10 năm trở lại đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra trên 40 giống cây trồng, vật nuôi, 32 thiết bị kỹ thuật/bằng sáng chế/máy nông nghiệp. Hiện, Học viện có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu, trong đó có 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO và 2 Bệnh viện nông nghiệp lớn nhất cả nước, gồm: Bệnh viện Thú y và Bệnh viện Cây trồng với trang bị các thiết bị hiện đại.
Hội thảo do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức lần thứ nhất.
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, cán bộ giảng viên, học viên, chuyên gia trong nước và quốc tế; nhà quản lý...gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như học thuật trong lĩnh vực quản lý đất đai.
GS.TS Nguyễn Thị Lan phát biểu tại Hội thảo. |
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cung cấp trên 60% nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tài nguyên môi trường.
Học viện đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, với quan điểm chất lượng là sự sống còn. Bên cạnh đó, Học viện luôn coi nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học, tiên phong đi đầu trong nghiên cứu các lĩnh vực mới trong nông nghiệp, nông dân và lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Học viện có 14 Khoa chuyên môn, 30 Viện/Trung tâm nghiên cứu/Công ty, 82 mô hình khoa học và công nghệ. Ngoài ra, còn có 46 nhóm nghiên cứu mạnh và 15 nhóm doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin off).
Toàn cảnh Hội thảo. |
Riêng lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; gần 68 năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo trên 13.000 kỹ sư ngành Quản lý đất đai; trên 1.200 kỹ sư ngành Nông hoá thổ nhưỡng; trên 2.600 cử nhân ngành Khoa học môi trường.
Sau đại học ngành Quản lý đất đai và khoa học môi trường, Học viện đã đào tạo hơn 3.100 thạc sĩ, 113 tiến sĩ. Học viện đã chủ trì và tham gia trên 36 đề tài cấp Nhà nước, trên 100 đề tài cấp Bộ, tỉnh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; hàng trăm đề tài cấp cơ sở và dự án chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất ở hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc.
GS.TS Lê Đình Phùng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) phát biểu tại Hội thảo. |
Ủng hộ các sáng kiến về giao lưu, trao đổi học học lẫn nhau giữa các đơn vị đào tạo ngành quản lý đất đai; GS.TS Lê Đình Phùng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) bày tỏ, bên cạnh trao đổi khoa học, cần thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin về chương trình đào tạo ngành quản lý đất đai.
Qua đó, nhằm tăng cường tính tương đồng về chương trình đào tạo, tạo cơ sở liên thông cho người học cũng như thuận lợi cho việc trao đổi học thuật, nguồn lực giữa các trường. Điều này sẽ phát huy được lợi thế nguồn lực chất lượng cao của các trường.
Với sứ mệnh nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực; trong đó có công tác quản lý đất đai, GS.TS Trần Ngọc Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nhìn nhận, kết quả của hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong công tác giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực. Qua đây, góp phần nâng cao hiệu quả trong phục vụ phát triển toàn diện, nâng cao khả năng quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên đất đai bền vững.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương trao đổi tại Hội thảo. |
Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) gợi mở, các cơ sở giáo dục đại học nên xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; bởi nếu mỗi trường đào tạo khác nhau thì khó có thể “khớp” với nhau.
Trong đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực trên, PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho rằng, nên tập trung vào 2 việc: Quy hoạch và có nghiên cứu thêm về việc ưu tiên một số trường lớn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trình độ tiến sĩ.
Ngoài ra, các trường có thể ngồi lại với nhau và tổ chức hội thảo chuyên đề. Đây hội thảo lần 1 và sẽ có các hội thảo khoa học lần tiếp theo. Trên cơ sở đó, tham mưu cho lãnh nhà trường, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài nguyên và Môi trường để có “tiếng nói” chung trong chương trình đào tạo.