Thế nhưng, “hot trend” này sẽ kéo dài bao lâu? Những hành động ấy liệu vẫn sẽ tiếp tục kể cả với không bức ảnh hay trào lưu nào?
Đã khá lâu kể từ sau “Thử thách dội nước đá” - Ice Bucket Challenge, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về bệnh xơ cứng teo cơ một bên vào năm 2014, người dùng mạng xã hội mới được tham gia vào một thử thách có ý nghĩa cộng đồng khác như “Thử thách dọn rác”, mà không phải một loạt những trào lưu vui là chính, thậm chí đầy hiểm họa như “Thử thách cá voi xanh” hay “Thử thách tự sát Momo” gây rúng động thời gian vừa qua…
Tại Việt Nam, thử thách dọn rác đang diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, dưới nhiều hình thức, từ Cuộc thi ảnh “Thách thức để thay đổi” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, đến các chiến dịch của các nhóm hoạt động xã hội vì môi trường, hay đơn giản là những một buổi tập hợp thu gom rác, tổng vệ sinh của các câu lạc bộ, đội nhóm, cá nhân…
Ảnh hưởng tích cực từ thử thách đã đem đến sự “lột xác” cho nhiều khu vực, địa điểm mà trước đó “nhìn đâu cũng thấy rác”.
Bức ảnh được cho là khởi nguồn của trào lưu Challenge for change được tài khoản Facebook Byron Román đăng lên vào ngày 5/3, kêu gọi “những thiếu niên đang nhàm chán” tham gia vào một thử thách mới. Chụp ảnh nơi cần làm vệ sinh hoặc tôn tạo, chụp thêm một bức nữa sau khi bạn đã hành động, rồi đăng nó lên mạng xã hội. Bài đăng của anh nhanh chóng thu hút hơn 100.000 like và hơn 330.000 lượt chia sẻ. (Ảnh: Internet). |
Hình ảnh những đoạn đường, bờ biển, lòng kênh, lòng sông…ngập tràn những túi ni lông, chai nhựa được thay thế bằng hình ảnh những người trẻ bên “thành quả” là những bao rác chất đầy phía sau thật sự là một tín hiệu tốt đẹp về lối sống của một thế hệ trẻ văn minh và có trách nhiệm.
Tuy nhiên, cũng từ “Thử thách dọn rác” này, người ta lại nhận ra một điều khác: “Chỉ khi bạn cúi xuống nhặt rác, bạn mới hiểu mọi người vứt rác khủng khiếp thế nào”. Và một trào lưu không bao giờ là đủ để thay đổi môi trường sống.
Giống như cách nó bắt đầu, vốn đã thấy được tính thời điểm của nó, “hot trend” hay trào lưu cũng đều rất dễ chìm vào quên lãng khi có một trào lưu khác lên ngôi.
“Thử thách dọn rác” đã được hơn “3 tuần tuổi” và hơn bất kì một “trào lưu nóng” nào khác, không ai mong muốn nó “chết yểu” khi mà mọi nỗ lực cứu sống môi trường đang vô cùng cấp bách, khi những tuyên truyền, lời nói của xã hội đôi lúc trở nên bất lực với ý thức của số đông con người.
“Thử thách dọn rác” trở thành "hot trend”. |
Nhưng mong muốn không đồng nghĩa với việc trào lưu này sẽ tiếp tục lâu hơn. Không thể chối bỏ thực tế phần lớn những người tham gia “Thử thách dọn rác” đều là người quan tâm, có ý thức, trách nhiệm với vấn đề môi trường ít nhiều.
Họ đã, đang làm những việc như vậy mỗi ngày, hoặc chỉ “mượn dịp” để có thể vì môi trường mà không phải là “lo chuyện bao đồng”. Hiển nhiên, họ không phải là nguồn cơn chính cho sự hình thành các bãi rác ngoài kia.
Những người có ý thức vẫn tiếp tục thử thách của họ, nhưng số còn lại thì sao? Đâu đó ngay trong chính những bình luận bên dưới các bức ảnh của “Thử thách dọn rác”, người ta lại đăng lên hình ảnh những túi rác ngổn ngang chỉ sau vài ngày, cũng chính tại nơi thử thách ấy đã đi qua. Có người bình luận “Rồi thời gian sau đâu lại vào đấy thôi”, người khác thì lại động viên nhau “Được lúc nào hay lúc ấy”, “Có làm còn hơn không”…
Ai cũng ủng hộ nhưng không mấy ai dám chắc chắn, dường như họ đều dự đoán được thực tế sẽ diễn ra trên những con sông, con suối, quãng đường ấy sau khi thử thách này kết thúc.
Nguyên nhân đưa ra vẫn luôn chỉ có một: Ý thức của mỗi con người. Nhưng thay đổi ý thức thế nào lại là câu chuyện của giáo dục, câu chuyện của trình độ dân trí. Điều mà không thử thách hay trào lưu nào có thể thay đổi trong chốc lát.
Trào lưu vốn để vui là chính. Nhưng đứng trước môi trường, với Challenge for change - “Thử thách dọn rác”, đừng chỉ vui thôi rồi tắt!