(GD&TĐ) – Hôm nay (9/7), Thủ tướng Chính phủ có Công điện gửi các Bộ, ngành, địa phương, yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện.
Công điện nêu rõ, trong những ngày đầu tháng 7, ở một số địa phương xảy ra tình trạng giá lương thực, thực phẩm tăng cao, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 15 -17% như đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
ảnh minh họa |
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý giá trên địa bàn.
Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về giá, nhất là việc lợi dụng chủ trương của Nhà nước về điều hành giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường để tăng giá bất hợp lý, đưa tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trên địa bàn.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời ban hành chính sách thuế phù hợp và có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống; kiên trì và nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã đề ra.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng có biện pháp thúc đẩy sản xuất, điều hòa xuất nhập khẩu, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép, thuốc chữa bệnh... không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh có đường biên giới khẩn trương kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang các nước có chung đường biên giới nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước và nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, tránh tình trạng đẩy giá lên cao, gây tác động bất lợi đến chỉ số CPI trong nước và mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11/NQ-CP; phối hợp với các địa phương có giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch bệnh gia súc, gia cầm để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, xây dựng căn cứ và lộ trình tăng giá phù hợp đối với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
*Tại Hội thảo chuyên đề "Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2011", do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã nhận định: Triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2011 được dự báo là tiếp tục ảm đạm với giá cả tăng cao, doanh nghiệp khó khăn, và dư địa chính sách can thiệp gần như tới giới hạn.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương nói: “Hầu hết các mặt hàng đã tăng giá để hình thành mặt bằng giá mới. Nhiều hàng hóa rơi vào tình trạng dư cung, nhưng khó giảm giá do chi phí sản xuất cao”.
Tổng cục Thống kê gần đây cho biết, sản xuất bia tăng 94,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 71,7%; sản xuất giày dép tăng 59,4%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 39,9%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 37,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 30%.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá cả nhiều mặt hàng tại Việt Nam tăng cao một phần là do các thương nhân Trung Quốc mua vét hàng hóa để chuyển về thị trường nội địa.
Ông nói: “Đây là hiện tượng đáng lo vì Trung Quốc có dân số đông và lại chịu hạn hán khá nặng nề thời gian qua”.
Bên cạnh đó, ông Phong nói, hệ thống phân phối hàng hoá bán lẻ yếu kém cũng làm cho giá cả tăng cao.
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú đồng ý điểm này, và bổ sung thêm rằng chênh lệch giá đang quá lớn giữa khâu sản xuất và phân phối.
Ví du, một kí lô bắp cải bán tại ruộng giá 2 ngàn đồng tăng lên 8 ngàn đồng trong siêu thị, một kí cà chua ở Thái Bình bán với giá 500 đồng đã đội lên 8 ngàn đồng ở Hà Nội, một kí cá chích bán giá 8 ngàn đồng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) lên tới 30 ngàn đồng tại chợ Hà Nội.
Ông nói: “Đó là hiện tượng thao túng giá, làm giá cả tăng cao, trong khi hệ thống phân phối của chúng ta rất kém. Đó là câu chuyện của hàng chục năm, chứ không phải bây giờ”, ông Phú nói.
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu như xăng dầu, phôi thép, phân bón, dược phẩm, sữa... dự kiến còn tăng cao và tiếp tục gây áp lực tăng giá trong nước thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 7 sẽ khó giảm tốc được như những tháng trước do giá thực phẩm như rau củ, thịt heo… vẫn tiếp tục tăng những ngày gần đây. Ông dự báo rằng, chỉ số CPI sẽ dao động từ 0,8- 1% mỗi tháng từ nay đến cuối năm.
Hải Minh