Chiều 16/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu dự lễ khai khóa năm 2023 và làm việc với cán bộ chủ chốt của Đại học Quốc gia TPHCM.
Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ Nội vụ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo các tỉnh thành: TPHCM, Bến Tre, Bình Dương; 600 sinh viên tiêu biểu các trường đại học thành viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu dự lễ khai khóa năm 2023 của Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tại lễ khai khóa năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính là diễn giả khách mời với bài phát biểu: "Giáo dục đại học và vai trò kiến tạo động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho đất nước trong giai đoạn mới".
Giáo dục đại học thay đổi và phát triển đa dạng
Mở đầu bài nói chuyện, Thủ tướng cho rằng, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.
Đảng, Nhà nước ta cũng xác định: Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ nhất từ phải sang) và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham dự buổi lễ. Ảnh: Mạnh Tùng |
Theo Thủ tướng, ngày nay, cùng với chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học đang thay đổi và phát triển đa dạng. Công nghệ thông tin (bao gồm trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và trực tuyến hóa) được tích hợp vào quá trình dạy và học, tạo môi trường tương tác và hấp dẫn hơn.
Xu hướng hợp tác toàn cầu và học tập xuyên quốc gia với cơ hội tiếp cận giáo dục đại học được mở rộng. Hợp tác giữa các trường đại học trên toàn thế giới cũng được đẩy mạnh.
Giáo dục đại học ngày càng thúc đẩy tư duy sáng tạo, trang bị kỹ năng, tăng tính chủ động, tạo môi trường học tập tương tác; truyền đạt kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng, hướng tới đào tạo những "Công dân toàn cầu"
Giáo dục đại học tập trung vào khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng công nghệ, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn mang tính toàn cầu.
Giáo dục đại học kiến tạo động lực phát triển
Theo Thủ tướng, với quan điểm giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng.
Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai hiệu quả, mang lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã công nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong đó có cải thiện chương trình học, năng lực giảng dạy, tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên học tập và nghiên cứu.
Giáo dục đại học Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo ra ngày càng nhiều cơ hội cho sinh viên, giảng viên tiếp cận với kiến thức và trải nghiệm quốc tế; đồng thời, tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo các trường đại học thành viên, sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM dự lễ khai khóa năm 2023. Ảnh: Mạnh Tùng |
Theo Thủ tướng, tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường: cạnh tranh thương mại giữa các nước; hậu quả đại dịch COVID -19 kéo dài; xung đột quân sự; các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, nghèo đói và bệnh tật, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên…
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra những mục tiêu phát triển cụ thể cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), chúng ta phải kiến tạo những động lực tăng trưởng mới để phát triển nhanh và bền vững.
Hiện nay, phát triển bền vững trở thành xu hướng bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.
Giáo dục đại học trong bối cảnh mới cũng đối mặt với nhiều thách thức mới, như: Áp lực tự điều chỉnh, đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, còn có thách thức từ toàn cầu hóa, sức cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài ngay tại Việt Nam, vấn đề cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học…
"Chính vì vậy, kiến tạo động lực tăng trưởng mới để phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu bức thiết đặt ra", Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đại học Quốc gia TPHCM chiều 16/11. Ảnh: Mạnh Tùng |
Trong bối cảnh này, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là động lực tăng trưởng mới. Giáo dục đại học là trụ cột quan trọng cho sự phát triển này.
Theo Thủ tướng: "Chúng ta coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực quan trọng của sự phát triển. Tất cả các chính sách đều xuất phát từ con người và phục vụ con người.
Để tạo động lực tăng trưởng mới, cần khuyến khích tư duy sáng tạo và đổi mới; tạo ra môi trường thúc đẩy việc thử nghiệm ý tưởng mới, khám phá các phương pháp tiếp cận khác nhau và khuyến khích tinh thần sáng tạo trong mọi khía cạnh của đời sống".
Hiện nay, nước ta đang cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh và bền vững; chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,...
Do đó, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Đại học Quốc gia TPHCM phải phát huy vai trò của mình trong thực hiện mục tiêu đào tạo tìm kiếm nhân tài, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM thuộc nhóm hàng đầu châu Á
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó khẳng định việc phát triển Đại học Quốc gia TPHCM theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
Toàn cảnh lễ khai khóa năm 2023 của Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thủ tướng lưu ý hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM 5 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, sinh viên, học viên chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản.
Thứ hai, chú trọng thu hút, trọng dụng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành.
Thứ ba, tập trung xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
Thứ tư, phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với vùng và khu vực châu Á.
Thứ năm, phát triển nguồn lực tài chính bền vững và xây dựng Khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM xanh, hiện đại và bản sắc.
Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM lắng nghe bài phát biểu của Thủ tướng. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thủ tướng cũng gửi gắm đến sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM nhiều thông điệp quan trọng.
Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên học tập, rèn luyện, nghiên cứu, sáng tạo; trang bị cho sinh viên hành trang đầy đủ nhất để bước vào đời, để trở thành những công dân toàn cầu.
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà; nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”, Thủ tướng khẳng định, sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước.
Thủ tướng khuyên sinh viên cần chủ động, tích cực tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, nâng cao năng lực cá nhân; đặt mục tiêu học tập, nghiên cứu rõ ràng, phát triển khả năng tự học và nâng cao năng lực chuyên môn.
Tuổi trẻ là phải dấn thân, trải nghiệm và cống hiến. Sinh viên cần tích cực tham gia vào hoạt động xã hội và tình nguyện; tham gia vào các dự án và chương trình liên quan đến phát triển cộng đồng.
Nữ sinh Đại học Quốc gia TPHCM trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Mạnh Tùng |
Ngoài ra, Thủ tướng cũng mong sinh viên tích cực sáng tạo và tư duy phản biện; học hỏi và tìm kiếm cơ hội trong các chương trình giao lưu quốc tế; khám phá cơ hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng chính sách.
Đại học Quốc gia TPHCM hiện là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng.
Trong giai đoạn 2018-2022, Đại học Quốc gia TPHCM đã đào tạo và cung cấp cho TPHCM và các tỉnh phía Nam hơn 60.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và kết quả tích cực mà các thế hệ lãnh đạo, tập thể cán bộ, nhà khoa học, giảng viên, người lao động, học viên, sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM đạt được trong 28 năm xây dựng và phát triển.