Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Linh hoạt, chủ động đưa năm học "về đích"

GD&TĐ - Ngày 21/10, sau khi kiểm tra thực tế một số trường Tiểu học, THCS, đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã làm việc với UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Thái Bình về việc thực hiện nhiệm vụ GDPT năm học 2021- 2022.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu có bà Trần Thị Bích Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Cùng dự có lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học; Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT); Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thái Bình; Trưởng phòng ban chuyên môn; Trưởng phòng GD&ĐT thành phố/huyện thị; Hiệu trưởng các trường học…

Chuẩn bị mọi điều kiện cho năm học đặc biệt

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ thông năm học 2021-2022; công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết: Để công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn trong trường học Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho học sinh học tập khi bị mắc kẹt hoặc có nguyện vọng chuyển trường, Sở GD&ĐT Thái Bình đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trong cả nước phối hợp hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo các trường trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để học sinh các địa phương khác được học tập tại Thái Bình.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 là 24.453 người; đạt tỷ lệ 92%; trong đó tỉ lệ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần 1 đạt 93%. 100% các cơ sở giáo dục có Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thành lập Tổ an toàn Covid-19.

Triển khai hiệu quả đưa đón giáo viên và học sinh từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội về và thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thái Bình cũng cho biết năm học mới diễn ra trong bối cảnh dịch phức tạp nên trong công tác xây dựng và tổ chức kế hoạch giáo dục nhà trường, căn cứ các văn bản của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường.

Các cơ sở giáo dục cơ bản hoàn thiện điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cụ thể đối với lớp 1, 2: Sở GD&ĐT chỉ đạo trường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu; đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ tiết học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Hợp Hưng (Thái Bình).
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ tiết học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Hợp Hưng (Thái Bình).

Thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của CT GDPT 2018; tổ chức các hoạt động củng cố để học sinh tự hoàn thành nội dung học tập, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh…

Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần; kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục.

Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh bố trí trên 135 tỷ đồng để bồi dưỡng giáo viên, mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu giảng dạy, biên soạn tài liệu địa phương phục vụ CT GDPT 2018; Ban hành, triển khai nhiều cơ chế chính sách để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trường học.

Đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp cho môn học tự chọn, hoạt động củng cố và hoạt động giáo dục khác…

Đối với các lớp 3, 4, 5: Trên cơ sở CT GDPT 2018, Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT giao quyền chủ động cho các trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với CT GDPT 2018.

Đối với lớp 6: Chỉ đạo, hướng dẫn hiệu trưởng nhà trường căn cứ yêu cầu các môn học, hoạt động giáo dục để điều chỉnh kế hoạch thời gian thực hiện chương trình, phân công giáo viên giảng dạy hợp lý,

Đáng chú ý, để triển khai CT GDPT 2018 tỉnh đã chuẩn bị chu đáo về đội ngũ. Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các bậc học giai đoạn 2021-2025.

Đề xuất điều kiện tuyển dụng đặc cách giáo viên có hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Triển khai tổ chức tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở đầy đủ các mô đun, sử dụng sách giáo khoa theo Kế hoạch của Bộ GD&ĐT.

Bà Trần Thị Bích Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trao đổi tại buổi làm việc
Bà Trần Thị Bích Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trao đổi tại buổi làm việc

Để năm học "về đích” an toàn

Trực tiếp kiểm tra công tác dạy học ở cơ sở giáo dục và nghe báo cáo, trao đổi của Sở/Phòng GD&ĐT, các nhà trường phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao việc thực hiện các nhiệm vụ năm học 2021-2022 của ngành GD&ĐT Thái Bình, đặc biệt là việc triển khai CT GDPT mới.

Theo Thứ trưởng, năm học 2021- 2022 rất đặc biệt khi diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường; các trường học vẫn tiếp tục triển khai CT GDPT mới theo lộ trình đối với các lớp 1, 2, 6.

Đây cũng là năm đầu tiên cả nước thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, trong đó Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 có nhấn mạnh nội dung: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Với những thực tế đó, Bộ GD&ĐT đã cùng các tỉnh, thành linh hoạt, chủ động, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động giáo dục thích ứng với tình hình mới. Trong đó có việc linh hoạt dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, dạy trực tiếp, tương ứng với từng thời điểm kiểm soát dịch của từng địa bàn trên các địa phương...

Về việc triển khai thực hiện CT GDPT mà hiện nay đang song song dạy chương trình 2006 và 2018 tương ứng với từng khối lớp, Thứ trưởng đề nghị các cán bộ, giáo viên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu để thấy sự khác biệt của 2 chương trình.

Trong đó, thay đổi lớn ở CT GDPT 2018 với mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất-năng lực cho học sinh, so với chương trình cũ, là cho phép các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục.

Ngành GD&ĐT Thái Bình có nhiều nỗ lực trong triển khai CT GDPT 2018.
Ngành GD&ĐT Thái Bình có nhiều nỗ lực trong triển khai CT GDPT 2018.

Như vậy các cơ sở giáo dục được chủ động phân phối chương trình để phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường, miễn sao đáp ứng được yêu cầu của chương trình, đảm bảo chuẩn đầu ra cho từng môn học.

Để thực hiện tốt CT GDPT 2018, cũng như chương trình 2006, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên cần được đặc biệt chú trọng; có đánh giá chất lượng đầu ra để phát huy hoặc điều chỉnh kịp thời những vấn đề cần thiết tác động tiêu cực tới chất lượng tập huấn. 

Các nhiệm vụ khác mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề nghị ngành giáo dục Thái Bình quan tâm triển khai trong thời gian tới đó là tiếp tục quán triệt đầy đủ, kỹ lưỡng văn bản chỉ đạo/hướng dẫn của Bộ, Sở; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhưng không để tình trạng “thiết bị đến trường mà không ra lớp”; Đổi mới công tác quản trị trường học từ quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang quản trị chất lượng…

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình bày tỏ: Ngành GD&ĐT Thái Bình tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn công tác và đặc biệt những chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ. Đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để ngành GD&ĐT thực hiện tốt nhiệm vụ GDPT năm học 2021- 2022 và đổi mới giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.