Woodman Point: Thiên đường hôm nay, địa ngục hôm qua!

GD&TĐ - Woodman Point là một trong những công viên bên bờ biển đẹp nhất tại Perth với khung cảnh hoang sơ, không gian trải dài màu xanh dịu mát.

Trung tâm cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm tại Woodman Point.
Trung tâm cách ly người mắc bệnh truyền nhiễm tại Woodman Point.

Trước khung cảnh này, hầu hết du khách đều không tin rằng Woodman Point từng là “điểm tập kết” của các trận đại dịch trong quá khứ.

Lịch sử ra đời

Trong đại dịch Covid-19, người Australia có thể tự cách ly tại nhà hoặc tại các khách sạn năm sao. Tuy nhiên, một thế kỷ trước, cha ông của họ bị đưa đến trạm kiểm dịch khắc nghiệt tại Woodman Point, một mũi đất trên bờ biển bang Tây Australia.

Từ tháng 1/1832, James Stirling, Thống đốc bang Tây Australia, đã nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của dịch bệnh khi chứng kiến lượng lớn người và động vật di chuyển từ nước này qua nước khác bằng tàu thủy. Ông đã yêu cầu hội đồng lập pháp hành động để bảo vệ người dân trong khu vực.

Đầu tiên, chính quyền dự tính sử dụng đảo Carnac làm trạm kiểm dịch bệnh truyền nhiễm ngoài khơi. Kế hoạch nhanh chóng bị phản đối bởi hòn đảo này thiếu nguồn nước sạch. Tuy nhiên, người dân thành phố Fremantle không cho phép sử dụng đất liền làm nơi kiểm dịch. Đến cuối năm 1885, bang Tây Australia mới thống nhất thành lập trạm kiểm dịch lâu dài tại Woodman Point.

Trạm kiểm dịch được đặt trên khu đất rộng lớn ở Woodman Point, vùng ngoại ô phía Nam của thành phố Perth. Hầu hết các tòa nhà nằm tại khu trung tâm được lợp bằng amiăng, gồm khu nhà ở cho khách, khu nhà ở cho nhân viên y tế, phòng phẫu thuật, nhà ăn đi liền với nhà bếp, khu khử trùng. Cách khu trung tâm về phía đông là khu vực cách ly.

Vào đầu thế kỷ 19, trạm kiểm dịch Woodman Point phải hoạt động hết công suất do hai thành phố Perth và Fremantle đều chịu những dịch bệnh chết người. Từ năm 1886 -1979, hàng trăm nạn nhân của các bệnh truyền nhiễm như cúm Tây Ban Nha, dịch hạch, đậu mùa, phong được đưa đến đây để tách khỏi xã hội.

Tàu Boonah chở theo hơn 300 người nhiễm cúm Tây Ban Nha.
Tàu Boonah chở theo hơn 300 người nhiễm cúm Tây Ban Nha.

Từ năm 1900 - 1926, 12 đợt dịch bùng phát tại Australia khi các con tàu giao thương mang theo chuột, bọ chét truyền bệnh cho người. Một bệnh truyền nhiễm khác “cập bến” Australia từ Đông Nam Á là thủy đậu và tiếp tục gây nguy hiểm cho người dân đến giữa thế kỷ 20.

Nguy hiểm hơn là bệnh phong. Dù không phổ biến nhưng căn bệnh này rất dễ lây lan và gần như không thể chữa khỏi. Người nhiễm bệnh phải sống cô độc suốt phần đời còn lại trong trạm kiểm dịch.

Một vấn đề đặt ra cho Woodman Point vào thời điểm đó là xử lý hài cốt của người nhiễm bệnh. Ban đầu, họ thành lập nghĩa trang nhỏ trong khuôn viên nhà ga, nhưng bị người dân xung quanh phản đối vì lo ngại về vấn đề ô nhiễm nguồn đất, nước. Vì vậy, các nhà chức trách chọn phương pháp xây lò hỏa táng vào năm 1901.

Địa ngục nổi

Khu vực điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm.
Khu vực điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm.

Chiến tranh thế giới kết thúc đem đến mối đe dọa chết người cho trạm kiểm dịch Woodman Point. Các cuộc xung đột quân sự trở thành cơ hội để virus lây lan khi lượng lớn binh sĩ chiến đấu tại nước ngoài nhiễm bệnh và mang virus về quê hương, trong đó phải nhắc đến bệnh cúm Tây Ban Nha.

Bệnh cúm Tây Ban Nha không bắt đầu ở Tây Ban Nha nhưng quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh. Một giả thuyết cho rằng virus này lây nhiễm từ chim sang lợn, sau đó truyền sang người tại một khu vực y tế ở thị trấn cảng Etaples, Pháp, vào năm 1916. Số khác cho rằng nó có nguồn gốc từ bang Kansas, Mỹ hoặc đến từ châu Á.

Tính tới tháng 12/2020, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 900 người Australia. Tuy nhiên, dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát vào năm 1919 đã giết chết hơn 12.000 người Australia, lây nhiễm cho 1/3 dân số quốc gia này.

Vì không có vắc-xin, số người chết vì cúm Tây Ban Nha trên toàn thế giới lên tới 50 triệu người. Đại dịch này đã tạo nên sự căng thẳng ở Australia thậm chí lớn hơn Covid-19 hiện nay. Và Woodman Point là trung tâm của căn bệnh truyền nhiễm này. Theo lời thuyết minh của các hướng dẫn viên du lịch, Woodman Point từng là trung tâm cách ly đại dịch cúm Tây Ban Nha tại Perth ngay khi Thế chiến thứ nhất kết thúc.

Tháng 12/1918, tàu Boonah, do nhóm tình nguyện Friends of Woodman Point Recreation điều hành, chở hơn 1.000 binh sĩ Australia từ Nam Phi đến Mặt trận phía Tây nhưng cuộc chiến kết thúc, con tàu ở lại Tây Australia.

Những binh lính bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau họng, tức ngực và khó thở. Họ được chẩn đoán mắc cúm Tây Ban Nha, căn bệnh đang gieo rắc sự chết chóc trên toàn thế giới lúc bấy giờ. 20 y tá trên tàu đã tình nguyện chăm sóc những người nhiễm bệnh và người hấp hối.

Từ Nam Phi, những người lính đã mang theo mầm bệnh cúm Tây Ban Nha và làm bùng phát dịch trên tàu. Trong nhiều tuần, con tàu được điều chuyển từ cảng này sang cảng khác. Một tờ báo mô tả Boonah là “địa ngục nổi”. Khi Boonah đến thành phố Fremantle, bang Tây Australia, Thủ hiến Henry Lefroy đã từ chối cho tàu cập bến vì không muốn dịch bệnh lây lan tại đây. Tuy nhiên, trước áp lực từ truyền thông và người dân, Boonah cuối cùng được phép đỗ tại Fremantle.

Jenni Carder, Chủ tịch của câu lạc bộ Friends of Woodman Point, cho biết những người trên tàu đã rất đau lòng khi đến gần quê hương nhưng vẫn bị chia cách với gia đình. “Nhiều người trên tàu không chịu đựng nổi khi nhìn thấy ánh đèn từ thành phố Fremantle. Họ biết gia đình đang đợi nhưng không thể rời tàu vì phải bảo vệ người thân khỏi bệnh cúm Tây Ban Nha”, bà Carder nói.

Khi cập bến Fremantle, hơn 300 người đàn ông trên tàu nhiễm bệnh. Người ta sử dụng con tàu nhỏ hơn, tên Reliance, để chở người bệnh đến trạm cách ly tại Woodman Point. Vào thời điểm đó, hầu hết người đến Tây Australia bằng thuyền, bị nghi ngờ nhiễm bệnh đều buộc phải vào trạm kiểm dịch.

Trung tâm cách ly chỉ được trang bị cho tối đa 40 bệnh nhân. Khi hết chỗ, lều dã chiến được dựng nên làm cơ sở chăm sóc ngoài trời. Ở đó, người bệnh phải tuân thủ lệnh cách ly nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, trong 12 tháng tiếp theo, hơn 30 bệnh nhân qua đời, trong đó có khoảng 26 binh lính và 4 nhân viên y tế. Họ được chôn cất tại khu rừng rậm ở Woodman Point. Những nhân viên y tế, binh lính chết vì cúm Tây Ban Nha được đặt bia, ảnh tưởng niệm tại Woodman Point cho đến bây giờ.

Hầu hết bệnh nhân còn lại đều “vượt qua cửa tử”. Trong nhóm này có nhiều chức sắc nổi tiếng như William Booth, nhà sáng lập tổ chức từ thiện Cứu Thế Quân, Porrit, lãnh sự Hoa Kỳ tại Australia.

Sau sự kiện Trân Châu Cảng năm 1941, Woodman Point trở thành nhà tù vũ trang với các tháp canh, dây thép gai. Đây là nơi giam giữ kẻ thù của Nhật Bản, được các con tàu vận chuyển đưa đến.

Nhân viên y tế làm việc tại Woodman Point.
Nhân viên y tế làm việc tại Woodman Point.

Lời đồn ma quái

Sau hơn 90 năm làm nơi cách ly những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới như lao, phong, thủy đậu, cúm Tây Ban Nha, Woodman Point trở thành bảo tàng lịch sử. Nơi đây được đồn bị ma ám nên thu hút sự tò mò, quan tâm của nhiều du khách can đảm.

Tháng 10/2018, một số nhà báo ở Tây Australia khẳng định gặp hồn ma người chết vì bệnh dịch hạch năm 1886. Rebecca Millman, người tổ chức tour tham quan kinh dị cho biết, khi các nhà báo tiến vào khu nhà chính của trạm kiểm dịch, cô nghe thấy tiếng bé trai hát bài “Ring a ring a rosie”, một bài hát cũ liên quan đến bệnh dịch hạch. Họ nhận định bé trai này đang muốn tiết lộ nguyên nhân cái chết của mình.

Máy ảnh không ghi lại bất kỳ hoạt động huyền bí nào nhưng họ khẳng định cảm nhận được sự bất thường xung quanh.

Có 10 năm kinh nghiệm tổ chức du lịch kinh dị tại Woodman Point, Millman cho rằng các hồn ma có cách giao tiếp đặc biệt với con người. Du khách hoàn toàn có thể cảm nhận được sự hiện diện của họ.

Millman cho biết: “Đôi khi họ sẽ huýt sáo, đôi khi lại rên rỉ. Chúng tôi cố gắng kết nối với họ qua bóng đèn hoặc các thiết bị điện. Họ có thể bật tắt chúng để biểu đạt”.

Mỗi năm một lần, Millman sẽ tổ chức chuyến tham quan kinh dị tại Woodman Point, kéo dài hai ngày một đêm. Cô khuyến khích du khách tìm đến đăng ký với tâm hồn rộng mở. Những lời đồn về sự xuất hiện của các linh hồn tại Woodman Point vẫn là thắc mắc mà các nhà khoa học Australia chưa thể lý giải.

Woodman Point được ví là “thiên đường trên mặt đất”.
Woodman Point được ví là “thiên đường trên mặt đất”.

Thiên đường trên mặt đất

Sự phát triển của ngành Khoa học y tế cho phép các bệnh viện hiện đại kiêm nhiệm vai trò của các trạm kiểm dịch. Vì lẽ đó, Woodman Point bị đóng cửa vào năm 1978. Sau đó một năm, nơi này được chính quyền bang Tây Australia tiếp quản và được xây dựng thành khu du lịch giải trí cho đến nay.

Woodman Point hiện được chia làm ba phần. Khu vực trung tâm của trạm kiểm dịch được bảo tồn như lời nhắc nhở về các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong quá khứ. Bên cạnh đó, chính quyền cho xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe và khu du lịch giải trí.

Du khách đăng ký tour du lịch Woodman Point có cơ hội tham quan lò hỏa táng, một trong những lò hỏa táng được bảo quản tốt và lâu đời nhất tại Australia, được nghe hướng dẫn viên du lịch thuật lại những năm tháng đau thương của trạm kiểm dịch.

Woodman Point hiện là điểm du lịch nổi tiếng tại bang Tây Australia.
Woodman Point hiện là điểm du lịch nổi tiếng tại bang Tây Australia.

Nhiều du khách đến Woodman Point không biết về những sự kiện ảm đạm đã diễn ra tại đây một thế kỷ trước. Du khách bị ấn tượng bởi vẻ đẹp của công viên Woodman Point, dài hơn 2 km dọc theo bờ biển ở ngoại ô Coogee.

Nơi đây tự hào có những bãi biển trong xanh và các hoạt động giải trí như câu cá, chèo thuyền, lướt ván, cắm trại, tiệc nướng. Trong 100 năm, Woodman Point đã biến đổi từ cơn ác mộng đại dịch thành giấc mơ bên đại dương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ