Thừa Thiên Huế thông qua Đồ án Quy hoạch đô thị đến năm 2045

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045 là đồ án quy hoạch mang tính chất bản lề, hướng đến xây dựng và phát triển đô thị bền vững.

Thừa Thiên Huế thông qua Đồ án Quy hoạch đô thị đến năm 2045

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thảo luận thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII.

Đây là đồ án quy hoạch mang tính chất bản lề, định hướng mô hình phát triển tổng thể về không gian đô thị, xác định khung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai. Đồng thời, hướng đến xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc…

Tiếp đó, đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Chiến lược phát triển đúng đắn là yếu tố then chốt trong quá trình hoàn thiện Đồ án quy hoạch. Chính vì vậy, tỉnh đặt ra 5 chiến lược phát triển cơ bản. Cụ thể:

Một là, đẩy mạnh kết nối giao thông liên kết vùng, nội vùng.

Hai là, sắp xếp, tổ chức không gian, nâng cấp đô thị và tái cấu trúc lãnh thổ.

Ba là, tập trung phát triển hạ tầng cho các khu vực chức năng động lực phát triển kinh tế.

Bốn là, hình thành không gian xanh và hệ thống thoát nước, phát triển nhà ở sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm là, hình thành khu vực phát triển mới về phía Tây tạo sự kết nối của hành lang kinh tế Đông - Tây và quỹ đất dự trữ cho dài hạn.

Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á. (Ảnh minh họa)

Về định hướng hành chính đô thị, từ nay đến năm 2025 xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.

Từ sau năm 2025 đến năm 2030 gồm 9 đơn vị hành chính với 3 quận, 2 thị xã và các huyện; xây dựng đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III.

Từ sau năm 2030 đến năm 2045, Thừa Thiên Huế sẽ gồm 10 đơn vị hành chính với 4 quận, 2 thành phố và các huyện; xây dựng huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu trở thành thị xã.

Từ sau năm 2045 đến năm 2065, xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận; 2 thành phố; 2 thị xã; các thị trấn, đô thị loại V thuộc huyện Phú Lộc – Nam Đông và huyện A Lưới.

Đồ án Quy hoạch cũng xác định phát triển hai đô thị vệ tinh. Trong đó, Chân Mây là đô thị và khu kinh tế quan trọng gắn với cảng biển nước sâu Chân Mây, các khu công nghiệp công nghệ cao, khu du lịch nghỉ dưỡng quốc gia của vùng động lực miền Trung, liên kết với đô thị Đà Nẵng. Đây là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, có vai trò cửa ngõ phía Nam của Huế.

Với đô thị Phong Điền, đây sẽ là cửa ngõ phía Bắc, trung tâm tổng hợp về hành chính, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật, thương mại, dịch vụ, công nghiệp và du lịch tổng hợp.

Ngoài ra, các đô thị khác bao gồm đô thị Phú Vang là đô thị loại IV; đô thị Quảng Điền là đô thị loại IV; các thị trấn Lộc Sơn (La Sơn), thị trấn Khe Tre, thị trấn A Lưới, đô thị Lâm Đớt, đô thị Hồng Vân.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được xác định là một trong những tiêu chí để xây dựng Đề án thành lập thành phố Trung ương.

Việc HĐND tỉnh thông qua đồ án phân khu sẽ tạo cơ sở để phê duyệt, từ đó ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghiệp kỹ thuật cao và thân thiện môi trường; phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ... và các dịch vụ hậu cảng phục vụ cảng Chân Mây, phù hợp không gian kiến trúc cảnh quan khu vực lân cận, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ