Sự xoa dịu từ chính phủ Anh
Báo cáo đã nêu rõ rằng dù việc tự do đi lại không còn nữa, nhưng chính phủ sẽ thu xếp để trong tương lai vẫn tạo điều kiện về đi lại cho SV nhằm giúp họ có thể hưởng nền giáo dục đến từ các trường ĐH hàng đầu thế giới.
Điều này sẽ có thể cho phép việc đi lại “đã được sắp xếp hợp lý” Anh và EU, với mục đích không phải chỉ để học mà còn để trải nghiệm văn hóa. Cũng có nghĩa, giống như khách du lịch và nhà đầu tư, SV sẽ không cần xin visa. Họ có thể sẽ không được “tự do đi lại” về mặt lý thuyết, nhưng thực tế vẫn có thể “đi lại một cách tự do”.
Thống kê cho thấy hiện có khoảng 135.000 SV thuộc khối đang theo học tại các trường ĐH ở Anh, chưa kể khoảng 36.000 người khác đang tham gia vào công tác đào tạo. Các nhà nghiên cứu, những người đang làm việc trong các dự án đa quốc gia trên toàn EU vẫn chưa thực sự biết quyền cư trú và làm việc của họ sẽ thay đổi như thế nào.
Một trong những câu hỏi đặt ra đầu tiên là sự đi lại “được sắp xếp hợp lý” này khác thế nào so với hiện tại? Rằng “tạo điều kiện đi lại” thực sự nghĩa là gì? Ngoài lo lắng về quyền được di chuyển, những người thuộc EU còn lo lắng về quyền được ở lại Anh liệu còn được bảo đảm.
Với SV, tiền học phí sẽ là mối quan tâm lớn nhất. Hiện tại, những SV thuộc khối EU vẫn đóng mức học phí bằng với SV Anh. Chính phủ Anh cũng vừa khẳng định rằng kỳ tuyển sinh ĐH đầu tiên sau Brexit tới đây, tức là vào mùa thu năm 2019, sẽ không có gì thay đổi đối với SV châu Âu.
Nhưng câu hỏi lớn đặt ra cho các trường ĐH là điều gì sẽ xảy ra sau thời điểm đó? Với các trường ĐH lớn, nhất là các trường có tới 1/4 SV là người châu Âu, điều này là một mối quan tâm về tài chính hết sức nghiêm túc, bởi lẽ khi Anh không còn thuộc EU, chắc chắn các ưu đãi cũng phải bãi bỏ, không trước thì sau chứ không thể kéo dài mãi như cũ.
Lợi nhuận vẫn là trên hết
The White Paper (Sách trắng về Brexit) do Chính phủ Anh công bố, đề cập đến một khát vọng lớn hơn cho một “Hiệp ước về văn hóa và GD giữa Anh và châu Âu”, trong đó Anh tiếp tục là một thành viên của “các nhóm văn hóa” và “mạng lưới” của châu Âu. Nhưng đối với các trường ĐH, “mạng lưới” quan trọng nhất về tài chính chính là nguồn tiền lớn dành cho nghiên cứu của châu Âu, chắc chắn sẽ bị cắt khi Anh chính thức rời khỏi khối.
Đề xuất của chính phủ cho thấy rõ ràng họ muốn tìm cách để được tiếp tục là một phần của quá trình hỗ trợ nghiên cứu này. Nhưng cơ chế và chi phí thì cần phải thương lượng.
Khi là một thành viên của EU, các trường ĐH ở Anh hưởng lợi rất lớn từ quỹ tài trợ nghiên cứu của EU. Theo kế hoạch đã đặt ra trước đó, vòng nghiên cứu tiếp theo sẽ trị giá gần 100 tỷ euro, tương đương 88 tỷ bảng Anh; vì vậy, với các trường ĐH Anh, đây thực sự là điều bất lợi nguồn hỗ trợ hàng tỷ euro ấy sẽ biến mất.
Sách trắng của chính phủ Anh xoa dịu rằng sau Brexit, nước Anh sẽ tìm hướng cho một hình thức liên kết, nghĩa là đóng góp một phần tài chính cho EU để tiếp tục tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế lớn và tốn kém của tổ chức này. Kế hoạch nói trên được các trường ĐH Anh hoan nghênh, nhưng hiện vẫn phải chờ xem liệu Anh sẽ phải trả bao nhiêu, được kiểm soát bao nhiêu các quyết định về chi tiêu, để hy vọng tiếp tục được hưởng lợi ròng nữa hay không.
Bức tranh lớn từ các kế hoạch Brexit trong lĩnh vực GD cho thấy mong muốn của chính phủ trong việc giữ liên kết mở cho SV và nghiên cứu, y như với khi vẫn là thành viên của EU. Nhưng đó là một bức tranh mới chỉ được vẽ bằng các nét chung chung, việc thêm vào các chi tiết đòi hỏi các quyết định khó khăn, chưa kể cũng chưa có ý kiến của khối EU.