Ra đi trong tình thế nóng bỏng
Trong một lá thư từ chức được gửi đến bà May cuối tuần qua, ông David Davis cho rằng đang có “ít và có vẻ như ít hơn” các khả năng mà chính phủ bảo thủ lãnh đạo có thể đưa ra “tuyên bố rõ ràng để rời khỏi Liên minh Hải quan và Thị trường chung”. Sự ra đi của một người giữ vị trí quan trọng như ông David Davis có thể dẫn đến những thay đổi nhiều hơn và đẩy chính phủ của bà May vào hỗn loạn, khi nó bước vào một thời kỳ đàm phán quan trọng với EU.
Lá thư từ chức này cũng được gửi đến bà May đúng lúc Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị cho chuyến tham quan quan trọng của ông trong tuần này và nước Anh đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc tế mới sau khi một công dân Anh chết vì bị phơi nhiễm chất độc Novichok – thứ thuốc độc thần kinh từng được sử dụng để triệt hạ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông.
Việc từ chức của Davis diễn ra vào thời điểm sau khi bà May và chính phủ của mình đồng ý một kế hoạch Brexit “thân thiện với doanh nghiệp”. Đề xuất này, được công bố vào cuối một hội nghị thượng đỉnh quan trọng, đưa ra các biện pháp tìm cách bảo tồn thương mại hàng hóa cho Liên minh châu Âu, tránh kiểm tra biên giới và thuế quan, điều mà hầu hết các công ty sản xuất lo sợ. Trong một tuyên bố, bà May cho biết sẽ sớm trình bày đề xuất này với Liên minh châu Âu.
Kế hoạch không người ủng hộ
Về việc ông Davis từ chức, bà May cho biết, bà rất tiếc rằng ông đã chọn lựa rời khỏi chính phủ “khi chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực hiện một quá trình Brexit suôn sẻ và thành công”. Bà nói: “Nội các Anh đã đồng ý một đề xuất toàn diện và chi tiết, cung cấp các cơ sở chính xác, có trách nhiệm và đáng tin cậy để tiến hành các cuộc đàm phán về mối quan hệ mới giữa Anh và EU, sau khi nước Anh tách khỏi EU vào tháng 3 tới”.
Ông Davis cho rằng ông “không được thuyết phục rằng cách tiếp cận đàm phán của nước Anh sẽ không chỉ dẫn đến những nhu cầu nhượng bộ cao hơn”, và nói rằng lợi ích quốc gia yêu cầu người ở vị trí như ông phải là một “tín đồ nhiệt tình trong cách tiếp cận của mình, chứ không chỉ đơn thuần thực hiện một cách miễn cưỡng”.
Cuộc bỏ phiếu tháng 6/2016 để rời khỏi Liên minh châu Âu đã chấm dứt hiệu quả mối quan hệ đã kéo dài trong 44 năm. Điều 50 của Hiệp ước Lisbon cho phép sự ra đi tự nguyện của nước Anh sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2019. Việc không đồng ý các điều kiện với EU trước tháng 3 sẽ dẫn đến một quá trình Brexit “không thỏa hiệp”, có thể tàn phá mối quan hệ của Anh với thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, dẫn đến tình trạng không có thỏa thuận về việc ở lại hoặc tiếp cận với Liên minh hải quan và Thị trường chung.
EU từ lâu đã duy trì rằng các quốc gia bên ngoài Thị trường chung không thể được hưởng lợi ích từ thị trường này và việc tách khỏi EU có thể dẫn đến một biên giới cứng ở Ireland, điều mà nhiều người lo ngại sẽ có thể đảo ngược hòa bình ở Bắc Ireland mà khó khăn lắm mới đạt được trước đó.
Chính phủ hỗn loạn Lãnh tụ đối lập Jeremy
Corbyn nói rằng sự từ chức của Davis vào thời điểm quan trọng như vậy khiến bà May “không còn đủ thẩm quyền và không có khả năng thực hiện Brexit”. “Với sự hỗn loạn trong chính phủ, nếu bà May vẫn khăng khăng theo đuổi, thì rõ ràng bà đang chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, hơn là phục vụ nhân dân nước Anh” - lãnh đạo Đảng Lao động viết trên Twitter.
Trong một bản thông báo hồi tháng 9/2017 cho CNN, ông Davis đã viết: “Brexit không phải là về việc Anh thụt lùi so với thế giới, mà là nước Anh sẽ nhảy vào những cơ hội mới xuất hiện”. “Không còn thuộc về EU, Anh sẽ trở nên cởi mở hơn đối với sự đổi mới và thay đổi công nghệ, đồng thời thúc đẩy các tiêu chuẩn toàn cầu”, ông viết. “Chúng tôi có thể là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, chúng tôi có thể trở thành một nhà vô địch thực sự của thương mại tự do”. Ông Davis là người ủng hộ nhiệt thành nhất với chiến dịch trưng cầu dân ý Brexit, nhưng đây cũng là điểm mấu chốt khiến ông bất đồng với Thủ tướng và những người ủng hộ ở lại EU.