Hệ lụy khi 'đứt gãy' tiêm chủng

GD&TĐ - Để có thể phòng bệnh hiệu quả, cần tuân thủ hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế.

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em '0 liều vắc-xin' nhiều nhất thế giới. Ảnh minh họa
Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em '0 liều vắc-xin' nhiều nhất thế giới. Ảnh minh họa

Trong trường hợp tiêm không đủ liều, không đúng lịch, trẻ vẫn có thể mắc khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

Gián đoạn tiêm chủng

Một số phụ huynh cho rằng, khi nào có dịch thì mới cần cho trẻ đi tiêm phòng. Song, thực tế, việc tiêm chủng ngay trong thời điểm dịch bùng phát cũng có thể không giúp bảo vệ trẻ trước nguy cơ.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 20 loại vắc‐xin được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella... Đặc biệt, tỷ lệ uống vắc‐xin bOPV và tiêm IPV phòng ngừa bại liệt của cả năm 2021 chỉ đạt lần lượt 67% và 80%; năm 2022 đạt 70% và 90%.

Bà Lesley Miller - Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: Khi đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả Việt Nam, đặc biệt là do nhu cầu tăng cao đối với hệ thống y tế, điều chuyển nguồn lực tiêm chủng thường xuyên sang tiêm chủng chiến dịch vắc-xin Covid-19, sự thiếu hụt nhân viên y tế và thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà. Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ trong công tác mua sắm cung ứng vắc-xin hiện nay”.

Bà Miller bày tỏ quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là sởi. Trẻ em được sinh ra ngay trước hoặc trong thời gian xảy ra đại dịch, đang bước qua độ tuổi thông thường đã được tiêm chủng.

Điều này cho thấy sự cần thiết phải hành động một cách nhanh chóng, cấp thiết. Từ đó, nhằm kịp thời tiêm phòng cho những trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời, ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người.

Nguy cơ mắc bệnh do tiêm chủng không đúng lịch

Việc hoàn thành lịch tiêm chủng cơ bản đúng thời điểm là quan trọng nhất. Ảnh minh họa

Việc hoàn thành lịch tiêm chủng cơ bản đúng thời điểm là quan trọng nhất. Ảnh minh họa

Theo BSCKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khi được tiêm ngừa một loại vắc-xin, cơ thể sẽ phòng được bệnh với tác nhân gây bệnh tương ứng. Sau khi tiêm ngừa tùy theo từng loại vắc-xin, cơ địa của mỗi người sẽ có sự đáp ứng miễn dịch khác nhau.

Có loại vắc-xin tiêm 1 mũi. Trong khi đó, cũng có loại vắc-xin phải tiêm nhiều mũi theo lịch hẹn thì mới có thể phòng được bệnh. Không vắc-xin nào có đáp ứng miễn dịch 100%. Do đó, cần phải tuân thủ theo hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ tư vấn.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho trẻ đi tiêm ngừa vắc-xin nhưng không đúng lịch. Chia sẻ về vấn đề này, theo BSCKI Bạch Thị Chính, mỗi loại vắc-xin đưa vào sử dụng đều đã được nghiên cứu về tính an toàn, hiệu lực, hiệu quả, liều lượng, đường tiêm, lịch tiêm chủng theo những quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế.

Do đó, để có thể phòng bệnh hiệu quả, cần tuân thủ hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế. Trong trường hợp tiêm không đủ liều, không đúng lịch, trẻ vẫn có thể mắc khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

“Vì lý do nào đó, trẻ hoãn tiêm do bệnh trong ngày tiêm chủng hoặc phụ huynh quên không đưa trẻ đến tiêm ngừa đúng lịch, thì nên đưa trẻ đến điểm tiêm chủng sớm nhất để được tư vấn và tiếp tục tiêm đầy đủ cho bé”, chuyên gia khuyến cáo.

Theo bác sĩ Chính, sau khi tiêm ngừa, có thể có những phản ứng tại chỗ tiêm như sưng, nóng, đỏ, đau hoặc những phản ứng toàn thân nhẹ gồm sốt, biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc… hoặc những phản ứng nặng như sốc phản vệ. Những phản ứng nhẹ sẽ tự khỏi sau 1 đến 2 ngày. Những phản ứng nặng phải được phát hiện sớm và xử trí kịp thời để tránh nguy hiểm cho trẻ.

“Tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch cho trẻ là giải pháp tốt nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện đã có vắc-xin. Vì vậy, nếu có những thắc mắc về tiêm chủng, phụ huynh nên hỏi nhân viên tại trạm y tế nơi mình cư ngụ để được hướng dẫn đầy đủ và kịp thời”, bác sĩ Chính cho biết.

Theo Trung tâm Dịch vụ Y tế Dự phòng - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, việc tăng khoảng cách giữa các mũi tiêm vắc-xin cơ bản hoặc mũi tiêm nhắc lại không có ghi nhận nào về khả năng làm giảm hiệu lực của vắc-xin. Tuy nhiên, việc hoàn thành lịch tiêm chủng cơ bản đúng thời điểm là quan trọng nhất.

Từ đó, để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tối ưu của vắc-xin. Trong trường hợp vì một lý do nào đó mà trẻ không thể tiêm đúng lịch như: Sức khỏe của trẻ tại thời điểm tiêm vắc-xin không đảm bảo, thiếu hụt vắc-xin không có lựa chọn thay thế nên bị trì hoãn tiêm… thì cần tiếp tục tiêm cho trẻ sớm nhất ngay khi có thể.

Nguyên tắc chung khi trẻ bị muộn lịch tiêm là tiếp tục tiêm ngay thời điểm trẻ có thể quay lại nơi tiêm chủng. Việc tiêm vắc-xin bị muộn cũng không cần phải tiêm bắt đầu lại các mũi vắc-xin nếu trẻ vẫn còn trong độ tuổi chỉ định tiêm với các thành phần trong vắc-xin dạng phối hợp. Ví dụ, tuổi tối đa để tiêm vắc-xin viêm màng não do (HIB) là 5 tuổi. Để phòng bệnh thì phải tiêm đủ số mũi cho trẻ trong độ tuổi này.

Việc tiêm nhắc lại các mũi vắc-xin theo đúng lịch là vô cùng cần thiết. Bởi, sau khi tiêm đủ liều các mũi tiêm cơ bản, kháng thể tạo ra sẽ có tác dụng bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với một số loại vắc-xin, lượng kháng thể này sẽ giảm dần theo thời gian.

Khi đó, hệ miễn dịch của trẻ có thể không đủ khả năng chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Vì vậy, việc tiêm nhắc lại sẽ giúp tăng cường hiệu quả bảo vệ của hệ miễn dịch.

Nhiều loại vắc-xin cần được tiêm nhắc lại như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não (HIB), thủy đậu, bại liệt, phế cầu... Khoảng cách thời gian tiêm nhắc lại tùy thuộc vào khuyến cáo từ nhà sản xuất và kết quả thử nghiệm lâm sàng của tùy loại.

Tại Việt Nam, hiện nay, có hai hình thức tiêm phòng vắc-xin. Đó là tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu triển khai từ năm 1981. Sau hơn 40 năm, chương trình đã mở rộng cả về quy mô và số lượng tiêm chủng.

Đến nay, trẻ được tiêm miễn phí vắc-xin phòng 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến. Nhờ đó, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, khống chế bệnh sởi, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do nhiều loại bệnh truyền nhiễm gây ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.