Liên thông giáo dục nghề nghiệp - đại học: Những mô hình 'gỡ vướng'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia đề xuất mô hình, giải pháp triển khai đào tạo liên thông, mang tính khả thi, đáp ứng tốt nhất xu hướng và nhu cầu học tập suốt đời.

Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành. Ảnh: Cao Thắng Edu
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành. Ảnh: Cao Thắng Edu

Khung trình độ quốc gia của Australia

Tại tọa đàm “Chuyên gia trong nước và quốc tế về liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” diễn ra mới đây, báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT cho thấy, nhu cầu dạy và học liên thông là tương đối lớn. Trong số 243 cơ sở giáo dục đại học (không tính các trường thuộc khối quốc phòng, an ninh), 134 trường có đào tạo liên thông (chiếm 49% số cơ sở đào tạo).

Từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 18/2017/QĐ-TTg quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với trình độ đại học. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Quyết định 18 không còn phù hợp với thực tiễn.

Đứng trước thực trạng này, căn cứ vào Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT xây dựng Dự thảo Nghị định liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, dự kiến trình Chính phủ xem xét vào năm 2024.

TS Nguyễn Hữu Cương (Trường Đại học Văn Lang) giới thiệu mô hình liên thông giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học tại Australia. Hệ thống giáo dục nước này được chia làm 3 lĩnh vực: Giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Một trong những điểm làm cho giáo dục nước này được đánh giá cao là sự liên thông linh hoạt giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

TS Cương cho biết, giáo dục nghề nghiệp của Australia dựa trên mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền bang, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Chính quyền bang cung cấp kinh phí, xây dựng chính sách và đưa ra các quy định và đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp và người sử dụng lao động có thể cung cấp kỹ năng cho lực lượng lao động.

Giáo dục nghề nghiệp của Australia cũng rất linh hoạt, có thể được thực hiện ở trường học, nơi làm việc và trong các tổ chức đào tạo đã đăng ký. Các hình thức đào tạo gồm toàn thời gian, bán thời gian, trực tuyến, từ xa, học nghề, thực tập sinh và thông qua công nhận quá trình học tập trước đây.

Tại Australia, khung trình độ quốc gia (AQF) được giới thiệu lần đầu vào năm 1995, như một chính sách quốc gia về văn bằng ở tất cả các lĩnh vực giáo dục. AQF có 10 cấp độ và liên kết các trình độ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thành một hệ thống quốc gia duy nhất; cho phép chuyển đổi dễ dàng từ cấp học này sang cấp học khác và giữa các cơ sở giáo dục.

Theo TS Cương, nhờ AQF, việc liên thông được quy định rõ ràng. AQF có hẳn một mục có tiêu đề “những hướng đi giữa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và việc làm”. Hệ thống giáo dục Australia hỗ trợ các lộ trình liên thông giữa các cấp độ bằng cấp khác nhau hoặc các lĩnh vực đào tạo khác nhau, cũng như giữa giáo dục và việc làm. Nó cũng khuyến khích sự liên thông giữa các ngành, ví dụ từ giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học và ngược lại.

AQF giải thích chi tiết về việc liên thông. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm xây dựng các thỏa thuận về liên thông trình độ khi thiết kế chương trình đào tạo. Thỏa thuận liên thông cho phép sinh viên học tiếp từ một bằng cấp đã hoàn thành sang một bằng cấp khác; cung cấp một lộ trình liền mạch với người học được tự động nhận vào một trình độ chuyên môn khác.

Trong việc liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học, trang web giáo dục của bang cung cấp thông tin rất chi tiết về quy định liên thông, quy trình thực hiện và danh sách các trường đại học, các khóa học chấp nhận liên thông. Cũng theo quy định của AQF, các cơ sở giáo dục đại học cũng phải công khai thông tin về liên thông: Quy định chính sách liên thông; mẫu thỏa thuận liên thông; danh sách các trường, chương trình được liên thông.

“Chính sách đồng bộ và sự tham gia tích cực của các cơ sở giáo dục đã giúp Australia thực hiện liên thông đào tạo một cách hiệu quả. Đây có thể là một điển hình tốt trong liên thông đào tạo để các quốc gia trên thế giới tham khảo”, theo TS Nguyễn Hữu Cương.

Học viên cao đẳng nghề trong giờ thực hành tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Học viên cao đẳng nghề trong giờ thực hành tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Đại học cộng đồng tại Mỹ

TS Trần Đức Cảnh, Chủ tịch Hội đồng Viện Phát triển giáo dục, Trường Đại học Sài Gòn chia sẻ về mô hình đại học cộng đồng tại Mỹ. Theo đó, chương trình đào tạo của đại học cộng đồng gồm 2 năm, tương tự như bậc cao đẳng, đào tạo theo hệ tín chỉ và liên thông trực tiếp lên đại học hệ 4 năm. Hai chương trình chính của đại học cộng đồng gồm “hệ 2+2” và “hệ 2 năm”.

Chương trình 2+2 tương đương với 2 năm đầu của chương trình đại học, sau khi học xong được liên thông trực tiếp lên đại học hệ 4 năm. Chương trình này dành cho sinh viên không xuất sắc ở bậc THPT hoặc chưa chắc chắn sẽ chọn đại học 4 năm, điều kiện học ít căng thẳng và không gian tương đối mở, uyển chuyển. Chương trình có học phí và chi phí thấp, đáp ứng nhu cầu đào tạo công việc tại địa phương.

Trong khi đó, chương trình cấp bằng đại học hệ 2 năm tương tự như bậc cao đẳng ở Việt Nam trước đây. Sinh viên tốt nghiệp có thể đi làm ngay với các ngành nghề như kỹ thuật viên, kế toán, bán hàng... Nếu muốn chuyển lên đại học hệ 4 năm, các trường sẽ xem xét tín chỉ tương đương. Thường các trường đại học hệ 4 năm chỉ công nhận 1 - 2 học kỳ của hệ đào tạo 2 năm vì một nửa chương trình xem như không tương đương với đại học.

Trên cơ sở đó, TS Trần Đức Cảnh đề xuất áp dụng mô hình đại học cộng đồng trong bối cảnh giáo dục và đào tạo tại Việt Nam hiện nay với một số giải pháp cụ thể. Một trong số đó là cần tổ chức kiểm định chương trình cao đẳng, để chất lượng đào tạo và các tiêu chí được công nhận tương đương với các môn của 2 năm đầu đại học hệ 4 năm.

Bên cạnh đó, cần cho phép các trường đại học địa phương đào tạo bậc cao đẳng (đại học quốc gia hay các trường đại học trọng điểm không đào tạo bậc học này). Đồng thời, cần có sự tham gia của doanh nghiệp vào loại trường này trong việc thiết kế, tổ chức chương trình đào tạo.

“Theo TS Nguyễn Hữu Cương, chính sách liên thông của Đại học Western Sydney (Australia) ban hành năm 2020 quy định cụ thể công nhận tín chỉ từ các văn bằng giáo dục nghề nghiệp lên giáo dục đại học tại trường: 50% tín chỉ với bằng Advanced Diploma hoặc Associate Degree liên thông lên bằng Bachelor 3 năm; 37,5% tín chỉ với bằng Advanced Diploma hoặc Associate Degree liên thông lên bằng Bachelor 4 năm; 33% tín chỉ với bằng Diploma liên thông lên bằng Bachelor 3 năm; 25% tín chỉ với bằng Diploma liên thông lên bằng Bachelor 4 năm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ