Địa phương 'đặt hàng' Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh, đào tạo

GD&TĐ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với địa phương triển khai các phương án để tuyển sinh, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Các đại biểu thăm quan các gian hàng nông sản được trưng bày tại hội nghị.
Các đại biểu thăm quan các gian hàng nông sản được trưng bày tại hội nghị.

Sáng 17/3, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn.

Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có tổng số gần 1.300 cán bộ; trong đó có 12 GS, 81 PGS, 350 TS, 489 ThS. Trên 90% giảng viên và nghiên cứu viên của Học viện được đào tạo sau đại học tại các nước có nền giáo dục đại học và KH&CN tiên tiến như: Mỹ, Úc, Hà Lan, Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Pháp, Ailen... Đây là nguồn lực quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu của Học viện và hội nhập quốc tế của ngành Nông nghiệp nói chung, của Học viện nói riêng.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – cho hay, mục tiêu của Hội nghị là: góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh THPT; tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng và đạt được những thành tựu to lớn. Sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng; bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Mặc dù trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề nhưng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD. Những thành quả này là minh chứng cho những nỗ lực của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân cùng toàn xã hội.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Học viện có 46 nhóm nghiên cứu mạnh và 15 nhóm doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin off). 10 năm trở lại đây, Học viện đã tạo ra trên 40 giống cây trồng - vật nuôi, 32 thiết bị kỹ thuật/bằng sáng chế/máy nông nghiệp. Hầu hết được ứng dụng tại các địa phương trong cả nước.

Hiện, Học viện có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu. Trong đó, Học viện có 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO và 2 Bệnh viện nông nghiệp lớn nhất cả nước (Bệnh viện Thú y và Bệnh viện Cây trồng). Hiện các phòng thí nghiệm phân tích được trên 700 chỉ tiêu dịch vụ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đổi mới hoạt động đào tạo nghề cho nông dân

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, Tây Bắc đang chuyển mình nhanh chóng với phương châm tập trung khai thác tốt nhất những tiềm năng – lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu, sự đa dạng sinh học cùng với những tiến bộ thời đại giai đoạn cuộc cách mạng 4.0.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương trong vùng, đặc biệt là một số chương trình lớn gồm: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để góp phần thúc đẩy kinh tế các tỉnh phát triển.

Các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp một số thắc mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã về một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp xanh, sạch, an toàn.

Các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp một số thắc mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã về một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp xanh, sạch, an toàn.

Nhìn nhận về một số khó khăn của địa phương, ông Nguyễn Hữu Đông - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La – cho hay, tình trạng học sinh, sinh viên ở Sơn La trúng tuyển, kể cả cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề sau khi tốt nghiệp ra trường lại không muốn về Sơn La làm việc và công tác.

Nguyên nhân đó là một số ngành nghề ở Sơn La chưa phát triển, môi trường làm việc chưa thuận lợi; doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản có quy mô siêu nhỏ, nhỏ là chủ yếu, chưa tạo được môi trường làm việc hấp dẫn.

Đề xuất cần đổi mới hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông đồng thời đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với địa phương triển khai các phương án để tuyển sinh học sinh của tỉnh vào học tập tại Học viện; trọng tâm là tuyển sinh học sinh tại các huyện nghèo Thuận Châu, Sốp Cộp.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông trao đổi về một số giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông trao đổi về một số giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp.

Đào tạo gắn với nhu cầu thực sự vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu nhân lực của các khu công nghiệp của tỉnh, huyện. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhấn mạnh, cần đổi mới tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức đảm bảo chất lượng năng lực chuyên nghiệp và đạo đức, trách nhiệm. Đồng thời, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, hình thành cơ chế tư vấn, đối thoại chính sách thường xuyên, chính thức giữa đội ngũ chuyên gia, đại diện nông dân và doanh nghiệp với cơ quan quản lý ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ