Quy hoạch TP Bảo Lộc là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quy hoạch chung TP Bảo Lộc định hướng xây dựng TP Bảo Lộc trở thành TP thông minh; là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng.

Quy hoạch TP Bảo Lộc là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040.

Theo đó, đến năm 2025, quy hoạch và phát triển TP Bảo Lộc trở thành đô thị loại II; tiếp tục xây dựng TP tiệm cận tiêu chuẩn loại I vào năm 2040, theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ.

Trong giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, xây dựng TP Bảo Lộc trở thành TP thông minh; là đầu mối giao thông về đường bộ của vùng, trở thành một điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh…

Quy hoạch định hướng phát triển không gian TP Bảo Lộc đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của xứ B'Lao.

Riêng về tính chất, TP Bảo Lộc là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng; trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với vùng TP.HCM, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của tỉnh và vùng Tây Nguyên.

"TP Bảo Lộc sẽ là đô thị tổng hợp hiện đại, TP thông minh; quy mô phát triển tương đương tỉnh lỵ trong tương lai; đô thị tăng trưởng xanh và bền vững, mang nét đặc trưng riêng, phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn và yêu cầu về thu hút đầu tư; kiến tạo, phát huy môi trường sống theo hướng bố trí các làng đô thị xanh và các khu đô thị…”, quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu.

Đối với vùng phụ cận, gồm 5 xã: Lộc An, Tân Lạc, Lộc Thành, Lộc Nam và Lộc Tân của huyện Bảo Lâm hiện tại sẽ phát triển theo hướng hỗ trợ và tương tác lẫn nhau với các chức năng đô thị; phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có của từng khu vực đảm bảo phát triển bền vững, sinh thái, hiện đại.

Đến năm 2025, quy hoạch và phát triển TP Bảo Lộc trở thành đô thị loại II; tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận tiêu chuẩn loại I vào năm 2040. (Ảnh minh họa)

Đến năm 2025, quy hoạch và phát triển TP Bảo Lộc trở thành đô thị loại II; tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận tiêu chuẩn loại I vào năm 2040. (Ảnh minh họa)

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên 59.849,2ha, gồm: Toàn bộ ranh giới hành chính của TP Bảo Lộc (6 phường, 5 xã) và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (gồm 5 xã: Lộc An, Tân Lạc, Lộc Thành, Lộc Nam và Lộc Tân).

Đến năm 2030, dự báo quy mô dân số đô thị của TP Bảo Lộc và vùng phụ cận khoảng 257.900 người, đến năm 2040 khoảng 320.000 người.

Quy mô diện tích đất xây dựng đô thị năm 2030 khoảng 3.800ha và đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 4.800ha.

Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040 được đánh giá là một trong những quy hoạch quan trọng, tác động lớn đến thị trường bất động sản TP Bảo Lộc.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố quyết định thành lập Ban điều hành triển khai Đề án xây dựng TP Bảo Lộc trở thành TP thông minh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng.

Theo lộ trình, đề án được chia thành 3 giai đoạn: Từ năm 2020 - 2021; năm 2022 - 2025 và giai đoạn sau năm 2025. Mỗi giai đoạn sẽ được triển khai thực hiện với nhiệm vụ, mục tiêu, lĩnh vực cụ thể và nguồn vốn tương ứng.

Đề án được triển khai xây dựng trên 8 lĩnh vực, gồm chính quyền điện tử, quy hoạch và phát triển đô thị, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế, môi trường, giao thông.

Sau TP Đà Lạt, Bảo Lộc là đơn vị thứ 2 triển khai đề án xây dựng TP thông minh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040 định hướng không gian đô thị TP Bảo Lộc và vùng phụ cận được chia thành 9 khu vực phát triển chính, gồm:

Khu vực trung tâm đô thị; khu vực phát triển mới phía Đông; khu vực phát triển mới phía Nam; khu vực phát triển dân cư và du lịch sinh thái; khu vực phát triển mới phía Tây; khu vực phát triển du lịch thác Đam B'Ri; khu dự trữ phát triển phía Bắc; khu trung tâm xã Lộc An; khu vực phát triển và bảo tồn nông – lâm nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ