Giải pháp trước diễn biến khó lường của dịch bệnh truyền nhiễm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trong vòng 50 năm qua, vắc-xin đã cứu sống gần 154 triệu người trên toàn thế giới.

Vài năm trở lại đây, nước ta đã trải qua sự sụt giảm liên tục về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em. Ảnh minh hoạ
Vài năm trở lại đây, nước ta đã trải qua sự sụt giảm liên tục về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em. Ảnh minh hoạ

Theo các chuyên gia, do tại nhiều nơi người dân không có điều kiện tiếp cận vắc-xin dịch vụ, lại bị trì hoãn tiêm vắc-xin miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua nên nguy cơ xuất hiện “khoảng trống miễn dịch” là rất lớn.

Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trong vòng 50 năm qua, vắc-xin đã cứu sống gần 154 triệu người trên toàn thế giới - tương đương với hơn 3 triệu người mỗi năm.

Song, với tác động của Covid-19, hàng loạt quốc gia trên toàn cầu đã phải trải qua sự sụt giảm liên tục về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em dẫn tới nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ quay lại, trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân là do các dịch vụ y tế bị gián đoạn, trung tâm y tế phải đóng cửa, gia đình thực hiện giãn cách xã hội và việc xuất nhập khẩu vắc-xin, bơm kim tiêm cũng như vật tư y tế khác cho tiêm chủng định kỳ cũng gặp nhiều gián đoạn.

Vài năm trở lại đây, nước ta đã trải qua sự sụt giảm liên tục về tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em nhiều nhất kể từ khi Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia được thành lập. Thậm chí, WHO đánh giá, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số lượng trẻ em chưa được tiêm chủng cao nhất trên toàn thế giới.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 160 trường hợp mắc sởi và phát ban nghi sởi (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Riêng tại Hà Nội, sau hơn 1 năm không ghi nhận ca bệnh, mới đây, trên địa bàn Thủ đô đã có trường hợp mắc sởi đầu tiên trong năm nay. Các chuyên gia lo ngại, theo chu kỳ 4 - 5 năm/lần thì năm nay, dịch sởi có nguy cơ bùng phát.

Cùng với sởi, hiện cả nước ghi nhận 118 trường hợp mắc ho gà (tăng 7,4 lần so với cùng kỳ năm 2023). Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có 46 trường hợp mắc ho gà tại 20 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh. Bệnh nhân là trẻ dưới 2 tháng tuổi chiếm 52,2% và 70% số này là do chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.

Cũng gia tăng các ca bệnh, hiện cả nước ghi nhận 12.152 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023). Riêng trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 778 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023) và 18 ổ dịch.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế, Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, trong đó có các bệnh như sởi, ho gà, cúm gia cầm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ