Một trong những điểm mới nổi bật là ngoài các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương), học sinh được lựa chọn 4 trong 9 môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này.
Ghi nhận sau gần 1 học kỳ triển khai, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị theo hướng phát huy tính chủ động và đề cao năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. SGK, nguồn học liệu, thiết bị dạy học được khai thác hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học được vận dụng linh hoạt nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đánh giá: Chương trình đã bám sát mục tiêu rèn luyện và phát huy năng lực người học. Từ định hướng của chương trình, những bài học được sắp xếp linh hoạt. Học sinh có nhiều thời gian để chủ động học tập, tích cực thể hiện bản thân, làm chủ quá trình lĩnh hội tri thức. Không khí lớp học có nhiều thay đổi, hứng thú, sôi nổi hơn. Ở phần lớn cơ sở giáo dục, chương trình mới được cả thầy và trò đón nhận với tâm thế hào hứng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo.
Tất nhiên, năm đầu triển khai, tính mới của chương trình vừa là cơ hội, vừa là thử thách khi người dạy chưa nắm bắt được chiều sâu; chưa nghiên cứu kỹ lưỡng, suy ngẫm sâu xa; sự kiểm chứng tính phù hợp, cũng như hiệu quả của chương trình trong thực tiễn giảng dạy chưa có. Đối với người học, mục tiêu của chương trình đặt ra là phù hợp. Song nếu là học sinh được tiếp cận với chương trình mới từ THCS, hệ thống năng lực đã bước đầu được hình thành và cấp THPT tiếp nối phát triển thì hiệu quả sẽ rất tích cực.
Nhưng, học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 được tiếp thu Chương trình 2006 ở khối THCS, với hệ thống mục tiêu có nhiều điểm khác. Năm học này, các em học Chương trình 2018 với hệ thống mục tiêu nhiều mới mẻ. Điều này dẫn đến những hạn chế nhất định về nền tảng hệ thống năng lực, nên khó tránh khỏi việc các em còn bối rối, lúng túng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập.
Đối với học sinh khá, giỏi, chương trình mới có nhiều khoảng trống để phát huy năng lực, sở trường của bản thân, kích thích khả năng bứt phá. Còn với học trò trung bình, yếu, thực hiện các hoạt động học tập với chương trình mới đâu đó còn nặng nề, khó khăn. Quá trình này không dễ dàng và cần ở cả học sinh và giáo viên sự nỗ lực rất lớn.
Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mới, bên cạnh những yếu tố bảo đảm chất lượng (mà nòng cốt là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học), vai trò chủ động của mỗi nhà trường, giáo viên là vô cùng quan trọng. Trong đó, cần xây dựng được kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn và yêu cầu chương trình mới.
Kế hoạch giáo dục của nhà trường được hiểu để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục, không phải kế hoạch năm học như trước đây. Trong điều kiện còn khó khăn, chỉ khi nhà trường, giáo viên thực sự trách nhiệm, tâm huyết mới có thể phát huy được tối đa những gì đã có, tìm tòi, chủ động, sáng tạo để đưa chương trình mới vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả.