Theo đó tất cả đầu SGK đều được lựa chọn. Mỗi địa phương chọn từ 3 bộ sách trở lên, nhiều địa phương chọn SGK của cả 5 bộ. Theo đại diện Bộ GD&ĐT, điều này chứng minh chất lượng SGK là khá đồng đều. Việc lựa chọn các đầu SGK từ nhiều bộ khác nhau thể hiện tính dân chủ của nhà trường, đồng thời cho thấy cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng nên lựa chọn được đầu sách theo từng môn học, phù hợp với điều kiện và cơ sở vật chất dạy học của mình. Quá trình tổ chức lựa chọn SGK diễn ra đúng nguyên tắc, thành phần, quy trình, quy định, minh bạch, công khai. Quyền tự chủ chọn sách của cơ sở giáo dục đã thực sự được phát huy, trong đó tiếng nói của giáo viên có ý nghĩa quyết định.
Nhiệm vụ chọn SGK đến giờ này có thể nói đã hoàn thành, tuy vậy, trong hành trình thực hiện Chương trình GD phổ thông mới, đây là công việc bước đầu. Sau việc chọn sách, các trường phải cung cấp thông tin đến các NXB có SGK đã chọn, phối hợp với NXB bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK mới, triển khai kế hoạch phát hành, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời SGK trước thềm năm học mới 2020 - 2021.
Trong chuỗi nhiệm vụ trên, vấn đề bảo đảm đủ SGK cho tất cả học sinh cần được lưu tâm. So với năm học trước, do nhiều yếu tố, giá SGK mới khá cao. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến con em các gia đình nghèo, cận nghèo, học sinh vùng khó khăn. Vì thế, chính sách trợ giá cho đối tượng học sinh khó khăn là cần thiết và cần sớm được ban hành trước khi vào năm học mới. Bên cạnh đó, mỗi nhà trường cũng cần chủ động phối hợp, phát huy sức mạnh của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc chung tay hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khó khăn, học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện mua sắm, tiếp nhận SGK, bảo đảm 100% trẻ vào lớp 1 không ai thiếu sách để học.
Công việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình mới là khâu quyết định chất lượng dạy học. Khác với các đợt tập huấn thay SGK trước đây, lần này công tác tập huấn còn áp dụng cả hình thức trực tuyến. Hình thức bồi dưỡng này đòi hỏi giáo viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tự giác, tự học cao hơn. Công tác tập huấn phải được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, không thể ‘cưỡi ngựa xem hoa”. Song song đó, việc mua sắm trang thiết bị dạy học kèm theo SGK cũng cần phù hợp với từng cơ sở, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí.
Đặc biệt, tới đây, công tác kiểm tra, rà soát để bảo đảm việc dạy học thực hiện đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông mới phải được đẩy mạnh. Bởi việc quản lý chuyên môn trong bối cảnh trường học sử dụng nhiều bộ sách sẽ khác, không như lâu nay mà phải bám vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình từng môn, lớp học. Việc đánh giá giờ dạy của giáo viên, việc kiểm tra đánh giá đối với học sinh cũng phải khác, theo chương trình chứ không theo một cuốn SGK cụ thể.
Một khối lượng công việc lớn các trường phải thực hiện hậu chọn SGK và gánh nặng trách nhiệm đang đặt lên vai cán bộ quản lý và giáo viên, những người trực tiếp vận hành Chương trình, SGK mới. Khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước nhưng tâm và thế chung của đội ngũ luôn sẵn sàng trong niềm vui. “Chọn được SGK mới vất vả một thì dạy học SGK mới sẽ vất vả hơn chục lần. Bởi không dễ dàng gì tổ chức, quản lý dạy học trong điều kiện sử dụng nhiều bộ sách. Tuy vậy, đây cũng là cơ hội để các trường phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xây dựng tốt hơn kế hoạch giáo dục riêng của mình, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh. Thử thách nhưng với chúng tôi đó cũng là cơ hội”, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TPHCM chia sẻ.