Bồi dưỡng gắn liền với đổi mới
Bước vào năm học 2021-2022, cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018 lớp 2 và lớp 6 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã nhanh chóng bắt nhịp và triển khai giảng dạy sách giáo khoa mới. Thành quả này có được là nhờ quá trình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục của các thầy cô giáo trong nhiều năm, đặc biệt là bồi dưỡng các mô đun thuộc Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT).
Nhà giáo Đào Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Văn Giang, chia sẻ: Để thực hiện chương trình GDPT 2018 với lớp 2, lớp 6, Phòng GD&ĐT đã đặt ra mục tiêu đổi mới, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên thông qua con đường bồi dưỡng, tập huấn.
Mô hình bồi dưỡng mới do Bộ GD&ĐT triển khai trong 3 năm qua thông qua Chương trình ETEP, chuyển từ hoạt động bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng, nghĩa là Bộ tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) cốt cán với phương thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, sau đó đội ngũ cốt cán hỗ trợ giáo viên đại trà, CBQLCSGDPT đại trà tự học trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) cũng như trong sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường, cụm trường.
Phương thức bồi dưỡng mới này đã tạo ra các cộng đồng học tập hiệu quả trong đội ngũ nhà giáo. Các thầy cô tạo ra các cộng đồng học tập trên Zalo, Facebook, cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Đầu tiên là đổi mới phương pháp dạy học, cách thức dạy học và áp dụng kỹ thuật công nghệ vào giảng dạy để phát triển năng lực, phẩm cho học sinh.
Thứ hai là đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh. Phòng GD&ĐT phối hợp cùng các nhà trường tổ chức tập huấn cho giáo viên để phát triển năng lực phẩm chất học sinh, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Thứ ba là đổi mới phương pháp quản lý. Mục tiêu Phòng Giáo dục đề ra là cán bộ quản lý phải biết ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm trong quản lý.
Thứ tư là đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Theo bà Bích Ngọc, trước đây, hoạt động sinh hoạt chuyên môn được tổ chức dưới hình thức nhận xét ưu, nhược điểm và những việc làm được, chưa làm được của giáo viên, cán bộ quản lý.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Phòng GD&ĐT Văn Giang tổ chức dự giờ sinh hoạt chuyên môn, dự giờ các hoạt động của học sinh nói chung và học sinh lớp 2, lớp 6. Từ đó, giáo viên có cái nhìn cụ thể về cách làm việc của đồng nghiệp để học hỏi, dung nạp vào phương pháp giảng dạy của cá nhân và rút kinh nghiệm với các nhà trường
Tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, việc bồi dưỡng phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý đến giáo viên trực tiếp dạy chương trình lớp 2 và lớp 6 có nhiều thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng phòng Phòng GD&ĐT Can Lộc cho biết phòng đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo trường, cụm trường với các nội dung như thực hành soạn giáo án, dạy thể nghiệm, sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học.
Để giúp giáo viên khắc phục khó khăn trong dạy học theo chương trình GDPT 2018, Phòng GD&ĐT thành lập một tổ tư vấn ở mỗi cấp học. Qua đó, giáo viên và các nhà trường có thể hỗ trợ lẫn nhau, tư vấn chuyên môn phù hợp với thực tế.
Tháo gỡ vướng mắc
Bà Hường cho biết, trong quá trình triển khai chương trình mới gặp khó khăn, vướng mắc, các nhà trường cần cập nhật và báo cáo về Phòng GD&ĐT hàng tuần để có giải pháp kịp thời tháo gỡ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giao ban mỗi tháng một lần về dạy học đối với lớp 2 và lớp 6.
Cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới với lớp 2, lớp 6 đặc biệt được quan tâm, khuyến khích tự nghiên cứu và nghiên cứu tập trung chương trìnn, nghiên cứu sách giáo khoa và đề xuất lựa chọn sách. Phòng cử giáo viên đủ điều kiện tham gia tập huấn do nhà xuất bản tổ chức.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến trường học phải chuyển sang giáo dục trực tuyến. Mô hình mới đi kèm nhiều thách thức song huyện Văn Giang vẫn tiếp tục triển khai bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên thông qua phần mềm Microsoft Teams.
Các nhà trường, cụm trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học. Qua đó, thầy cô giáo giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn, vất vả và cùng nhau rút kinh nghiệm trong công tác giáo dục.
Để chuẩn bị đội ngũ nhà giáo dạy lớp 2 và lớp 6, thầy giáo Nguyễn Đức Thái, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Chí Tân, Hưng Yên, cho biết từ năm học trước, trường tổ chức cho giáo viên dự kiến dạy lớp 2 dự giờ lớp 1 và giáo viên dạy lớp 6 dự giờ lớp 5. Từ đó, thầy cô giáo có thể nắm bắt phương pháp giảng dạy trước thềm năm học mới và có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi triển khai Chương trình GDPT 2018 cho 2 khối lớp.
TS Nguyễn Thị Ninh, Hiệu phó Trường THCS – THPT Trần Quốc Tuấn, Hà Nội, cho rằng, để nâng cao năng lực nghề nghiệp, giáo viên phổ thông cần trang bị tốt kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để tương tác thường xuyên với đồng nghiệp, khai thác tối đa các nguồn học liệu mở, cập nhật các thông tin mới, đổi mới cách thức giảng dạy đem lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học. Như vậy, thầy cô giáo có thể tự nâng cao năng lực nghề nghiệp trong triển khai chương trình mới.
“Mỗi giáo viên phải tự đào tạo thông qua các học liệu mở ngay trong tổ, nhóm bộ môn và hệ thống thư viện số của từng nhà trường để tiếp cận các nguồn thông tin mới, cập nhật kiến thức của bộ môn, hỗ trợ cho việc giảng dạy tại trường phổ thông”, cô Ninh bày tỏ.