Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao việc triển khai CTGDPT mới của Vĩnh Phúc

GD&TĐ - Chiều 29/4, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về nhiệm vụ triển khai Chương trình GDPT mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Tham gia đoàn công tác cố ông Đỗ Đức Quế-Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) và các chuyên viên hai Vụ.

Làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Vĩnh Phúc có ông Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Huyến – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo một số Sở, Ban, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và Trưởng phòng GD&ĐT các huyện; Hiệu trưởng các Trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Đạt yêu cầu đề ra

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn khương Duy – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc báo cáo về tình hình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1; chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; tình hình triển khai biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương tại Vĩnh Phúc.

Về tình hình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT năm 2018 đối với lớp 1, báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nêu: UBND tỉnh đã sớm có kế hoạch tuyển dụng đội ngũ nhằm từng bước đáp ứng đội ngũ GV thực hiện chương trình GDPT mới. Năm 2019, tuyển dụng 350 GV văn hóa cấp tiểu học. Năm 2020, tuyển dụng 673 GV văn hóa và GV đặc thù cấp tiểu học. Năm học 2020-2021, ngành GDĐT hợp đồng 259 GV tiểu học đồng thời ưu tiên sắp xếp đủ số lượng GV dạy lớp 1 năm học 2020-2021 nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn đưa ra kiến nghị với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn đưa ra kiến nghị với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.

Cơ sở vật chất được chuẩn bị trước khi bước vào năm học đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về phòng học (kể cả việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày), về thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm các điều kiện triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1. Cùng với đó, tiến hành rà soát, mua sắm bổ sung để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học đáp ứng cho triển khai dạy học lớp 2, lớp 6.

Ngành GDĐT cũng đã cử 167 CBQL, GV cốt cán tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT; xây dựng kế hoạch 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 được bồi dưỡng trực tuyến trên hệ thống LMS.

Công tác biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương được ngành GDĐT tỉnh thực hiện đúng tiến độ; trong đó, đã hoàn thành việc biên soạn và thực hiện giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương lớp 1; đang thẩm định và hoàn thiện công tác biên soạn đối với tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6. Nội dung tài liệu giáo dục địa phương ở mỗi khối lớp có 8 chủ đề, đều gắn liền với văn hóa, con người, đặc trưng vùng, miền của Vĩnh Phúc.

Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, việc triển khai chương trình GDPT mới với lớp 1 tại Vĩnh Phúc được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, chặt chẽ khoa học và đạt kết quả tốt. Đến nay, có thể đánh giá học sinh lớp 1 tại Vĩnh Phúc đã đạt yêu cầu đối với chương trình GDPT mới.

“Với chương trình lớp 2, 6 Vĩnh Phúc chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng đón nhận chương trình với tâm thế tốt. Sắp tới, việc tập huấn cho giáo viên sẽ được thực hiện kết hợp giữa tập huấn trực tiếp và trực tuyến. Và đặc biệt, công thức 5-3-7 sẽ được triển khai đại trà đến các giáo viên với mục tiêu là biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng để có được đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt. Và, mỗi 1 trường sẽ có 1 số giáo viên cốt cán được bồi dưỡng để hỗ trợ thường xuyên, liên tục cho các đồng nghiệp”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Gỡ vướng về chính sách

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn khẳng định Vĩnh Phúc luôn quan tâm, dành kinh phí lớn cho đầu tư phát triển GDĐT. Chất lượng giáo dục của tỉnh nhiều năm ở vị thế cao, trong nhóm dẫn đầu cả nước; cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học cơ bản đồng bộ, hiện đại; 100% cơ sở công lập từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia.

Từ đó, ông Vũ Việt Văn đề nghị, Chính phủ ban hành cơ chế bổ sung đội ngũ, hợp đồng giáo viên còn thiếu nhằm đáp ứng triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018; Bộ GD&ĐT sớm xây dựng hướng dẫn, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐT; đảm bảo đội ngũ giáo viên dạy học tích hợp liên môn; sớm ban hành quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đủ các khối lớp học....

Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác.
Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Huyến phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác.

Tại hội nghị, nhiều hiệu trưởng các nhà trường đã chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai chương trình GDPT mới. Đồng thời, nêu kiến nghị với UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển quy mô mặng lưới trường lớp và nhất là đội ngũ giáo viên còn thiếu trong thời gian tới.

Hội nghị cũng được nghe ý kiến giải đáp của lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính đối với những chính sách đãi ngộ cho giáo viên; chính sách tài chính đối với các cơ sơ giáo dục trên địa bàn và giải pháp đối với số giáo viên còn thiếu so với quy định trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Thao - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (Vĩnh Yên) chia sẻ kinh nghiệm triển khai CTGDPT mới.
Bà Nguyễn Thị Thao - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (Vĩnh Yên) chia sẻ kinh nghiệm triển khai CTGDPT mới.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ một lần nữa đánh giá cao việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 của Vĩnh Phúc, đã có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân. Qua thực tế dự giờ tại một số trường học của thành phố Vĩnh Yên, giáo viên chủ động, học sinh tự tin. Tài liệu giáo dục địa phương được Vĩnh Phúc biên soạn, thẩm định và đưa vào giảng dạy ở lớp 1 sớm so với các tỉnh, thành khác. Đối với những kiến nghị của Vĩnh Phúc về phát triển sự nghiệp GDĐT, Bộ GD&ĐT sẽ lưu ý và phối hợp với các Bộ để tháo gỡ.

Thứ trưởng cũng khuyến khích Vĩnh Phúc tích cực đổi mới và tăng cường dạy học ngoại ngữ, tin học, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế; đồng thời, đề nghị Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đề nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, đoàn thể, nhân dân về tinh thần đổi mới của Chương trình GDPT 2018; thực hiện nghiêm túc, thực chất việc đánh giá định kỳ với đánh giá thường xuyên đối với học sinh; phải đổi mới chương trình GDPT 2018 ngay khi thực hiện Chương trình GDPT hiện hành… để tạo sự đột phá trong đổi mới GDĐT.

Đối với lớp 1, kết thúc học kỳ I năm học 2020 – 2021 tại Vĩnh Phúc, có hơn 97% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học, đạt yêu cầu về năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Đối với việc triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, ngành GDĐT Vĩnh Phúc đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cả về đội ngũ và cơ sở vật chất để triển khai chương trình SGK mới năm học 2021-2022.

Công tác lựa chọn và triển khai sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tiếp tục được ngành GDĐT thực hiện theo đúng tiến độ. Sở GD&ĐT đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong năm học 2021 – 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.