Ngày 31/3, theo tin từ Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, đơn vị này vừa chủ trì phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM tổ chức phiên họp xin ý kiến dự thảo: "Báo cáo đề xuất tăng cường sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và hòa nhập xã hội (GEDSI) trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực logistics".
Tham dự phiên họp có đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, giảng viên, giáo viên học các ngành về logistics.
Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, thành viên nhóm nghiên cứu về sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và hòa nhập xã hội (GEDSI) trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực logistics do Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia thuộc Chương trình Aus4Skills ở Việt Nam điều phối cung cấp một số thông tin đáng chú ý.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: BTC |
Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng người học vào các ngành logistics trong những năm gần đây tăng cao, đặc biệt là tại các trường đang là đối tác “Dự án thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành logistics với giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam” do Chính phủ Úc tài trợ (Aus4Skills).
Trong đó, tỷ lệ người học là nữ (đặc biệt là các ngành về kinh doanh, quản trị, quản lý, bán hàng, hành chính về logistics, marketing, thương mại điện tử...) chiếm khoảng trên 55% số người học. Người học từ khu vực vùng nông thôn, miền núi chiếm tỉ lệ ngày một tăng.
Khoảng trên 85% có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp. Lao động nữ chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong các doanh nghiệp và tập trung nhiều ở các vị trí dịch vụ hỗ trợ, kinh doanh thương mại điện tử, hành chính…
Ông Hoàng Thái Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu GEDSI. Ảnh: BTC |
Ông Hoàng Thái Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu về GEDSI (hiện công tác tại Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT) cho biết, GEDSI liên quan giáo dục nghề nghiệp đã được đề cập trong nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt được thể hiện khá rõ trong Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đây là lý do lý do quan trọng dẫn đến sự gia tăng người học nêu trên.
Nội dung GEDSI còn được lồng ghép trong các chiến lược, chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội quốc gia liên quan đến giáo dục nghề nghiệp.
Các chương trình này được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện khá tốt. Điều cho thấy các chính sách này đã tiếp cận tới nhiều đối tượng, bao gồm phụ nữ, người khuyết tật và những người thiệt thòi khác, tạo cơ hội cho họ tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp, lao động và việc làm.
Các đại biểu tham gia phiên họp. Ảnh: BTC |
Cũng theo ông Hoàng Thái Sơn, hiện nay, nhiều chương trình giáo dục nghề nghiệp được thiết kế mở, gắn với yêu cầu của doanh nghiệp, có lồng ghép các yếu tố bình đẳng giới, người khuyết tật và hòa nhập xã hội.
Các chương trình được triển khai linh hoạt, cơ sở vật chất và môi trường học tập được cải thiện phù hợp với nhu cầu và khả năng từng nhóm đối tượng.
Đồng thời, chất lượng đào tạo ngày càng cao và sự phát triển nhanh và đòi hỏi nhu cầu nhân lực của lĩnh vực logistics đã giúp người học có nhiều cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập hơn.
Bên cạnh đó, quan niệm và nhận thức của xã hội, công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp đã và đang làm thay đổi về sự công nhận vai trò, khả năng và sự đóng góp của phụ nữ, người khuyết tật và các đối tượng thiệt thòi yếu thế trong sự đa dạng ngành, nghề và vị trí việc làm trong lĩnh vực logistics.
Điều này làm cho họ bắt đầu nhận thấy môi trường học tập phù hợp hơn, nhiều cơ hội nghề nghiệp và việc làm bền vững hơn trong lĩnh vực logistics.
Tại phiên họp, đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết cho dự thảo báo cáo để khuyến nghị với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật và hòa nhập xã hội (GEDSI) trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực logistics nói riêng và trong giáo dục nghề nghiệp nói chung.