Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Kiên trì mục tiêu chất lượng khi triển khai Chương trình mới

GD&TĐ - Ngày 12/11, Đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Giáo dục dục phổ thông năm học 2021- 2022 và triển khai CT GDPT 2018 tại Lạng Sơn.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với ngành GD&ĐT huyện Lộc Bình.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với ngành GD&ĐT huyện Lộc Bình.

Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo, chuyên viên các Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).

Chia sẻ khó khăn

Tại Trường THCS Đồng Bục, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn, đoàn công tác đã dự giờ tiết dạy môn Khoa học tự nhiên. Đoàn đã làm việc với nhà trường, UBND huyện Lộc Bình và cán bộ giáo viên các trường TH, THCS trên địa bàn huyện qua hình thức trực tuyến.

Nhấn mạnh công tác triển khai CT GDPT 2018, cô Nông Thị Ngoại, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Bục, cho biết: Nhà trường đã chủ động về cơ sở vật chất phòng học, đầu tư trang thiết bị cơ bản để phục vụ tốt cho công tác giảng dạy lớp 6. Tính đến thời điểm hiện tại, trường có 3 phòng học của 3 lớp 6, 1 phòng Tin học - Tiếng Anh, phòng học thoáng mát đảm bảo đúng yêu cầu dạy học. Trang bị các thiết bị, đồ dùng dạy học cho giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học lớp 6 theo yêu cầu của chương trình 2018.

Nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên dạy lớp 6 có trình độ đào tạo chuẩn, chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm lâu năm dạy lớp 6. 100% giáo viên dạy lớp 6 được tập huấn đầy đủ nội dung chương trình sách giáo khoa, kĩ thuật, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực phẩm chất học sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Đồng Bục, huyện Lộc Bình.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Đồng Bục, huyện Lộc Bình.

Tuy nhiên, cô Ngoại trăn trở: Hiện nay, trang thiết bị dạy học cho chương trình lớp 6 hầu như chưa có, giáo viên chưa được tập huấn sử dụng thiết bị. Đối tượng học sinh còn chậm, tiếp thu phương pháp dạy học phát triển phẩm chất năng lực còn hạn chế dẫn đến khó khăn cho giáo viên dạy lớp 6.

"Tỷ lệ gia đình học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn chiếm khá cao nên công tác xã hội hoá giáo dục còn gặp khó khăn", cô Ngoại bày tỏ.

Ông Đỗ Công Trung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lộc Bình, cho biết: toàn ngành hiện có 78 trường, tính cả trường nội trú và 115 điểm trường lẻ. Năm học 2021-2022, toàn ngành có 11 trường Phổ thông dân tộc bán trú. Năm học này, toàn huyện vẫn còn 39 lớp ghép/25 điểm trường/13 trường, trong đó 47 học sinh/5 lớp/2 trường ghép 3 trình độ.

"Công tác triển khai dạy và học ở các trường cơ bản đảm bảo nội dung, tiến độ theo kế hoạch, đáp ứng được yêu cầu đề ra trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19", ông Trung nói và cho hay việc triển khai năm học 2021-2022 và CT GDPT 2018 còn gặp nhiều khó khăn.

Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phòng học bộ môn, máy vi tính phục vụ giảng dạy ở một số trường còn thiếu, chưa đồng bộ. Đối với môn Ngoại Ngữ, hiện đa số các trường đều thực hiện việc giảng dạy ngay tại phòng học văn hoá, chưa có phòng nghe riêng cho học Ngoại ngữ. Các thiết bị dạy học phục vụ cho Chương trình lớp 2,6 chưa được cung cấp kịp thời nên ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học theo CT GDPT 2018.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên chưa đồng đều, một số giáo viên do tuổi cao, trình độ, năng lực, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng tốt yêu cầu chương trình GDPT mới nên khó khăn trong công tác.

Tiết học môn Khoa học tự nhiên tại lớp 6 Trường THCS Đồng Bục, huyện Lộc Bình.
Tiết học môn Khoa học tự nhiên tại lớp 6 Trường THCS Đồng Bục, huyện Lộc Bình.

Tháo gỡ vướng mắc

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục huyện Lộc Bình trong việc thực hiện nhiệm vụ Giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018. Thứ trưởng đề nghị ngành giáo dục tiếp tục phát huy những điểm tích cực; tham mưu với chính quyền địa phương để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại.

Thứ trưởng lưu ý ngành giáo dục huyện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nhận thức về nội dung của CT GDPT 2018 đến toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Song song, cần bồi dưỡng, tập huấn kĩ lưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy năm tới, đặc biệt với lớp 10 để thầy cô không gặp lúng túng khi thực hiện chương trình.

Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19, Thứ trưởng lưu ý ngành giáo dục huyện Lộc Bình cần tổ chức triển khai dạy học đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; không để dịch xâm nhập vào trường học. Ngành giáo dục và các nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai dạy học trực tuyến để không bị động; kiên trì mục tiêu chất lượng; giúp phát triển năng lực học sinh.

Chia sẻ về vấn đề cơ sở vật chất, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh phương châm của Bộ là không để thiết bị “đến trường không ra lớp”. Các nhà trường cần tận dụng những thiết bị dạy học đã có, sử dụng trang thiết bị có hiệu quả để triển khai chương trình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.