Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với hai Đại học Quốc gia

GD&TĐ - Sáng 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM tại TPHCM.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với 2 Đại học Quốc gia tại ĐH Quốc gia TPHCM, sáng 6/9. Ảnh: Mạnh Tùng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với 2 Đại học Quốc gia tại ĐH Quốc gia TPHCM, sáng 6/9. Ảnh: Mạnh Tùng

Buổi làm việc diễn ra tại ĐH Quốc gia TPHCM dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện lãnh đạo UBND TPHCM và tỉnh Bình Dương.

Tổng kết lại mô hình Đại học Quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM được hình thành từ những chủ trương đúng đắn từ khoảng 30 năm trước. Do đó, đây là lúc cần tổng kết lại mô hình này để xem những điểm tốt, những điểm chưa làm được, điểm nào cần tư duy đổi mới để phát triển hơn nữa.

Đại học Quốc gia phải được phát huy cao nhất dân chủ, trí tuệ, tiên phong dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo; kết hợp sức mạnh mô hình đại học về tự chủ, thu hút nhân tài, hướng đến mối quan hệ sinh thái hữu cơ nhà trường đào tạo với nhà nghiên cứu cơ bản, đào tạo sau đại học; giữa nhà trường với nhà nghiên cứu được đào tạo tại đây; với các doanh nghiệp, nhà quản lý; giữa nhà trường, nhà khoa học với các trung tâm đào tạo nghiên cứu lớn trên thế giới.

Mục tiêu là để hai Đại học Quốc gia trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong đi đầu trong hội nhập và hoàn toàn có thể hội nhập bằng chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt vấn đề, sắp tới, ngành giáo dục sẽ tổng kết Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương liên quan đến giáo dục đào tạo. Do đó, cần xác định lại các hệ thống quan điểm, tư duy trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi. Bài toán sắp tới đặt ra đối với giáo dục đào tạo là đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và kỳ vọng của đất nước.

"Tôi kỳ vọng trong tương lai không chỉ là hai Đại học Quốc gia mà có thể thêm nhiều Đại học Quốc gia với vai trò sứ mệnh dẫn dắt vùng trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực như Nghị quyết 24 đã đặt kỳ vọng", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ( ở giữa) tham quan phòng Truyền thống ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ( ở giữa) tham quan phòng Truyền thống ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Kiến nghị cơ chế đặc thù cho Đại học Quốc gia

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai Đại học Quốc gia đã nêu một số kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM kiến nghị sớm ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia và Quyết định ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Đại học Quốc gia.

Nghị định mới cần làm rõ quy định trong khoản 2, Điều 8 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018: “Đại học Quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy”.

Ông Vũ Hải Quân cũng kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung đại học này trong Dự thảo đề án "Phát triển ĐH Quốc gia TPHCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á".

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nêu kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nêu kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ông Vũ Hải Quân đề xuất, Chính phủ giao ĐH Quốc gia TPHCM thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý của ĐH Quốc gia TPHCM.

Đồng thời, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM kiến nghị bố trí lại số vốn đã bị hủy dự toán do chưa giải ngân hết trong các năm trước đây đối với dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng của ĐH Quốc gia TPHCM tại TPHCM và Bình Dương.

Việc này để bổ sung vốn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành dứt điểm công tác.

GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nêu kiến nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nêu kiến nghị. Ảnh: Mạnh Tùng

Đồng quan điểm, GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia.

Theo ông Lê Quân, hai Đại học Quốc gia được thí điểm nhiều chính sách đổi mới giáo dục đào tạo, do đó cần tạo cơ chế đặc thù để phát huy những điểm mạnh của 2 đơn vị này.

Trong đó, tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho Đại học Quốc gia về 3 vấn đề: Tổ chức; cơ chế sử dụng nhân sự; nguồn lực tài chính.

Ông Lê Quân cũng đề xuất đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng dự án ĐH Quốc gia Hà Nội.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm bên tượng Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong khuôn viên ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm bên tượng Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong khuôn viên ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Báo cáo của ĐH Quốc gia TPHCM tại buổi làm việc cho thấy, đại học này hiện đào tạo gần 95.000 sinh viên đại học chính quy, hơn 8.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh.

ĐH Quốc gia TPHCM đầu cả nước về số lượng các chương trình đạt chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế với 126 chương trình; thuộc tốp 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World).

Năm 2022, đại học này đã công bố gần 2.300 bài báo quốc tế trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus, là đơn vị có số lượng công bố nhiều nhất cả nước.

Mục tiêu đến năm 2030, đại học này sẽ thuộc top 100 trường đại học hàng đầu châu Á.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Bánh cuốn Thanh Trì

GD&TĐ - Cuối mỗi tuần, lòng nó lại thầm vui. Không phải vì chuyện được xả hơi sau những ngày học hành lu bù mà vì được thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì.

Ảnh minh họa.

Những vần thơ tự hát trái tim yêu

GD&TĐ - Sự nhạy cảm của một trái tim trước mọi lẽ cuộc đời đã thôi thúc Xuân Quỳnh đến với con đường làm thơ và hoạt động văn học.