Thủ tướng Chính phủ triệu tập hội nghị trực tuyến toàn quốc ‘chống dịch như chống giặc’

Sáng ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trước những diễn biến mới...

Phiên họp được tổ chức trực tuyến tới UBND tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Hội nghị từ đầu cầu TPHCM. Dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, lãnh đạo các Bộ, cơ quan Trung ương.

Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các cơ quan các liên quan.

Những ngày qua, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã liên tục có các cuộc làm việc, các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch với yêu cầu tập trung cao độ, chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao hơn và thực hiện có hiệu quả hơn các biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất có thể, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết. Bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời phải có biện pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm giữ vững, không để đứt gãy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất lớn.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình mới, diễn biến mới phức tạp hơn của dịch bệnh đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn thì mới có thể kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, theo tinh thần chung là “chống dịch như chống giặc”, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thần tốc hơn.

Thủ tướng yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức.  

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhận định tình hình tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TPHCM

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đợt dịch lần này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm. Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó, điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.

Tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, do mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ..., tỉnh sẽ kiểm soát được dịch trong thời gian tới nhưng không thể trong thời gian ngắn. Tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long quan ngại việc lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp có xu hướng phức tạp hơn.

Bộ Y tế nhận định và dự báo, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát. Tỉnh Bắc Giang chủ động và xây dựng phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm, còn Bắc Ninh là 3.000 ca nhiễm.

Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP.HCM có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ô dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng. Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, mặc dù ghi nhận các chùm ca bệnh, ca bệnh khác nhau, nhưng hai địa phương triển khai rất bài bản các giải pháp để giữ vững và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải hết sức tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức.  - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021

Báo cáo thêm về việc thực hiên chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, tuy nhiên nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 1 loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19 trên thế giới. Cho tới nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.  

Bên cạnh đó, tiến độ cung ứng vaccine cũng cần hết sức được quan tâm để các lô vaccine về sớm nhất. Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho người dân tại hai địa phương này nhanh nhất có thể.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc bảo vệ các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng để bảo vệ sản xuất công nghiệp. Chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát. Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong khu công nghiệp, phải lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh.

Đặc biệt, phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiêp phải được tăng cường. Tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch, các địa phương đã rất chủ động thực hiện khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống ngươi dân.

Bản tin sáng 29/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 87 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Ninh và Bắc Giang chiếm 84 ca. Tính đến 6h ngày 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.164 ca ghi nhận trong nước và 1.493 ca nhập cảnh.

Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.594 ca ghi nhận trong nước và 211 trường hợp nhập cảnh. Có 8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

25 tỉnh, thành phố còn lại ghi nhận 3.578 ca mắc từ ngày 27/4 đến nay. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc cao là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.

Từ 29/4/2021 đến nay, Việt Nam đã thực hiện 1.132.626 xét nghiệm cho 2.106.308 lượt người.

Theo baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ