“Lập dị”, “điên cuồng”, “kỳ quặc”… là những từ ngữ người ta từng dùng để miêu tả về nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh - người đã dành tâm huyết hơn nửa cuộc đời cho ngôi chùa và cũng là nghĩa trang thú cưng đầu tiên tại Việt Nam.
Ngôi chùa “độc nhất vô nhị”
Nằm nép mình trong con ngõ nhỏ của phố Trương Định đông đúc, ồn ào có một ngôi chùa nhỏ mang tên “Tề Đồng Vật Ngã”. Ngôi chùa ở trong khuôn viên tư dinh của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh. Người dân sống quanh khu vực này không ai là không biết chủ nhân đặc biệt của ngôi chùa và cái nghĩa trang lạ lùng kia.
“Các cháu đi thẳng vào ngõ 167 Trương Định, đầu ngõ có tấm biển Trại Chó Mèo, đi thẳng hết ngõ là tới nơi. Gọi là ngôi chùa hoặc nghĩa trang đều đúng, bởi nơi đây là chốn an nghỉ của riêng các bạn chó, mèo. Các con vật nhưng được mai táng không khác gì con người”, bà Nguyễn Thị Lụa (62 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ dẫn cho chúng tôi.
Bước qua cánh cổng vào khu đất có diện tích gần 2.000 mét vuông là một không gian thoáng đãng, yên tĩnh cách biệt với sự xô bồ bên ngoài. Những bức ảnh, tượng Phật được đặt ngay lối vào.
Người đặt nền móng và duy trì hoạt động của nghĩa trang tư nhân này là nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh (87 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), còn được mọi người biết đến với những biệt danh “quái kiệt Hà thành”, “trai già phố cổ”, “vua chó mèo”.
Ông Nguyễn Bảo Sinh - chủ nghĩa trang thú cưng đầu tiên tại Việt Nam. |
Giới thiệu về khu nghĩa trang đặc biệt này, ông Bảo Sinh cho biết đây là nơi đầu tiên trên cả nước cung cấp dịch vụ mai táng với các nghi lễ bài bản nhất, từ cầu siêu, phóng sinh, hỏa thiêu... dành cho thú cưng.
Cái tên “Tề Đồng Vật Ngã” được ông đặt với quan niệm của đạo Phật rằng chúng sinh, con người và muôn vật đều bình đẳng vậy nên con vật khi mất cũng cần được an táng, cầu siêu.
Ngoài ông Sinh, nơi này còn khoảng 10 nhân viên phụ trách các công việc khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Nga (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong số nhân viên làm việc tại đây. Chị cho biết vài chục năm trước, nơi đây là khách sạn kiêm bệnh viện thú y lớn nhất Thủ đô.
Vì vậy hiện tại, ở một góc nhỏ trong chùa, ông Sinh vẫn còn giữ lại một phòng khám thú y chữa bệnh cho những động vật nhỏ. Tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm, chị Nga có kiến thức về lĩnh vực thú y nên ngoài phụ giúp công việc ở chùa, chị còn đỡ đần ông Sinh những công việc ở phòng khám.
“Vua chó mèo” nhớ lại những năm 70 là khoảng thời gian đánh dấu bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp mai táng thú cưng của ông. Khi chú chó tên Ami của ông chẳng may qua đời, vì thương nhớ người bạn trung thành đã gắn bó với mình, ông Sinh đã đem chôn cất Ami ở trong vườn nhà.
Sau này khi thành lập nơi an táng thú cưng, ông đặt bia mộ của Ami ở chính giữa và gọi là “mộ tổ”. Ban đầu, ông Sinh chỉ chôn những chú chó, mèo của mình và của những bạn bè có tình yêu với động vật giống mình. Lấy đó làm tiền đề, sau này trên khu đất rộng ông đã quy hoạch và thiết kế thêm một nghĩa trang với quy mô lớn như hiện nay.
“Những ngày đầu khi mọi người biết tôi mai táng những chú cún, chú mèo, họ đều cho rằng tôi bị điên nên mới làm ra những hành vi quá khích, không thể chấp nhận được. Thậm chí có người còn tới đây gây rối, lăng mạ và ném đá vào tôi. Thế nhưng tôi không quá quan trọng thái độ bài xích đó vì luôn nghĩ mỗi người một quan điểm khác nhau, không thể bắt họ phải nghĩ như mình được”, chủ nghĩa trang thú cưng tâm sự.
Ông Sinh cho biết, ở Việt Nam thời kỳ đó việc tạo dựng một nơi yên nghỉ cho thú cưng còn khá xa lạ nhưng thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã xuất hiện các nghĩa trang dành cho động vật.
Từ năm 1899, một “Nghĩa trang chó và các loại vật nuôi khác” đã được người dân Pháp xây dựng bên bờ sông Seine (thuộc vùng ngoại ô nước Pháp). Đến nay, người dân của Kinh đô Ánh sáng vẫn rất tự hào về nghĩa địa thú cưng đầu tiên trên thế giới này. Hay tại New York, một công viên tưởng niệm thú cưng cũng đã xuất hiện từ những năm 1896.
Dịch vụ “ma chay” ở đây được thiết kế khá chuyên nghiệp. Mỗi thú cưng sẽ được chôn cất theo ngày giờ mà người chủ yêu cầu, đám tang diễn ra trang trọng với đầy đủ hoa quả, bánh trái, hương nến, cờ lọng và người chủ lễ.
Đầu tiên là việc tổ chức lễ khâm liệm cho thú cưng, sau đó đến lễ cầu siêu diễn ra trong khoảng 15 phút. Kết thúc cầu siêu, con vật sẽ được đem đi hoả táng (đem xác đi thiêu) hoặc địa táng (chôn cất xác dưới đất rồi dựng mộ, xây bia). Ông Sinh cho biết đa phần mọi người chọn hình thức hoả táng cho chó, mèo của mình.
Sau khi hoả táng, nhiều người sẽ đem tro cốt về. Còn nếu mong muốn gửi lại chùa thì sẽ có các hình thức như sau: Chôn phần tro cốt và lập một nấm mộ nhỏ có di ảnh và bát hương; hoặc phần tro cốt đem thuỷ táng tại hồ của nhà chùa, chỉ để lại di ảnh. Chùa sẽ thực hiện các nghi lễ cúng cho chúng lúc đầy tuần, 49, 100 ngày, ngày rằm, mùng một. Ngoài ra đều đặn mỗi tuần, mỗi tháng chùa đều tổ chức lễ cầu siêu chung.
Những phần mộ của thú cưng được chăm sóc, lau dọn mỗi ngày. |
Trái tim ấm áp dành cho thú cưng
Nhiều lần vấp phải sự phản đối, chỉ trích của người đời, đã có lúc ông Sinh cảm thấy rất tủi thân, cô đơn trong tâm hồn vì không có ai hiểu mình. Thế nhưng sau tất cả, ông vẫn kiên định, nhẫn nại với lựa chọn của bản thân.
Dần dần, đời sống văn hóa tinh thần và kinh tế của mọi người được nâng cao, những người chủ nuôi đã quan tâm đến thú cưng với một thái độ nhân văn hơn. Ông Sinh cho rằng, hiện tại nhiều người nuôi chó mèo không phải với mục đích trông nhà, bắt chuột… như trước mà để bầu bạn.
Gắn bó với nghĩa trang này hơn 50 năm, ông đã gặp nhiều người từ già tới trẻ coi vật mình nuôi như một người bạn, như thành viên trong gia đình. Họ chăm sóc và yêu thương động vật, nếu chúng chẳng may mắc bệnh tật, người chủ sẵn sàng bỏ số tiền lớn ra để chữa chạy.
Khi thú cưng qua đời, họ thương tiếc và mong muốn an táng cho chúng được yên nghỉ. Đó là lý do ngôi chùa trở thành điểm đến của nhiều người yêu chó, mèo khi con vật gắn bó với họ vì lý do nào đó chết đi.
Thậm chí nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khi tìm đến ông Sinh, họ còn nhờ ông để xác thú cưng vào “phòng lạnh” để chờ đóng quan tài, xem ngày lành rồi mới thực hiện an táng.
“Làm nghề này tôi gặp nhiều chuyện “lạ đời” lắm. Ở góc đằng kia có bạn mèo được chủ đặt cả họ và tên là Nguyễn Thị Hoa. Cũng có người tâm sự với tôi rằng họ dặn con cháu sau khi họ qua đời, “con cháu phải tới đây đem tro cốt của chú chó ông nuôi 14 năm về chôn cùng để bầu bạn với ông”, ông Sinh xúc động cho biết.
Theo ông quan sát, hầu hết những chủ vật nuôi khi tới làm thủ tục đều mang tâm trạng rất nặng nề, đau khổ vì vừa mất đi một người bạn thân thiết. Ông kể, có những người vì quá nhớ nhung, xin ông cho ở cạnh “người bạn” của mình thêm một lát trước khi đem tới khu vực “đài hoá thân”.
Thậm chí có những buổi làm lễ bị gián đoạn vì chủ nhân khóc đến ngất xỉu vì thương chú chó của mình. Tuy vậy sau khi thực hiện xong các nghi lễ, thấy “người bạn” của mình đã được yêu thương đến phút cuối, an táng chỉn chu, họ cũng nguôi ngoai, nhẹ nhõm phần nào.
“Tôi thường an ủi họ rằng, vật nuôi khi mất đi sẽ đến với thế giới tốt đẹp hơn, được luân hồi đầu thai. Tuy chỉ góp chút công sức, nhưng phần nào đó việc mình làm cũng đã khiến người ta bớt đau khổ.
Có những người sau khi thú cưng mất cả tháng rồi nhưng ngày nào họ cũng ghé vào chùa thăm. Nhìn thấy “mộ” thú cưng của mình được chăm sóc cẩn thận, họ cũng cảm thấy được an ủi”, ông Sinh cảm thấy vui khi giúp đỡ được nhiều người.
Có những người qua đường thấy con vật bị xe ô tô đâm, hoặc bị đánh chết vứt ở ngoài đường họ rất thương xót, đã đem tới chùa, sẵn sàng bỏ tiền túi ra để làm ma chay cho chúng. Tuy nhiên với những trường hợp như vậy, ông Sinh sẽ an táng cho những con vật xấu số mà không lấy phí.
Chị Nguyễn Ngọc Anh (23 tuổi, quê Phú Thọ) biết đến chùa “Tề Đồng Vật Ngã” qua các nền tảng mạng xã hội. Chị cho biết mới đây, khi chú mèo gia đình nuôi đã không may qua đời, Ngọc Anh không ngại xa xôi đi từ Phú Thọ tới đây để gửi gắm ông Sinh làm lễ mai táng cho “người bạn bốn chân” của mình và đem tro cốt đi thuỷ táng ở hồ Thiên Thai trong chùa.
Chị chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là việc làm nhân đạo và văn minh. Việc hoả táng xác động vật còn góp phần bảo vệ môi trường, tránh vấn nạn chôn cất tự phát của nhiều người nuôi chó, mèo.
Có những trường hợp chủ đem chôn nhưng không đủ sâu nên các loài thú ăn xác đã đánh hơi được, đào bới lên nhìn rất phản cảm và tội nghiệp. Thậm chí nhiều người đem xác động vật bỏ ngoài bãi rác hoặc vứt xuống ao, sông gây ô nhiễm môi trường. Thật may mắn là có một nghĩa trang văn minh như thế này để cho các con vật được yên nghỉ”.
Ông Bảo Sinh trải lòng, dù hiện tại vẫn còn nhiều “lời ra tiếng vào” về việc “làm ma cho con chó” của ông, thế nhưng chuyện yêu thương, dành tình cảm trân quý cho chó mèo ông thấy hết sức bình thường và thể hiện sự nhân văn trong cuộc sống.
Bởi “Nếu mình đối xử tốt với vật nuôi thì chắc chắn sẽ đối xử tốt với những người xung quanh. Những con vật đã gắn bó, trung thành, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống với con người. Nhìn những hình ảnh cảm động họ dành cho vật nuôi tôi thấy ấm lòng và thêm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.
Di ảnh của mỗi thú cưng đều được ghi tên, ngày tháng năm sinh và mất. |
Các phần mộ được sắp xếp và quản lý rất khoa học. |
Kỳ nhân đa tài
Là một người ưa hoạt động, năng động nên cả cuộc đời chẳng mấy lúc ông Bảo Sinh chịu ngồi yên. Người ta nể phục khi biết ông từng làm rất nhiều nghề, nghề nào cũng có thể kiếm cơm được, điều đặc biệt hơn là chúng chả liên quan gì đến nhau.
Để cùng vợ gánh vác gia đình, kiếm tiền nuôi con, ông không ngại kinh qua các nghề từ vẽ truyền thần, đấu sĩ võ đài, thầy lang chữa viêm xoang, phế quản và kiêm nghề phối giống động vật chó, mèo; tay chơi gà chọi và nuôi chó Béc giê, chó cảnh kì tài của đất Hà thành... Do vậy mà cái danh “thi sĩ nghèo” là một khái niệm xa lạ với ông, bởi Nguyễn Bảo Sinh là một người thức thời và có máu kinh doanh, lại rất giàu năng lượng sáng tạo.
Không chỉ nổi tiếng với chó, mèo Nguyễn Bảo Sinh còn là một nhà thơ dân gian nổi danh khắp làng văn cả nước. Trong giới nghệ thuật, nói đến Nguyễn Bảo Sinh chẳng ai là không biết ông. Bởi ngoài việc có tư chất của một nghệ sĩ dân gian với rất nhiều những câu chuyện kì thú xung quanh mình ông không thể mờ nhòa, lẫn với ai khác.
Chủ nhân đến thăm 'người bạn bốn chân' của mình. |
Ông hiện lên trong dáng vẻ một nhà thơ kì lạ với những câu thơ dân gian phồn thực, ăm ắp nhục cảm. Nhiều người thuộc thơ Bảo Sinh, vận dụng nó trong đời sống bởi nó chẳng giống ai, có sự điên, sự tỉnh, nửa tỉnh, nửa mê, nửa thực nhưng lại rất đời.
Nguyễn Bảo Sinh viết theo phong cách bình dân, trào phúng và đã xuất bản nhiều bài thơ và câu chuyện của mình trong các tập sách “Bát phố”, “Thiền dân gian”, “Huyền ngôn” được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành và tái bản nhiều lần.
Thơ của ông không chủ trương thanh khiết, nó đi thẳng vào cái dâm, cái tục của loài người mà ông gọi là “mật tông”, “đạo phồn thực”. Ông dám nói ra những điều người khác chỉ nghĩ nên có những câu thơ rất ngộ và hóm, đóng đinh vào trí nhớ: “Vợ là cơm nguội nhà ta/Lại là phở tái thằng cha láng giềng”.
Từ những điều vô lý nhưng lại rất có lý, có nghĩa ấy mà thơ của ông được rất nhiều người thuộc. Cũng bởi có nhiều bài hàm chứa những xót xa, suy tư về nhân tình thế thái: “Con ta không phải của ta/Tai họa của nó mới là của ta…”. Hoặc: “Trao nhau nhẫn cưới ước mong/Đeo vào bỗng hóa thành vòng kim cô…”.
Nguyễn Bảo Sinh phải là người đọc nhiều, chiêm nghiệm, ngẫm ngợi sâu sắc lắm thì mới có thể thốt ra: “Tự trói thì gọi là tu/Bị trói thì gọi là tù mọt gông”. Hay “Khi mê bùn chỉ là bùn/Ngộ ra mới biết trong bùn có sen/Khi mê tiền chỉ là tiền/Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm”.