹ) hạnh phúc giới thiệu.

Thung lũng Cuyahoga còn sinh sôi mạnh mẽ hơn. Toàn bộ diện tích 32.572 mẫu Anh của nó được thực vật phủ kín. Các điểm tham quan tự nhiên, nhân tạo, tư nhân xuất hiện. Chỉ tính riêng các thác lớn, nhỏ, thung lũng này đã có 100, nổi bật nhất là thác Brandywine (cao 20m).

Khắp thung lũng Cuyahoga, động vật trở lại. Chúng bao gồm nhiều loài độc đáo, ví dụ như gấu mèo, sói đồng cỏ, cáo đỏ… và rất nhiều loại chim. Ở các vùng đầm lầy ngập nước, chim chóc đông đúc đến nỗi được quy thành điểm ngắm chim hoang dã.

Năm 2000, Khu giải trí Quốc gia Thung lũng Cuyahoga được đổi tên thành Vườn Quốc gia Thung lũng Cuyahoga (Cuyahoga Valley National Park - CVNP). Ngoại trừ thế giới tự nhiên đa dạng sinh thái, cảnh quan tuyệt đẹp, CVNP còn một số nông trại và làng, phục hồi và bảo tồn nghề nông thế kỷ XIX. Thỉnh thoảng, CVNP tổ chức triển lãm, hòa nhạc, biểu diễn, lễ hội…

Giờ đây, thung lũng và dòng chảy Cuyahoga không còn vết tích thảm họa sinh thái nào. “Chúng tôi là ví dụ tiêu biểu cho những gì có thể xảy ra, nhưng cũng là tấm gương phục hồi”, Goodman tự hào. Sự tái sinh của Cuyahoga là bằng chứng, khẳng định con người có thể cứu sinh thái và đem thiên đường tự nhiên trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.
Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.