Thủ tướng Anh và sức ép Brexit

GD&TĐ - Nước Anh rời khỏi EU đã được “chốt” vào ngày 29/3/2019, thời gian không còn nhiều để bà Thủ tướng Theresa May giải quyết hàng núi công việc. Những người ủng hộ Brexit đang bắt đầu bàn về thiết lập mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ. Ở phía ngược lại, những người “chần chừ” lại cố tìm cách giữ được chừng nào hay chừng ấy quan hệ với EU: Ly thân nhưng không ly hôn.

Cờ nước Anh và EU vẫn “sóng đôi” tại trung tâm London
Cờ nước Anh và EU vẫn “sóng đôi” tại trung tâm London

Những đòn chí mạng

Việc từ chức gần như cùng một lúc của 2 vị Bộ trưởng “quyền lực”- một người là Ngoại trưởng, còn người kia giữ trọng trách Bộ trưởng đàm phán Brexit để nước Anh chia tay EU (Liên minh châu Âu) một cách êm thấm, khiến chính phủ của bà May choáng váng. Vì vậy, việc người Anh công bố Sách Trắng Brexit mới đây được coi là một động thái trấn an châu Âu và cũng đồng thời tự “lên dây cót” cho chính mình.

Tân Bộ trưởng Brexit của nước Anh, ông Dominic Raab, mô tả về Brexit: Đó là một chặng đường đầy khó khăn khi đích thời điểm “chốt” lại đang đến rất gần. Trong khi đó, theo nhà đàm phán hàng đầu của EU về Brexit, ông Michel Barnier, cần có thái độ “thận trọng” đối với Sách Trắng của người Anh. Ý kiến này được coi là “tiếng nói chung của EU”, đồng nghĩa với việc họ tiếp tục có thái độ cứng rắn với Anh: Hãy sớm chia tay mà không được “phân chia tài sản”.

Chưa hết, nhiều nhà quan sát còn coi những phát ngôn của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du nước Anh, ngày 13/7, là “đòn chí mạng” giáng vào Brexit cũng như giáng trực diện vào bà May. Ông Trump đã bất ngờ lên tiếng chỉ trích tiến trình Brexit và úp mở rằng “bà May đã bỏ qua lời khuyên của tôi về cách đàm phán với EU”. Điều đó ngầm hiểu rằng Thủ tướng Anh đã “quá mềm mỏng” trước EU, trong khi vận động tranh cử vào chức Thủ tướng bà May lại là người có lập trường cứng rắn. Ông Trump còn nói, rất có thể sẽ chọn EU thay vì chọn Anh trong những thỏa thuận thương mại. Và điều đó thì người Anh không muốn.

Trả lời phỏng vấn tờ The Sun, ông Trump cho biết: “Tôi từng nói với bà Theresa May về cách đàm phán với EU, nhưng bà ấy không chịu nghe".

Những phát ngôn của ông Trump đã làm nóng thêm không khí chính trường nước Anh, quanh việc nước này sẽ “níu giữ” quan hệ với EU ra sao. Theo cách nói của CNN thì nội các Anh trở nên hỗn loạn khi Bộ trưởng Brexit David Davis và Ngoại trưởng Boris Johnson từ chức vì bất đồng về kế hoạch Brexit của Thủ tướng May. Còn đồng minh chiến lược truyền thống, ông Donald Trump, lại đổ dầu vào lửa khi không một chút e dè ngợi khen ông Johnson "sẽ là một Thủ tướng tuyệt vời cho nước Anh".

Quá trình không đơn giản

Brexit là một cụm từ được ghép từ hai từ: “Britain” chỉ nước Anh và “exit” chỉ hành động rời khỏi EU. Câu hỏi đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 là “Vương quốc Anh có nên tiếp tục là thành viên của EU hay nên rời khỏi EU?”. Khi đó, người dân Anh đã quyết định rời khỏi EU với tỷ lệ số phiếu ra đi là 52% so với số phiếu ở lại là 48%. Tỷ lệ cử tri Anh đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý là 71,8%, tương đương với hơn 30 triệu người. Đây là tỷ lệ cử tri cao nhất trong lịch sử kể từ cuộc bầu cử năm 1992. Nhưng ngay sau đó, nhiều người đã “lấy làm tiếc” và đề nghị trưng cầu dân ý lại. Tuy nhiên, chính phủ đương nhiệm đã bác yêu cầu đó.

Người dân London xuống đường bày tỏ thái độ với nội các của Thủ tướng Theresa May
Người dân London xuống đường bày tỏ thái độ với nội các của Thủ tướng Theresa May 

Quá trình “đi” hay “ở” của nước Anh với phần còn lại của châu Âu thực ra không hề đơn giản.

Năm 1973, nước Anh chính thức trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Kể từ đó, EU là đối tác thương mại lớn nhất của nước Anh, chiếm tới 44% sản lượng xuất khẩu và 53% sản lượng nhập khẩu của nước này (tính tới trước năm 2016, khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra và phe “ra đi” giành chiến thắng sát sao trước phe “ở lại”). Năm 2015, các nước trong EU đã đóng góp tương đương với 48% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Anh. Ngược lại, nước Anh đóng góp khoảng 12,57% tổng ngân sách của EU, chỉ đứng sau Pháp và Đức.

Kể từ năm 2010, khi EU bắt đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đó nổi bật nhất là cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và cuộc khủng khoảng nhập cư, nhiều người Anh nghi hoặc về mối quan hệ giữa Anh và EU và đặt câu hỏi: Liệu việc là một thành viên của EU có thực sự có lợi đối với Anh?

Năm 2013, Thủ tướng Anh David Cameron đã hứa sẽ mở một cuộc trưng cầu dân ý quyết định số phận của Anh ở EU nếu đảng Bảo thủ của ông này chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh. Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 23/6/2016. Ông Cameron ra đi, bà Theresa lên nắm quyền với quyết tâm rời khỏi EU.

Kể từ đó, quá trình Brexit được khởi động, và mốc chốt lại là ngày 29/3/2019.

Dằn vặt chặng cuối

Học giả Emily Jones cho rằng, đây là thời điểm cực kỳ khó khăn cho chính phủ của bà Theresa May, và rằng “chỉ vì Brexit mà không hiểu nó (chỉ chính phủ của bà May) có thể trụ lại được không”.

Trên thực tế thì do Brexit mà các chính khách Anh chia thành 2 phe: Phe “ra đi” và phe “ở lại”. Bà May trên cương vị Thủ tướng đã có những động thái làm “những cái đầu nóng” nguội bớt, bằng cách giúp nước Anh vẫn thoát khỏi EU nhưng bằng cách nhẹ nhàng, theo kiểu “ly thân nhưng không ly hôn”. Nhưng với việc cả Bộ trưởng Brexit lẫn Ngoại trưởng - những người cứng rắn thuộc phe “ra đi” của bà May nắm tay nhau từ chức cho thấy chính phủ nước Anh và “phe chủ chiến” đã rạn vỡ.

Tờ Economist của Anh cho biết, trong đơn từ chức gửi Thủ tướng May, ông Johnson cáo buộc rằng nước Anh đang tiến đến việc "Brexit nửa vời". Và rằng "giấc mơ Brexit đã chết, bị bóp nghẹt bởi sự tự hoài nghi vô cớ".

Còn tờ Daily Telegraph nhận xét, bà May đang phải nhận một đòn giáng chí tử. Tờ Guardian lại “dự cảm” rằng sẽ có một cuộc bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm với bà Thủ tướng.

Chính trị gia Tom Watson - Phó Chủ tịch Công đảng, nhận định: "Chính phủ của bà Theresa May đang tan rã. Đây là một cuộc hỗn loạn hoàn toàn và tuyệt đối. Đất nước đang rơi vào thế bế tắc với một chính phủ chia rẽ và hỗn loạn. Thủ tướng không thể thực hiện được quá trình Brexit và cũng không còn chút quyền lực nào nữa".

Để cứu vãn tình thế, đại diện chính phủ thông báo: 80% nội dung thỏa thuận của EU với Anh về Brexit đã được thông qua sau 12 tháng đàm phán chính thức. Nhưng người ta đã không dễ tin khi nhớ rằng do nhiều căng thẳng, vào tháng 6/2017, Thủ tướng Anh đã phải tổ chức bầu cử sớm nhằm củng cố sự ủng hộ trong Nghị viện trong quá trình đàm phán Brexit. Nhưng, trong khi đó, EU lại có những bước đi dứt khoát: Tháng 11/2017, các cơ quan của EU đặt tại London di chuyển. Ngày 19/3/2018, EU đã “ép” Anh theo một thỏa thuận về giai đoạn chuyển tiếp của Brexit, tính từ 29/3/2019 đến 31/12/2020.

Giới quan sát chung nhận định, tiến trình Brexit là không thể đảo ngược, nhưng đây chính là khoảng thời gian nước Anh “dằn vặt” không kém khi họ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đi hay ở, vào ngày 23/6/20160.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.