Kiếm tiền kiểu "trái khoáy", "khó tin"
Các kênh giải trí trực tuyến như YouTube hay mạng xã hội Facebook được biết tới với lượng người sử dụng đông đảo trên khắp thế giới. Từ đây, những người biết cách khai thác có thể kiếm được những khoản tiền đáng kể, dựa vào chính sách tạo thu nhập của nhà cung cấp, cùng khả năng quảng cáo hiệu quả.
Trao đổi với PV, hai chuyên gia trong lĩnh vực tạo kênh, kiếm tiền từ YouTube và Facebook (đề nghị ẩn danh) đã chỉ rõ: Chủ kênh YouTube (YouTuber) có 2 nguồn tạo thu nhập để nhận chi trả từ Google (sở hữu YouTube).
Một là, thu nhập từ việc chạy quảng cáo tự động trên trang, hoặc trên màn hình phát video, khi người dùng truy cập. Hai là, đan xen yếu tố quảng cáo vào video, và người chủ kênh trực tiếp thỏa thuận với phía đặt quảng cáo.
Trong khi đó, doanh thu qua Facebook chủ yếu nằm ở nguồn thứ 2 như của YouTube.
Với cơ chế nói trên, có thể thấy, kênh hoặc nhân vật nào càng có đông người theo dõi, thì khả năng thu lợi càng lớn.
Vị chuyên gia ước tính, với lượng người theo dõi mà kênh YouTube của Khá "bảnh" đạt được, khả năng kiếm 200-400 triệu đồng/tháng là hoàn toàn khả thi. Những kênh tương tự mà có lượng người theo dõi ít hơn, chủ kênh kiếm được 20-30 triệu đồng/tháng không phải là hiếm.
Cùng với đó, khi nhìn vào các clip "ăn khách" của Khá Bảnh, hay của những YouTuber nhảm nhí tương tự, như Dương Minh Tuyền, có thể thấy sự đầu tư gần như không có.
Chuyên gia lý giải rằng, Khá "bảnh" và một số đối tượng khác đã may mắn đánh trúng tâm lý của một bộ phận người xem, khai thác nguyên tắc cơ bản về marketing là "nội dung tiêu cực lan tỏa nhanh gấp 10 đến 30 lần so với tin tích cực".
Do vậy, chỉ cần ngồi trước camera, tạo ra những nội dung sặc mùi bạo lực bằng... miệng, như dọa nạt, chửi bới, hứa hẹn chơi trội..., những đối tượng này đã thu hút được lượng người xem khó tin.
Cũng vì đầu tư ít, làm clip không mất công, lại may mắn có nhiều người theo dõi, nên những kênh YouTube nhảm nhí như của Khá "bảnh", Dương Minh Tuyền, ĐS... giúp họ có nguồn thu đáng kể mỗi tháng.
Khá "bảnh" "thành công" nhờ sự góp sức của kiểu thị hiếu lệch lạc
Nếu như từng làm kênh YouTube hoặc tạo các fanpage trên Facebook, người ta sẽ thấy cơ chế quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của các nhà cung cấp dịch vụ này.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao với cơ chế như vậy, những kênh thông tin nhảm nhí kiểu Khá Bảnh vẫn có "đất sống"?
Lý giải về điều này, hai vị chuyên gia cho biết rằng, YouTube (hay Facebook) đều đặt ra nguyên tắc rõ ràng, chi tiết, để yêu cầu người tham gia phải tuân thủ.
"Tuy nhiên, không ít YouTuber ở Việt Nam luôn tìm cách lách luật, vì như đã nói, những nội dung tiêu cực dễ hút người xem hơn. Hoặc có những kênh được tạo ra với nội dung ban đầu rất "lành", để đánh lạc hướng của nhà quản lý. Sau đó, họ mới dần chèn những nội dung tiêu cực, phi giáo dục vào", vị chuyên gia cho biết.
Bên cạnh đó, YouTube cũng luôn cung cấp tính năng "Báo cáo" để tự người dùng có thể phản hồi về những nội dung tiêu cực cho đội ngũ quản lý, bởi lượng nội dung mới được cập nhật từng giờ, từng phút trên hệ thống của họ, khiến YouTube không thể kiểm soát chi tiết tất cả.
Song ở cộng đồng khán giả Việt, tính năng "Báo cáo" đó cũng trở nên không hữu dụng, do thị hiếu lệch lạc của một bộ phận không nhỏ người xem.
Vị chuyên gia cho hay: "Đối với những video của Khá Bảnh thì lượng người ủng hộ, thích xem lại đông hơn những người muốn báo cáo. Hoặc không ít người dù không thích, nhưng cũng chẳng quan tâm việc báo cáo. Điều đó khiến lượng báo cáo quá ít, quá chênh lệch, so với lượng người xem và bày tỏ ủng hộ. Bên cạnh đó, một số kẻ lại lạm dụng tính năng báo cáo, để dìm hàng đối thủ".
"Chính vì thế, YouTube mặc nhiên để tồn tại những kênh YouTube nhảm nhí đó, dựa trên yếu tố đánh giá xác suất. Và chủ kênh xấu có thể dễ dàng kiếm tiền bằng các nội dung tiêu cực".
Gần đây, cơ quan quản lý của Việt Nam (Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã vào cuộc quyết liệt, đề nghị Google và YouTube khóa những kênh nhảm nhí của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền... Kết quả là, các kênh này đã bị đóng cửa, những nội dung bạo lực biến mất, trong khi tài khoản kiếm tiền bị cấm vĩnh viễn.
Đắm chìm trong những clip nhảm nhí của Khá "bảnh", Dương Minh Tuyền, các bạn trẻ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy, nhận thức xã hội
Cả hai chuyên gia về YouTube đều đưa ra lời khuyên: "YouTube hay Facebook đều có 2 mặt tốt - xấu như rất nhiều sản phẩm, dịch vụ khác.
Để những nội dung nhảm nhí, phi giáo dục, hô hào, kích động bạo lực... không còn "đất sống", mỗi người tham gia nên ý thức về vai trò của mình, để báo cáo video và tài khoản xấu ngay khi thấy.
Cùng với đó, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm đến con em mình hơn, vì thực tế cho thấy, lượng "khán giả trung thành" của những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, DT, ĐS... phần đông là các em học sinh cấp 2, 3, dễ bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ tiêu cực truyền đạt qua clip".